.

Chân dung người thầy

.

Trong thơ ca hiện đại, có một mảng thơ gây xúc động lòng người, đó là thơ viết về người thầy. Không ai không bước qua ngưỡng cửa học đường, ngưỡng cửa ấy để lại trong tâm thức mỗi người những bóng hình thầy cô giáo thân thương mà đi suốt một đời ta không thể nào quên được.

Người thầy đầu tiên của mỗi con người là những cô mẫu giáo. Thơ viết về các cô thường hồn nhiên. Có lẽ do chi phối bởi đối tượng giảng dạy.

Khánh Chi trong tập Gửi gió về cho nội, có hai bài thơ viết về cô giáo. Cô giáo em là bài thơ viết theo thể tự do với nhiều so sánh lạ. Cô học trò nhỏ làm thơ này đã lấy các thời khắc của một ngày: buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối, để qua đó, nói lên những suy nghĩ đẹp đẽ về cô. Cô là buổi sáng khi ánh mai chưa lên, nhìn vào mắt cô, em thấy em, thấy các bạn. Buổi chiều, đó là bàn tay phấn trắng như người gieo hạt. Và, trong buổi tối, trong giấc mơ, em thấy cô đi ra trong chiếc bông sen đẹp, cô hiền như lá lúa tháng ba. Bài thơ Khánh Chi viết năm lên 9 tuổi. Ý tứ tinh tươm, mới mẻ.

Ở một góc độ khác, cũng viết về cô mẫu giáo, Vũ Quần Phương thiên trọng về phía công ơn dạy dỗ. Cô hát, cô dạy, cô thức, cô ru... Trong bài Trường con, nhà thơ như hóa thân vào thế giới trẻ con để viết. Nơi thế giới ấy, có bàn ghế bé lại như con, có chữ C:  trăng khuyết, chữ O: tròn, có mái trường trong phố như nôi nhỏ, có làn môi chóp chép, nét mi thưa. Thông qua những hình ảnh thân quen đó, nhà thơ  thổi vào ước vọng và tình yêu rộng lớn về quê hương, đất nước. Từ đỉnh núi, dòng sông, khúc hát, đêm trăng đến Tổ quốc, cuộc đời,… như không còn khoảng cách nữa, cả đến những suy nghĩ lớn lao, cao cả:

Cô dắt con đi giữa phố đông
Tưởng như dắt mãi đến không cùng
Mai sau bay giữa vòm tinh tú
Cô vẫn cầm tay, con biết không?

Đoàn Vị Thượng có bài thơ lục bát, Lời ru của thầy, thật ý vị: Mỗi nghề có một lời ru / Dở hay, thầy cũng chọn ru khúc này / Lời ru của gió màu mây / Con sông của mẹ, đường cày của cha / Bắt đầu cái tuổi lên ba / Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em... Và, cứ thế, theo lời ru, chú bé ngày xưa lớn lên, với năm tháng: Hẳn là thầy cũng già thôi / Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em / Thì dù phấn trắng bảng đen / Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình.

Thường thơ viết về người thầy là những hồi ức trong trẻo, sáng đẹp. Điều này cũng dễ hiểu. Tuổi trẻ gắn bó với trường lớp, thầy bạn, chưa hoen lấm cát bụi đời thường, tâm hồn còn trong trắng; vì thế, khi nhớ về ngày xưa, kỷ niệm bao giờ cũng lung linh, kỳ diệu. Ngô Văn Phú quay trở lại Tuổi học trò, nhớ về ngôi trường ở thị xã trung du. Nơi ấy, một thời, dăm cậu học trò nghèo, ăn cơm độn, canh rau, mơ làm thi sĩ: Tuổi học trò của thị xã trung du / Hàng long não ủ hương vào trang vở / Sông Thao chảy như tâm hồn tuổi trẻ / Cứ đi hoài, không tính phút dừng chân…

Sông Thao, những quả đồi Phú Thọ, gió Bến Đoan, trăng Trù Mật đã nuôi dưỡng tâm hồn một thế hệ. Và, nơi ấy, có người thầy giáo già, mái tóc bạc bao năm rồi, chưa hết lo toan, vẫn cứ nhớ hoài.

