Đến mảnh đất Sa Vĩ, nằm ngay trên bãi biển Trà Cổ cách trung tâm thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), khoảng 7km, tôi có cảm giác hào khí thiêng non nước với trầm tích văn hóa lịch sử ngàn năm như tụ về đây từ kinh đô Hoa Lư đến bóng dáng vua Hùng Vương dựng nước. Buổi chào cờ Tổ quốc tại Sa Vĩ, cũng bài Quốc ca, tôi và bạn bè tôi đã hát bao lần, sao sáng nay không thể cầm nước mắt khi nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc tung bay dưới nền trời xanh.
Lễ chào cờ ở Sa Vĩ. Ảnh: N.N.P |
Tháng Mười, mây mùa thu ở nơi này có gì khang khác, vừa lam lũ ngổn ngang, vừa ngời ngời sắc xanh nõn, mây nõn. Và sắc xanh màu áo lính biên phòng, sắc xanh của hàng dương Trà Cổ và đồng phục học sinh chấp chới khăn quàng đỏ với chúng tôi xếp thành đội ngũ hình chữ nhật. Trước mặt là hàng cây mướt xanh được cắt tỉa kỹ càng có hàng chữ vàng “Sa Vĩ – Nơi địa đầu Tổ quốc”.
Với đằng sau nền là cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ với những nét hoa văn chim lạc trên trống đồng, là sừng sững vút cao những ngọn dương hào sảng. Tổ quốc bây giờ thật gần gũi biết bao, thân thiết biết bao, thiêng liêng biết bao, bên anh, bên tôi, bên những người lính, bên các em những mầm măng tương lai. Hôm đó, các trưởng đoàn của các tỉnh về Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) dự Hội thảo “Nâng cao hiệu quả sáng tác, tuyên truyền về biên giới, biển đảo trong tình hình mới” đã ký lên tấm băng vải trắng sự hiện diện của mình mang hơi ấm của từng vùng đất khắp mọi nẻo Tổ quốc đến nơi địa đầu sóng gió.
Sau lễ chào cờ ở Sa Vĩ, chị Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau, người đã từng ra Trường Sa và rất say mê đề tài biển đảo đã thay bộ quần áo hằng ngày bằng bộ bà ba quàng khăn rằn và nước mắt ướt nhòe khi chụp ảnh ở bức phù điêu màu xanh da trời có khắc chạm câu thơ của Tố Hữu: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”. Chị ôm choàng bức phù điêu có tạc hình tàu lá dừa và thổn thức: “Tôi đã gặp Đất Mũi thân thương đây rồi”, chỉ thiếu chiếc thuyền ba lá vài dòng kênh rạch thì đây là một hiện thân máu thịt của Cà Mau.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh (anh ruột nhà thơ Trần Đăng Khoa), một người con Hải Dương đã ra vùng mỏ - vùng “vàng đen” Tổ quốc gắn bó nơi này hơn 40 năm, đã quen thuộc mọi ngõ ngách, địa chí ở cùng đất này cũng bảo rằng: “Sao sáng nay chào cờ ở Sa Vĩ vẫn cứ thấy như mới lần đầu”. Bất ngờ ông hỏi tôi: “Cậu là người hay viết về biển, thế có biết lực lượng hải quân được thành lập lúc nào không?”.
Rồi ông cho tôi biết một thông tin mới mẻ với chất giọng thong thả, điềm tĩnh khúc chiết như một tham luận cô đọng trước giờ hội thảo: “Chính xác hải quân (lính thủy) Việt Nam được thành lập từ năm 1288 mà vị “tư lệnh” đầu tiên là phó đô tướng Trần Khánh Dư với trận thủy chiến ở Vân Đồn tiêu diệt đội thuyền lương Trương Văn Hổ của quân Nguyên. Trần Khánh Dư được giao nhiệm vụ bảo vệ vùng đất ven biển và biển đảo chiến lược hiểm yếu vùng đông bắc có mũi Sa Vĩ và Trà Cổ này. Ông tổ chức một đội quân tinh nhuệ đặt tên là “Binh hải quân” đóng tại Vân Đồn, Quảng Ninh. Đội quân thủy chiến có 30 đô, biên chế mỗi đô 80 người lính, toàn quân có 30 chiếc thuyền, mỗi thuyền có 30 lính.
Khi trấn giữ Vân Đồn, người Việt ở đây làm nghề buôn bán, sinh sống ăn uống, y phục đều trông vào khách buôn phương Hán, nên quần áo cũng theo phong tục người Hán. Bởi vậy đề cao tự tôn dân tộc và đề phòng gian tế, ông hạ lệnh rằng quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giặc Hán, nên không được đội nón của phương Bắc mà đội nón Mã Lôi, ai trái lệnh, phạt!”.
Chúng tôi đã đến thăm đồn biên phòng Trà Cổ. Các đồng chí chỉ huy đồn cho biết ở đây có mấy dân tộc anh em cùng chung sống: Kinh, Dao, Tày, Sán Dìu, có cả đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo, có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Với địa hình phức tạp như thế, đồn cử 2 đồng chí trung tá biệt phái xuống tham gia Phó Bí thư Đảng ủy xã để trực tiếp nắm tình hình an ninh biên giới. Năm 1979, chiến sự biên giới bùng nổ, dân Trà Cổ gần như sơ tán hết. Năm 1992, dân mới trở về dần dần xây dựng lại.
