Năm 2016, xứ Quảng kỷ niệm 90 năm ngày mất Phan Châu Trinh (24-3-1926 – 24-3-2016) và kỷ niệm 140 năm Ngày sinh Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng (1-10-1876 – 1-10-2016), hai người con ưu tú đất Quảng, hai nhân cách cao cả, hai tấm lòng thiết tha với dân, với nước, cũng là hai tình bạn sắt son, thủy chung, hiếm có trên đời.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) |
Phan Châu Trinh sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, nay là thôn 5, xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Huỳnh Thúc Kháng (tên khai sinh là Huỳnh Hanh), sinh ngày 1-10-1876 tại làng Thạnh Bình, tổng Tiên Giang Thượng, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, nay là thôn Thạnh Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.
Huỳnh Thúc Kháng kém Phan Châu Trinh 4 tuổi nhưng lại có điểm chung trong nhiều sự kiện: Năm 1892, Phan Châu Trinh học ở trường ông Phạm Mẫn (gọi là ông cử An Tráng), kết giao với Huỳnh Thúc Kháng. Khoa thi năm Canh Tý (1900), Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu cùng đỗ cử nhân. Năm 1904, Trần - Huỳnh - Phan triển khai vận động Duy tân tại Quảng Nam. Năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh và nhiều sĩ phu khác bị bắt và đày ra Côn Đảo, sau vụ Trung Kỳ dân biến. Cả hai khước từ quan trường, nói như Cụ Huỳnh: “Tôi chỉ có một cái tội là đậu tiến sĩ mà không đi làm quan cho nên mới bị tù”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng và báo chí, so với các đồng chí, đồng liêu khác, Huỳnh Thúc Kháng gắn bó không nhiều với Phan Châu Trinh. Song, có thể nói, ít có nhân vật nào lại được Huỳnh Thúc Kháng đề cập nhiều, dồn tâm huyết để khắc họa, để ngợi ca, để tiếc thương như Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh là nhân vật kỳ lạ và hiếm hoi của lịch sử, một người có quan hệ với hầu hết những khuynh hướng chính trị đầu thế kỷ XX, từ Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu, các nhân vật của Đông Kinh nghĩa thục, Hoàng Hoa Thám, đến Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bạch Thái Bưởi, rồi Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc),... Phan Châu Trinh cũng là người sớm nhận ra nhiều sự khác biệt cơ bản giữa phương Đông và phương Tây về văn hóa, văn minh, về tổ chức xã hội, về phương thức sản xuất. Đọc Tỉnh quốc hồn ca I và II (1), Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam (2) sẽ thấy rõ. Phải vậy chăng, dần theo năm tháng, Huỳnh Thúc Kháng nhận ra những phương diện độc đáo, mới mẻ nơi người đồng chí của mình. Vì vậy, trong thơ văn, Huỳnh Thúc Kháng viết khá nhiều về Phan Châu Trinh.
Phan Châu Trinh (1872–1926) |
1. Đầu tiên, đó là những bài thơ trong Thi tù tùng thoại (3). Thi tù tùng thoại, sách viết về thời gian Huỳnh Thúc Kháng và các bạn bè, đồng chí của ông bị lưu đày tại Côn Đảo, từ 1908 đến 1921, đăng trên Tiếng Dân, từ số 1106 (9-9-1937) đến số 1196 (19-4-1938), 86 kỳ. Tập sách như một ký sự văn học, phản ánh toàn bộ những sinh hoạt trong tù, nói như tác giả là: “chép lại những điều nghe thấy cùng thi văn trong quãng đời quá khứ về một đoạn tù sử 13 năm (1908-1921) (4).
Nơi đây, ta gặp những nhà cách mạng, nhà thơ lớn như Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lương Văn Can, Lê Văn Huân, Dương Bá Trạc, Phan Thúc Duyện, Dương Thạc, Nguyễn Thành, Trần Cao Vân, Nguyễn Quyền, Châu Thượng Văn, Lê Bá Trinh... Điều đặc biệt là, trong những người tù đưa ra Côn Đảo năm 1908, Phan Châu Trinh không phải là người đầu tiên. Thế nhưng, hình ảnh và các trang viết mở đầu của Thi tù tùng thoại lại là viết về Phan Châu Trinh. Thi tù tùng thoại có 126 tiết, tiết thứ nhất, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Từ cuộc Mậu Thân dân biến (1908) trở đi, sĩ dân trong nước, vì tội quốc sự mà đày ra Côn Lôn kế tiếp nối gót nhau không dứt, mà người thứ nhất đứng đầu quyển sổ tù Côn Lôn ấy là cụ Phan Châu Trinh” (5). Sau đó, tác giả dẫn bài Xuất đô môn:
Luy luy già tỏa xuất đô môn
Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn
Quốc thổ trầm luân dân tộc tụy
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.
