.

Sống lại một cuộc đời

.

Trong số hàng chục đầu sách viết về chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, có thể xem cuốn Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng (NXB Đà Nẵng - năm 2010) tập hợp khá đầy đủ, chi tiết về cuộc đời, tư tưởng, văn phong viết báo, làm thơ và đặc biệt vai trò là nhà sử học, dịch thuật, nhà biên khảo cổ văn rất tài tình của Huỳnh Thúc Kháng. Và gần một năm sau khi ra đời, cuốn sách đã đoạt giải vàng Sách Hay lần thứ 7 năm 2011 do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng - lần đầu tiên dành cho một nhà xuất bản địa phương.

Trong quá trình biên soạn, ông Phạm Ngô Minh (trái) tham khảo nhiều bài viết, tác phẩm của Cụ Huỳnh cũng như của những người viết về Cụ.
Trong quá trình biên soạn, ông Phạm Ngô Minh (trái) tham khảo nhiều bài viết, tác phẩm của Cụ Huỳnh cũng như của những người viết về Cụ.

Phía sau một tuyển tập

Bộ sách dày 1.809 trang cung cấp gần 100 bài thơ, 12 tác phẩm tiêu biểu của Cụ Huỳnh, những bài văn tuyển giai đoạn 1927-1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân; những bài báo của Cụ Huỳnh viết trong những năm 1936-1943. Tác phẩm còn trích đăng một số văn bản, tác phẩm; ý kiến những người đã từng gặp, nói chuyện hay có bình luận về thơ văn của Cụ Huỳnh, qua đó khẳng định và lý giải một số ý kiến chưa dứt khoát về Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt, cuốn sách có phần tiểu dẫn từng vấn đề như sử học hay dịch thuật, trước khi đi vào vấn đề đó. Đây có lẽ là điểm mới và gây ấn tượng mạnh với bạn đọc, giúp người đọc hình dung, bao quát được vấn đề.

Hai tác giả Phạm Ngô Minh và GS Chương Thâu (Viện Sử học Việt Nam) đã có những dòng giới thiệu ngắn gọn, nói những điều thật cần nói, thật rõ nét, không cần trình bày tỉ mỉ hay phẩm bình… để cho người đọc tự rút ra kết luận, được các tác giả chia theo đề tài, thể loại. Và cách kết cấu chương mục này giúp người đọc hình dung rõ nét cuộc đời của Cụ Huỳnh, một nhân sĩ yêu nước chưa được hiểu tường tận cho đến lúc đó.

GS Chương Thâu, người rất nổi tiếng với những cuốn sách, những nghiên cứu, biên khảo về nhiều nhân vật lịch sử, văn chương không xa lạ với nhiều người. Riêng cái tên Phạm Ngô Minh, cho đến thời điểm năm 2011 vẫn còn là một bí ẩn với nhiều học giả và bạn đọc trong nước, do những tác phẩm ông biên soạn chưa nhiều, sự công bố cũng chưa thật sự lớn. Nhưng sự học, sự đọc của ông, cái nhìn của ông về con người, về thời cuộc cũng là một điều đáng bàn.

Ba năm trước khi bắt tay vào làm Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Ngô Minh từng lên Tiên Phước, quê hương Cụ Huỳnh 3 lần, đọc và sưu tập hầu hết tác phẩm của cụ (như Bức thư bí mật gửi Cường Để, Thi tù tùng thoại...). Khi bắt tay vào biên soạn cuốn sách, ông phải lần hồi ra Huế tìm mượn cuốn Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam nhưng bị thoái thác; sưu tầm được cuốn Phan Tây Hồ tiên sinh. Cũng may nhiều tác phẩm báo chí của cụ được nhiều người làm thư viện có tâm ở Huế, Đà Nẵng cung cấp. Ra Hà Nội, ông Minh sưu tầm được bản Vụ trốn thuế Trung Kỳ (sách in), Bức thư trả lời chung, Cuộc khởi nghĩa Duy Tân… có nhiều tư liệu có giá trị cung cấp trong quá trình biên soạn sách.