Đặc trưng nhất của Trà Cổ là chỉ thuần người Việt. Dường như từ xưa các cụ đã có ý thức cảnh giác để bảo vệ lãnh thổ. Vì thế chuyện từ thuở xưa có mươi hộ dân hải ngoại đến cư trú đất này, các cụ đều đưa cả về phía sau, muốn tham gia lễ hội cũng chỉ ở vai phục vụ.
Đồn Biên phòng Trà Cổ đóng quân ngay ở sát mũi Sa Vĩ. Cột mốc chủ quyền 1378 được đặt ở đỉnh cực đông bắc trên mũi Sa Vĩ, dấu mốc cuối cùng của tuyến biên giới Việt – Trung tính từ cột mốc số 0 trên đỉnh Khoan La San ở ngã ba biên giới ba nước Việt - Trung - Lào. Đồn Biên phòng vừa có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên ở đất liền, vừa “trông coi” biên giới trên sông, biển nên có những khó khăn riêng, nhất là phải lệ thuộc nhiều về điều kiện khí hậu, thủy triều bất kể mưa gió, giông bão hằng đêm anh em đều tổ chức phương tiện canh thủy triều lên xuống để tuần tra công tác an ninh từ việc tàu cá của nước bạn sang đánh cá trên hải phận của ta, tranh chấp ngư trường với ngư dân ta cho đến người buôn lậu qua lại nơi cửa sông Bắc Luân…
Nhà thơ Bùi Hữu Thiềm, trước là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Móng Cái, một người khá am hiểu vùng đất này cho tôi biết: Tên gọi Trà Cổ là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Tiến Thủy, thành phố Hải Phòng) - là đất phát tích nhà Mạc vào đầu thế kỷ 16. Người Trà Cổ có câu: “Người Trà Cổ - Tổ Đồ Sơn”.
Thấy tôi ngạc nhiên, ông Thiềm kể: Ngư dân Sa Vĩ hiện là hậu duệ của những người đi biển đến từ bán đảo Đồ Sơn, Hải Phòng xưa. Đại để từ cách đây khoảng 6 thế kỷ một nhóm ngư dân Đồ Sơn đi đánh cá gặp bão, ghé vào đây. Lúc ấy, Trà Cổ còn là đầm bãi, đầm lầy chưa có người sinh sống. Mười hai gia đình ngư dân Đồ Sơn đã phân vân, bàn luận không biết nên về hay ở lại. Cuối cùng 6 gia đình quay về bởi bất lực trước thực tại. Còn 6 gia đình ở lại “Tháng ngày tôm cá lấy tiền nuôi nhau”. Họ khai hoang, lập làng dựng nên Trà Cổ.
Người dân Sa Vĩ có một nghề truyền thống là cào ngao trên vùng biển giáp biên giới Trung Quốc với cái tên rất ngộ là “nạo vạn”. Thường họ đi bè máy (được kết bằng tre) ra ngoài biển. Chờ nước ròng họ xuống biển với cái cào, đầu cán có dây choàng ôm thân người rồi đi giật lùi, phát hiện có ngao thì dừng lại vớt lên. Hiểu nôm na “vạn” là dân vạn đò, “nạo” là nạo vét. Ngoài cào ngao những người đi bắt giun đất, sá sùng cũng được gọi là “nạo vạn”…
Ở Trà Cổ có một cột mốc chủ quyền văn hóa đặc biệt đó là đình Trà Cổ. Con người ở đây luôn hứng chịu khắc nghiệt của thiên tai, cái nghèo khó của địa lý và hơn cả là hứng chịu sự va đập, xoắn vặn trực tiếp hoặc thầm lặng từ văn hóa Trung Quốc hằng ngày thâm nhập vào. Nhưng người dân ở đây vẫn là chủ nhân của nhiều công trình thuần Việt có giá trị. Ngôi đình Trà Cổ mặc dù được xây dựng tại vùng biên giới giáp Trung Quốc nhưng hoàn toàn mang phong cách kiến trúc Việt; mang đậm chất văn hóa người Việt, không hề lai căng pha tạp đồng hóa với kiến trúc Trung Hoa. Điều này khẳng định rằng cha ông ta ngày xưa đã rất coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc.
Đình có niên đại từ thế kỷ 16 đến nay vẫn vẹn nguyên, thờ 6 vị tiền công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu - thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài vào giữa thế kỷ 18. Và một điều làm tôi ngạc nhiên nơi đây chính là cảm hứng để nhạc sĩ Nguyễn Cường, một người quen gắn bó với nhịp điệu Tây Nguyên hoang dã, với nhịp rock hiện đại đã viết ca khúc “Mái đình làng biển” với những câu hát lúc nào cất lên ta lại thấy rưng rưng dòng máu cội nguồn chảy râm ran trong từng tế bào, huyết mạch: “Thi gan cùng tuế nguyệt - bao lâu bao lâu rồi - Mái đình xưa làng biển - Thành thênh thang góc trời”. Mái đình không bao giờ cũ, là cột mốc văn hóa khẳng định chủ quyền văn hóa Việt Nam bao đời nghiêng bóng xuống tâm hồn, tâm thức người Việt.
Ghi chép của Nguyễn Ngọc Phú