Huỳnh Thúc Kháng dịch:
Xiềng gông cà kệ biệt đô môn
Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn.
Khi nói đến Cụ Tập Xuyên Ngô Đức Kế bị đày ra Côn Lôn, Huỳnh Thúc Kháng nêu lại việc cụ Tây Hồ đứng đầu sổ tù. Tiết 21, cụ Huỳnh giới thiệu bài thơ nổi tiếng viết về cảnh lao động vất vả của tù nhân tại Côn Đảo, bài Đập đá (6):
Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
Bài thơ như một tượng đài với phong thái cứng cỏi, hiên ngang và lẫm liệt giữa nắng gió biển đông, bản lĩnh như một dũng sĩ trong thần thoại. Lúc Tăng Bạt Hổ (1858 - 1906) qua đời trên một chiếc thuyền nan tại Huế, Phan Châu Trinh có câu đối cho Điền Bát tiên sinh và Huỳnh Thúc Kháng dịch và đưa vào Thi tù tùng thoại (Tiết thứ 43).
Khi Phan Châu Trinh, được sự can thiệp của Hội Nhân quyền, rời Côn Đảo về Sài Gòn, Huỳnh Thúc Kháng có bài tuyệt cú:
Cố nhân tạc nhật biệt Côn Lôn
Tái phỏng đương niên cố quốc hồn
Nhất dạ luân thuyền lăng hải khứ
Kế trình kim dĩ đáo Sài Côn.
Huỳnh Thúc Kháng dịch thơ:
Bạn từ Côn Đảo bữa hôm qua,
Lạ hỏi hồn xưa nước cũ ta.
Tàu thủy một đêm phăng khỏi biển,
Sài Gòn đã đến đất quê nhà. (7)
2. Thời làm báo Tiếng Dân, Huỳnh Thúc Kháng có nhiều bài viết về Phan Châu Trinh. Trên Tiếng Dân, số 64, ngày 24-3-1928, sau hai năm Phan Châu Trinh mất, Huỳnh Thúc Kháng có Khóc Cụ Tây Hồ (hai bài Đường luật), với tâm sự:
Nắm xương vùi đất vẫn còn tươi
Thoạt đã hai mươi bốn tháng rồi
...
Chín suối thử kêu người khuất mặt
Nhớ nhau còn có bấy nhiêu người
(Bài I)
Còn nhớ năm xưa ngày bữa nay
Trời Nam bát ngát bóng sao bay...
Anh hùng dẫu mất hồn chưa mất
Nối gót kìa ai kẻ thứ hai?
(Bài II)
Cũng năm này, Huỳnh Thúc Kháng có thêm bài ca trù, dài đến 19 câu, mang tựa Ngày kỵ Cụ Tây Hồ. Huỳnh Thúc Kháng đánh giá Phan Châu Trinh là “bậc vĩ nhân”, người “ngàn muôn thuở tinh thần còn mãi mãi”, rồi thương nhớ: “Nước Nam ta kể bác Tây Hồ/ Khi vào Nam, khi ra Bắc, khi Đông độ, khi Tây du/ Tuôn máu nóng một bầu chan tưới khắp/ Ái quốc nhứt thanh thiên diệc khấp/ Sóng dân quyền dồn dập tới miền Nam/ Ngày nay ai chẳng thương tâm!”.
Trên Tiếng Dân, số 613, ngày 9-8-1933, Huỳnh Thúc Kháng có bài: “Một bài luận thời cuộc rất xuất sắc trong báo giới ta trước 25 năm nay”. Đó là bài Hiện trạng vấn đề của Phan Châu Trinh đăng trên Đại Việt tân báo (tức tờ Đăng cổ tùng báo mới cải tên), năm 1907. Bài báo đặt vấn đề cấp thiết đối với mọi tầng lớp người Việt Nam, đó là HỌC: “Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý tặng cho đồng bào là “Chi bằng học” (8). Người đầu tiên nhận ra tư tưởng tiến bộ này là Huỳnh Thúc Kháng, đồng môn, đồng chí của Phan Châu Trinh.
