.

Đẹp hơn từ những lặng thầm

.

Đêm xuống, người người tìm về tổ ấm, nghỉ ngơi sau một ngày lao động, học tập thì những công nhân quét đường, thu gom rác bắt đầu vào ca làm việc. Đêm càng khuya, khi ngoài đường vắng hẳn bóng người, công việc của họ mới hoàn thành. Vào những ngày lễ, Tết, công việc của những người giữ sạch đường phố đôi khi mới dừng lại lúc thời gian đã chuyển sang ngày mới.

Để có những con đường, ngõ phố sạch đẹp vào mỗi ngày mới, công nhân vệ sinh môi trường phải làm cả đêm, bất chấp trời mưa gió hay tạnh ráo. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng dọn rác sau buổi trình diễn pháo hoa quốc tế tháng 4-2015.Ảnh: THANH TÌNH
Để có những con đường, ngõ phố sạch đẹp vào mỗi ngày mới, công nhân vệ sinh môi trường phải làm cả đêm, bất chấp trời mưa gió hay tạnh ráo. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng dọn rác sau buổi trình diễn pháo hoa quốc tế tháng 4-2015.Ảnh: THANH TÌNH

Làm hết việc chứ không phải hết giờ

Mười lăm năm trong nghề vệ sinh môi trường, anh Võ Quốc Dũng, Đội trưởng Đội Môi trường 2, thuộc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 2, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho rằng, so với trước kia, quy trình và phương án sản xuất tốt hơn, công cụ lao động bảo đảm hơn, nhưng lượng rác thải ngày càng nhiều hơn. Trung bình mỗi công nhân thu gom lượng rác của 1.000 hộ dân/ngày. Đội của anh Dũng mỗi đêm thu gom khoảng 35 tấn rác, cộng thêm 4 tấn ban ngày. Và những công nhân quét đường quét bình quân khoảng 1,6 km đường/một lượt làm việc.

Tháng 4-2012, khi đề án “Thu gom rác theo giờ trên địa bàn Đà Nẵng” được triển khai thí điểm, những người phụ trách lĩnh vực thu gom rác bắt đầu làm việc lúc 15 giờ, kết thúc công việc lúc 21 giờ. Nhưng nhiều nơi công nhân phải làm muộn hơn so với giờ quy định nên đầu năm 2016, UBND thành phố quyết định sửa thời gian thu gom rác từ 17 giờ và kết thúc lúc 23 giờ. Việc sửa thời gian bảo đảm cho xe chở rác có chỗ trống trên đường tấp vào lề nâng thùng rác; hạn chế sự khó chịu cho người dân ở những điểm tập trung nâng rác…

Đội Môi trường 2 đảm nhận thu gom tất cả 384 thùng rác đặt trên đường của 8 phường thuộc quận Hải Châu. Từ 15 giờ, những chuyến xe chở thùng rác đã được rửa sạch sẽ trước đó bắt đầu tiến hành đặt thùng. 17 giờ việc đặt thùng kết thúc thì 3 đầu xe gồm 6 công nhân thu gom bắt đầu công việc. Lúc 20 giờ, xe thu gom lượt đầu và đến 23 giờ thu gom toàn bộ rác thải. Ngay sau khi xe thu gom rác rời đi, những chuyến xe rút thùng sẽ đưa thùng rác về nơi lau rửa. Việc thu gom rác theo giờ được thành phố triển khai nhiều năm qua nhận được ý kiến đồng tình của nhiều người do giảm tối đa việc có thùng rác ở trên đường phố vào ban ngày, không làm phát sinh điểm gây ô nhiễm, làm đẹp hơn cảnh quan đô thị. Bù lại, tất cả công nhân sẽ dồn hết tốc lực để hoàn thành công việc trong một khoảng thời gian ngắn.  

Anh Lê Văn Bỉnh, công nhân thu gom rác ở khu vực phường Nại Hiên Đông, thuộc Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà có gần 8 năm trong nghề, trước anh là dân đi biển. Thời gian quy định làm việc lúc 14 giờ đến 24 giờ, nhưng anh toàn tận dụng thời gian, đi làm sớm. Cỡ 12 giờ trưa bắt đầu vào các cơ quan, trường học chở rác; rồi từ 13 giờ bắt đầu thu gom rác trong các khu dân cư. Anh bảo, mình phải đi xe máy đến đầu các con đường, kéo xe ba gác đi thu gom, xong rồi để cần xe phía sau kéo đi, chứ đẩy tay không nổi. Ngoài kéo xe đi thu gom trực tiếp, anh Bỉnh còn kéo thùng rác ở các điểm tập trung ra điểm tập kết, chờ xe tải đến chở đi. “Việc kéo thùng rác coi vậy chứ khỏe hơn, chứ đi thu gom trực tiếp cực lắm. Công việc kéo dài 8-10 tiếng một ngày, làm hết việc chứ không thể tuân theo thời gian quy định do kỳ này dân đông, mọi hang cùng ngõ hẻm đều đến, nên cũng không biết một ngày đi chừng nào cây số”, anh Bỉnh chia sẻ.  