Theo Phạm Ngô Minh, Cụ Huỳnh có hai người “đệ tử ruột”, là Vương Đình Quang (quê Hà Tĩnh, sau làm sách Thơ văn Huỳnh Thúc Kháng in năm 1964), là Thư ký báo Tiếng Dân và một người cùng quê Tiên Phước là Nguyễn Tuân (lấy bút hiệu là Anh Minh, Ngô Thành Nhân), sau này có tư tưởng đối lập, về làm quận trưởng Tiên Phước dưới thời Ngô Đình Diệm. Ông này có công sưu tập, phổ biến và in nhiều cuốn sách của Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu; sau này lại tập trung viết sách về yoga-dưỡng sinh. (Ông Phạm Ngô Minh có trong tay nhiều tác phẩm của cụ Huỳnh do Ngô Thành Nhân in ấn, nhưng hầu hết những tác phẩm này chưa được tái bản - PV).

Trong số những tác phẩm tham khảo, Phạm Ngô Minh ghi nhận nhiều bản dịch và tác phẩm của Vương Đình Quang, ví dụ như Thư gửi các cụ phụ lão kháng chiến của Cụ Huỳnh, ông dùng bản dịch đầu tiên của Vương Đình Quang (trong Tuyển tập còn đưa thêm bản dịch của Nguyễn Ngọc Tỉnh). Bởi thế, Phạm Ngô Minh nhận thấy là “cái tâm và tình cảm để vô Tuyển tập rất nhiều. Đó là sự yêu mến và trân trọng những gì Vương Đình Quang làm; tranh thủ sử dụng hết những đóng góp của Ngô Thành Nhân; và những người viết về Cụ Huỳnh đều được đưa vào sách”. Ngoài ra, ông ra nhà sách Hoàng Phố (Huế) mua tất cả những luận văn của sinh viên từng làm về Huỳnh Thúc Kháng, để nhận thấy những người từng nghiên cứu về cụ đều có một cái nhìn thống nhất: suy tôn một chí sĩ vì dân vì nước, một nhân cách cao cả. Và Phạm Ngô Minh nhận thấy còn có 2 luồng ý kiến về Cụ: cho rằng Cụ tham gia chính phủ Hồ Chí Minh là một sự hợp lý; và một số ý kiến đối lập cho rằng Cụ bị Việt minh lợi dụng (có trong sách Huỳnh Thúc Kháng-chí sĩ không đảng phái của Ngô Thành Nhân) và ông bác bỏ quan điểm này. Ông cho rằng vai trò, tiếng nói của cụ Huỳnh trong giai đoạn mới thành lập nước là rất quan trọng, bởi sức nặng vai trò chính trị cũng như tầm ảnh hưởng của cụ gần như tuyệt đối, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận.

Là người đóng góp rất lớn trong sưu tầm, biên soạn để làm nên cuốn sách, nhưng Phạm Ngô Minh chỉ nói rất khiêm tốn rằng công mình chỉ đóng góp một chút về giá trị học thuật, văn hóa, và cao hơn hết là tình cảm của ông đối với tiền nhân. “Tôi học được ở Cụ Huỳnh rất nhiều, ví dụ những bài nghị luận về chính trị, xã hội, đạo đức, nhân sinh. Và khi làm sách xong thấy vui vì mình hoàn thành một công việc cần sự dẻo dai, và đã nhận được thành tựu là một tác phẩm về Huỳnh Thúc Kháng được ghi nhận”. Và như nhận xét của GS Văn Tạo (nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam) là đã có nhiều nhà xuất bản (NXB) có sách khảo cứu, biên soạn về Cụ Huỳnh Thúc Kháng, nhưng phải đến Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng này, độc giả mới có được một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn, nói lên những cống hiến đa diện của cụ Huỳnh vào lịch sử dân tộc.

Nhân duyên dẫn lối

Cơ duyên dẫn Phạm Ngô Minh đến với cuốn Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng và trở thành người đồng biên soạn, đứng tên cạnh một vị giáo sư tên tuổi cũng là một sự tình cờ đầy ẩn ý. Thời điểm đó, ông hay qua lại NXB Đà Nẵng, sau khi in và tái bản cuốn Đường phố Đà Nẵng, các biên tập viên ở đây nhờ ông đọc thẩm định cuốn Hồ Xuân Hương, nàng là ai? của một tác giả ở hải ngoại. Tiếp đó, NXB nhờ ông đọc thẩm định luôn cuốn Huỳnh Thúc Kháng-con người và thơ văn của GS Chương Thâu với khoảng 2.000 trang đánh máy.