Tám năm sau, trên Tiếng Dân, số 676, ngày 24-3-1934, Huỳnh Thúc Kháng viết bài Ngày kỷ niệm Cụ Phan Châu Trinh, nhớ lại cảnh, trên đường Pellerin, “cái rừng người đông đảo như chợ Dinh”, “kẻ chờ người chực”, “ngậm ngùi và náo nức”, “tiếng than tiếc, tiếng khóc òa”, “mường tượng như đâu hôm qua”, khi “vĩ nhân đã ra người thiên cổ”.
Có hai số báo Tiếng Dân liền kề, số 1185 (24-3-1938) và số 1186 (26-3-1938), Huỳnh Thúc Kháng dành những trang viết dí dỏm, ân tình và trân trọng để nói về con người vừa có tài vừa có đức như Phan Châu Trinh. Năm sau, cũng trên Tiếng Dân (số 1331, ngày 23-3-1939, vào dịp giỗ lần thứ 13 của Cụ Phan, Huỳnh Thúc Kháng có bài báo ngắn gọn nhưng đánh giá chuẩn xác về Phan Châu Trinh, đó là: Đọc sách có cặp mắt riêng. Hấp thu Tây học. Chánh luận trước sau như một. Cách mạng công khai. Quả đúng vậy!
Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), Huỳnh Thúc Kháng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ Liên hiệp lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân ngày giỗ Cụ Phan, báo Cứu Quốc, số 196, ngày 24-3-1946, có bài phỏng vấn Huỳnh Thúc Kháng. Qua bài đó, Cụ Huỳnh đã ca ngợi tài năng, đức độ và sự cống hiến cho dân, cho nước của Phan Châu Trinh.
3. Sau ngày Phan Châu Trinh từ trần, tại làng quê hẻo lánh Thạnh Bình, qua bao biến thiên của thời cuộc, Huỳnh Thúc Kháng viết Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử. Tại bản in lần đầu, NXB Hướng Dương, Sài Gòn, 1958, trong bài “Kính dâng vong linh bác Huỳnh Mính Viên”, con gái Cụ Phan, bà Phan Thị Châu Liên nhớ lại: “Năm 1926, bác ở Quảng Nam ra Huế cầm trao cho chúng cháu quyển Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử của bác soạn và cho phép chúng cháu được tùy ý xuất bản. Bác cũng nói: Lúc bấy giờ nếu in ra thì có thể bị cấm hay bị kiểm duyệt, xem bỏ bớt, vô ích, nên đợi cơ hội tốt hơn”. Năm sau, 1959, Anh Minh - Huế in. Tập sách hơn 50 trang, khổ 21 x 14,5.
Có thể nói, qua niên biểu, qua các phần về gia thế, cử nghiệp, tiếp xúc tân thư, giao du với Sào Nam, đi Nhật về và những hành động trong nước, bị đày ra Côn Lôn, mười bốn năm ở Pháp, về nước, bệnh tật và mất, từ ngòi bút Cụ Huỳnh, hiện lên một Phan Châu Trinh: “Nhân cách tiên sinh, học thức cao, tài trí đủ, tính chất bền, ngôn luận giỏi, ai cũng biết cả”.
Suốt những trang văn, thống nhất từ đầu chí cuối là tiếng nói tri âm, tri kỷ, là tiếng lòng của một trái tim tìm đến một trái tim, là ngọn “đèn khuya ôn lại biết cùng ai” (Điếu Phan Châu Trinh) của Cụ Huỳnh đối với Cụ Phan. Đi tìm căn nguyên của tư tưởng và tình cảm ấy, có thể thấy, cả hai:
- Cùng xuất thân khoa bảng, đỗ đạt cao, không ra làm quan, chọn con đường cứu dân cứu nước, “vạch ra một sinh lộ cho toàn dân cùng dấn bước” (9).
- Quyết tâm đưa dân quyền, dân chủ, dân trí, dân sinh, dân khí từng bước thành hiện thực, liên hiệp các tầng lớp nhân dân.
Đà Nẵng, tháng 9-2016
HUỲNH VĂN HOA
(1) Phan Châu Trinh toàn tập, Tập I, NXB Đà Nẵng, 2005, từ trang 339 đến 389.
(2) Nguyễn Q.Thắng, Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1992, trang 132.
(3) Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Văn hóa -Thông tin, HN, 2001.
(4) Huỳnh Thúc Kháng Tuyển tập, Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, Sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 702.
(5), (6), (7) Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Văn hóa - Thông tin, HN, 2001, trang 11, 12, trang 55, 56, trang 134.
(8) Huỳnh Thúc Kháng Tuyển tập, Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, Sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 388, 389, 390.
(9) Nguyễn Q.Thắng, Phan Châu Trinh - Cuộc đời và tác phẩm, NXB Văn học, 1992, trang 90.