Có người đã ví người thầy giáo như kẻ đưa đò, hết chuyến này đến chuyến khác. Đành vậy. Có điều, trên con đò - tri thức đó, khi cập bến, kẻ ở - người đi khó quên nhau: Một đời người - một dòng sông... / Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ / Tháng năm dầu dãi nắng mưa / Con đò tri thức thầy đưa bao người / Qua sông gửi lại nụ cười / Tình yêu xin tặng người thầy kính thương / Con đò mộc - mái đầu sương / Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày / Khúc sông ấy vẫn còn đây /Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông... (Người lái đò - Thảo Nguyên).

Trong hoài niệm của mỗi người, nơi góc trái tim, chúng ta nhớ về thầy, cô cũ với bao tình cảm đậm đà, sâu nặng. Lớn lên, ta hiểu ra bao điều lớn lao từ lời giảng ngày xưa:

Thầy đã giáng cho con về đất nước, nhân dân
Để lúc mặc lành không quên người áo vá
Ăn miếng ngon nhớ bàn tay người trồng khoai, dỡ củ
Câu ca dao đau đáu một thời...

(Phạm Khoa Văn - Thăm thầy giáo cũ)

Một khía cạnh khác, Nguyễn Đình Ảnh ghi lại những xúc cảm khi nhận được lá thư thầy cũ. Ba mươi năm là quãng thời gian không ngắn trong đời mỗi người. Vậy mà, suốt chiều dài đằng đẳng ấy, thầy giáo ngày nào vẫn dõi theo từng bước đường của người học trò. Bài thơ có những dòng trĩu nặng yêu thương:

Ba mươi hai năm chưa gặp lại lần nào
Bỗng hôm nay nhận được thư thầy gửi...
Đọc xong rồi cứ cầm mãi trong tay
Phong thư nhỏ của người thầy giáo cũ
Ngỡ còn ấm trên từng nét chữ
Tấm lòng thầy qua bao tháng, năm

(Đọc thư thầy)

Với tất cả nỗi niềm của những năm tháng trải nghiệm đời minh, Tạ Nghi Lễ có bài thơ Thưa thầy, rất xúc động. Bài thơ bắt đầu băng lời thưa: Thưa thầy, bài học chiều nay / Con bỏ quên ngoài cửa lớp / Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót / Con hóa mình thành bướm và hoa ... Tuổi học trò ngây dại, đâu biết những chân trời phía trước, đâu biết công ơn dạy dỗ của cô thầy, để rồi, một ngày:  

Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn
Sao con học hoài không thuộc
Để bây giờ khi con hiểu được
Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy.

Sẽ thiếu sót, nếu không nhìn thấy một mảng thơ do chính những người cầm phấn sáng tạo. Và, tưởng như có điều nghịch lý chăng, khi người thầy quay về với bao học trò của mình, cũng sâu nặng, ấm áp nghĩa tình. Qua nhiều năm giảng dạy, tiếp xúc với bao lứa học trò, gặp những cảnh đời éo le, bất hạnh, người thầy sẻ chia vui buồn, mất mát như chính những người thân mình vậy. Một người cha ra đi, không về. Một người mẹ bao năm cách mặt. Nỗi đời hiu quạnh như cứ dào lên trong lòng thầy những thương cảm khôn nguôi:

Đã bao lần thầy lau kính
Mà mắt vẫn cứ nhoà đi
Các em viết về nỗi đau tử biệt
Các em kể về nỗi khổ sinh ly...

(Đặng Hiển-Đọc hồi ức tuổi thơ học trò)

Đặng Hiển là nhà giáo, làm thơ, quê Nam Định, sống và công tác tại Hà Tây (cũ). Bài Viếng thầy nói lên tình cảm, tấm lòng của người học trò, kính trọng thầy:

Bài thơ con mới viết
Chưa kịp dâng thầy xem...