Vì một thành phố sạch, đẹp hơn

Hầu hết những công nhân vệ sinh môi trường tham gia phần việc quét đường ban đêm là chị em phụ nữ, làm việc lâu năm. Công việc không nặng nhưng đòi hỏi sự dẻo dai, bền bỉ. Với thời gian bắt đầu lúc 22 giờ đến 4 giờ sáng vào mùa hè và từ 19 giờ đến 1 giờ 30 sáng vào mùa đông. Và cũng bởi đặc thù công việc ban đêm, ban ngày dành để nghỉ ngơi nên chị em ít có điều kiện làm thêm, tăng thu nhập. Bằng chứng là Công ty CP Môi trường đô thị đề nghị công nhân nữ đăng ký làm thêm ban ngày bằng công việc dọn dẹp ở hộ gia đình nhưng rất ít người tham gia.

Đêm xuống, người người tìm về tổ ấm, thì công việc của những người bảo đảm vệ sinh môi trường mới bắt đầu. Chị L.T.T.V, vào làm công nhân tại Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 2 đến nay gần 10 năm. Chị bảo, quét đường ban đêm, sợ nhất là nhiều ông nhậu xỉn xỉn ở đâu về, đánh võng trên đường, có khi còn dừng lại trêu ghẹo. Sợ nhưng rồi cũng quên đi. Xong việc, về nhà ngủ vài tiếng, rồi sáng dậy còn cho con đi học, đi chợ, nấu ăn,  thời gian để nghỉ rất ít ỏi.

Công việc của người quét đường không nặng nhọc lắm, chỉ cần chăm chút, tỉ mẩn. Nhưng  việc làm thường xuyên ban đêm cũng ảnh hưởng không ít đến sức khỏe. Nhất là vào dịp thời tiết mưa, lạnh, người sùm sụp trong áo mưa, đôi tay lạnh cóng vẫn phải hoàn thành việc làm sạch đoạn đường được phân công. Chị T.T.H, thuộc Xí nghiệp Môi trường Thanh Khê 2 kể, cách đây nhiều năm chị được phân công quét đường Nguyễn Tất Thành, đoạn thuộc 2 phường Xuân Hà và Thanh Khê Tây. Đường này nhiều quán nhậu bình dân, khách kê bàn ngồi sát vỉa hè, mỗi lần mình quét là y như rằng khách la ó, kêu bụi bặm, có người còn bê cốc bia hắt ra đường như đuổi mình đi. Tủi cực lắm nhưng vẫn phải làm. Sau này chị H. được phân công quét những đoạn đường khác, đặc thù công việc nên đôi khi chẳng quen biết ai trên tuyến đường mình làm, vậy mà có nhiều gia đình thỉnh thoảng để vỏ lon, sách báo trước nhà cho công nhân lấy, giúp chị có thêm đồng ra đồng vào.

Nhưng dù khó khăn cỡ nào, chị T.V, chị T.H hay anh Bỉnh đều cho rằng, công việc của mình là duy trì cho từng khu dân cư, từng tuyến đường luôn sạch, đẹp, nên dù có khó khăn  hay có lúc tủi phận thì họ vẫn bám nghề, bám việc. Tính theo mức lương như anh Bỉnh mỗi ngày được trả 160.000 đồng, thêm 15.000 ăn trưa, 10.000 tiền độc hại… cũng không nhiều so với nhiều nghề; cái được là công việc ổn định, không thất nghiệp khi trời trở gió như hồi anh còn đi biển. Đà Nẵng, trong nhiều năm qua là địa phương được đánh giá sạch nhất trong cả nước, với quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt khá hoàn thiện, góp phần vào việc xây dựng thành phố môi trường và phát triển du lịch. Trong thành quả này, chắc chắn có công đóng góp của những con người luôn tận tụy với nghề.

Ông Trần Văn Tiên, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết, toàn thành phố có 200 công nhân quét đường ban đêm, trên tổng diện tích khoảng 146ha, tương đương 195km đường. Có 114 người duy trì vệ sinh đường phố (làm ban ngày). Toàn thành phố có 1.600 thùng rác đặt trên đường phố, với 168 công nhân thu gom rác theo giờ. Trung bình cứ 40 phút sẽ có một xe thu gom, nên áp lực thời gian làm việc đè nặng lên mỗi công nhân. Mỗi ngày, rác thải sinh hoạt của thành phố Đà Nẵng phát sinh khoảng 702 tấn, tỷ lệ thu gom đạt tỷ lệ 93% (riêng khu vực nội đô đạt trên 95%).

Sắp tới, Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng sẽ từng bước chuyển thời gian thu gom bằng xe ba gác và thùng cố định trên toàn địa bàn từ 17 giờ đến 21 giờ. Và từ năm 2018, dừng việc thu gom rác thải bằng đặt thùng cố định…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.