Lúc đó cuốn bản thảo này còn thiếu lời nói đầu và lời giới thiệu 12 tác phẩm của Cụ Huỳnh còn để trống. GS Chương Thâu cũng nhờ NXB tìm giúp một người cộng tác để hoàn thành cuốn sách.
Khi đọc thẩm định, Phạm Ngô Minh có ý kiến (bằng văn bản) nêu 8 điểm bất cập về công trình của GS Chương Thâu và đề nghị không xuất bản tác phẩm. GS Chương Thâu sau đó trả lời rằng mình do tuổi cao, sức yếu, không thể tiếp tục bổ khuyết cho công trình này và nhờ ông bổ sung 8 điểm đã nêu. Phạm Ngô Minh nhớ lại: “Lúc đó mình “phê” người ta vì trước hết là tinh thần học hỏi, là ý tưởng “xuất thần” trong một khoảng tâm lý, một không gian nhất định nhân đọc bản thảo của GS Thâu”. Ông nhận lời sẽ cộng tác làm cuốn sách và ra Hà Nội gặp GS Thâu. Tại buổi gặp, ông nói liền hai giờ đồng hồ về Huỳnh Thúc Kháng, và đáp lại, GS Chương Thâu nói “tôi rất mến phục, tin tưởng, đề nghị ông cộng tác”. Thế là Phạm Ngô Minh bắt tay vô làm sách.

Và hẳn nhiều người biết, viết sách là niềm đam mê, nhưng là “tay trái” của Phạm Ngô Minh. Mỗi ngày, ông thức dậy từ 1 giờ sáng, cùng vợ lên khu lò mổ Đà Sơn giám sát nhân công giết mổ heo, cung cấp cho bạn hàng. Thời gian còn lại trong ngày, ông đi thu tiền, tự làm sổ sách thu chi giúp vợ. Tôi nhớ ông từng bảo “tôi chỉ làm nghề kinh doanh thịt heo, không có văn bằng, chứng chỉ gì hết. Bỏ qua những mặc cảm, tự ti, cho dù không là gì, tôi vẫn là Phạm Ngô Minh”. Vậy là ông bắt tay vào sưu tập, có đủ bộ báo Tiếng Dân và nhiều đầu sách mới.

Ông soạn lời dẫn 12 tác phẩm tiêu biểu của Cụ Huỳnh. Và những gì GS Chương Thâu đã viết nhưng cũ, ông bỏ đi để tiếp cận những cái mới (3 bức di ngôn của Cụ Huỳnh). GS Chương Thâu nhìn nhận cách làm khoa học của ông, sẵn sàng cắt hay thêm bớt nhiều tiểu luận do GS viết từng được in ấn và đọc tại nhiều hội thảo khoa học. Và ông Minh đề cập, nhấn mạnh thành tựu sử học của Cụ Huỳnh, một điểm rất mới mà các cuốn sách trước đó chưa đề cập, đây cũng là thành tựu của cuốn sách. Cuốn sách khi in dài 1.809 trang, khối lượng tăng thêm 2/3 so với bản thảo ban đầu. Một điều đặc biệt nữa là Phạm Ngô Minh rất nghiêm túc, dứt khoát về văn bản. Đó là ông ghi rõ tên những tác phẩm của Huỳnh Thúc Kháng đã xuất bản bị thất lạc, ông ghi rõ tên người đang lưu giữ; những bản in quý hiếm nay không in lại đều có trong bộ sưu tập của ông và ông có bản gốc in lần thứ nhất (hoặc sao chụp lại) những bản in lần đầu tiên.

Sau Tuyển tập Huỳnh Thúc Kháng, nhiều cuốn sách về Cụ Huỳnh ra đời, tỉnh Quảng Nam còn làm hội thảo về cụ. Cuốn sách của Phạm Ngô Minh và GS Chương Thâu được bạn đọc đón nhận nhiệt thành. Nhưng chưa bao giờ Phạm Ngô Minh được mời tham gia một hội thảo nào về chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng.

Ghi chép của Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.