Vậy mà, thầy đã ra đi, bùi ngùi thương tiếc, với “Hương khói trào nước mắt/ Lệ nến giọt vắn dài”, mong “Cúi xin thầy tha tội/ Sự đời lệ chảy xuôi”.

Giáo sư Huỳnh Lý, Nhà giáo nhân dân, người con xứ Quảng, có hai câu thơ cảm tác về nghề dạy học: Kiếp sau xin cứ làm người / Làm ông thầy giáo dưới trời Việt Nam.

Giáo sư Lê Trí Viễn (1918 - 2012), một đời dạy văn, viết bao tập sách, dịch bao nhiêu cuốn, dặn dò cho các thế hệ sau: Dạy văn lấy cảm làm đầu/ Một đời tôi chỉ một câu dặn mình/ Dạy văn dạy nghĩa dạy tình/ Dạy văn mà cũng dạy mình dạy ta...

Nhà thơ Trần Hoan Trinh, thầy giáo Trần Đại Tăng, 40 năm gắn bó với ngôi trường Phan Châu Trinh - Đà Nẵng:

Ta đến khi tóc xanh / Ta về khi tóc bạc / Ngày mai trên trường xưa / Có một người thiếu mặt / Ôi phấn trắng bảng đen / Thôi cũng đành vĩnh biệt / Rồi năm tháng cuối đời / Chắc nhớ người tha thiết/ Ta đến khi tóc xanh / Ta về tóc đã bạc / Đóa hồng nào cho ta /Sao đóa hồng tím ngắt! (Bỏ trường mà đi).

Hữu Thỉnh có một bài thơ khá hay và sâu sắc viết về người thầy học cũ, có tên Thưa thầy. Hình tượng chiếc thước kẻ, vật quen thuộc của người đi dạy như vẽ ra con đường cho người học trò vin vào đấy, bước qua cay đắng cuộc đời, đứng lên trước mọi vấp ngã, đi tới tương lai, vững tin:

Đã vấp ngã
                   thưa thầy
        nhiều vấp ngã
Chẳng đâu xa, ở ngay giữa con người
Em bước đi lặng lẽ nghĩ về thầy
Đời mau quá, vui buồn chưa kịp cũ...

Trong nghĩ suy của người học trò, với thầy, đó là nơi gửi gắm của niềm tin, chốn đi về sau bao thất bại, là bông hoa cho thơm mát bình yên, là ngọn suối tan đi nhọc nhằn. Bao giờ cũng vậy, ngồi bên thầy, chúng ta trở thành bé bỏng, như đứa con bên cạnh mẹ hiền. Thương thầy, qua thời gian, tóc bạc dần. Trang giáo án mỏng manh không chịu nổi những bão giật của đời thường:

Cây trước cửa, gió ở ngoài trang vở
Thầy một mình vật vã với văn chương

Đang mưa bão đường về sông nước ngập
Giở trang Kiều thầy giảng chạnh lòng đau.    

Trang Kiều thương cảm trong lời giảng của thầy vọng về giữa những ngày mưa bão, lạnh giá, se sắt trái tim người học trò năm nào, thương về một nhân cách, giữ mình, trọn vẹn với văn chương, chữ nghĩa.

Thầy giáo, có người so sánh, là cành hoa đào ngày xuân, tự cháy đỏ đời mình để cho mùa xuân rực rỡ. Bao thế hệ qua đi, trên bến sông xưa, người thầy kính yêu của chúng ta vẫn còn đứng đó, cần mẫn dìu dắt bao lớp học trò:

Con tằm rút ruột mang tơ óng
Cây được vun trồng nở rộ hoa

(Bài xướng - Doãn Mậu Côn)

HUỲNH VĂN HOA

;
.
.
.
.
.