Chính quyền và công dân điện tử

.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép chuyển giao mô hình “Chính quyền điện tử thành phố Đà Nẵng” đến các địa phương sau khi mô hình này chứng tỏ có đủ khả năng để triển khai lan tỏa rộng.
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng, chính quyền điện tử (CQĐT) gồm có 5 thành phần: hạ tầng, chính sách, ứng dụng, quy trình và nhân lực; và muốn nhận biết một CQĐT mạnh hay không, người ta căn cứ vào 5 tiêu chí đó.

Liên Chiểu là quận đầu tiên xây dựng “Quận điện tử” với việc áp dụng cơ chế “một cửa hiện đại” tại UBND quận và UBND 5 phường. Ảnh: V.T.L
Liên Chiểu là quận đầu tiên xây dựng “Quận điện tử” với việc áp dụng cơ chế “một cửa hiện đại” tại UBND quận và UBND 5 phường. Ảnh: V.T.L

Năm 2011, hạ tầng CNTT của Đà Nẵng còn mang tính chất manh mún, thông tin có tính chất cát cứ (dữ liệu của ai thì người đó biết). Quy mô trang thiết bị tính trên đầu người lúc đó chỉ 0,5 – 0,6 máy vi tính/công chức. 5 năm qua, với sự đầu tư của thành phố, con số này đã lên mức 1,28 – 1,3 máy tính/công chức.

Đà Nẵng đã xây dựng mạng đô thị (mạng MAN) kết nối các cơ quan Nhà nước từ thành phố xuống tận cơ sở xã/phường với đường truyền 10 Gbps (Gigabit). Cùng với đó, việc hình thành Trung tâm Dữ liệu thành phố đã tập trung các cơ sở dữ liệu nền tảng về nhiều lĩnh vực như: dân cư, thông tin địa lý (GIS – Geographic Information System), chuyên ngành về hộ tịch, đất đai... Các dữ liệu này là cơ sở để triển khai mô hình Chính quyền điện tử và Thành phố thông minh trong tương lai.

Trong ứng dụng CNTT, từ ứng dụng góp ý của người dân qua Tổng đài 1022 của thành phố Đà Nẵng mang tính cách rời rạc, đơn vị nào biết đơn vị đó, đến nay, tất cả đã chuyển thành các ứng dụng có tính hệ thống, có tính chất dùng chung, kết nối liên ngành, liên thông.

Hệ thống quản lý điều hành đã được triển khai trên 100 đơn vị bao gồm cả đơn vị sự nghiệp, các dữ liệu từ thành phố xuống tận cơ sở xã/phường được liên thông. Một trong những hệ quả tích cực từ phát triển CNTT ở Đà Nẵng là hệ thống Một cửa điện tử hiện đại. Hệ thống này giúp cho tổ chức, công dân không chỉ tra cứu hồ sơ mà còn biết được quá trình xử lý hồ sơ của mình.

Về nguồn nhân lực, nhiều năm qua, Sở Nội vụ Đà Nẵng đóng góp vai trò rất tích cực, đồng hành Sở TT&TT và các sở/ngành khác trong việc tham mưu cho UBND thành phố đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực CNTT, ban hành các quy trình xử lý hồ sơ, phân công cụ thể trách nhiệm, tham gia vào quá trình xây dựng mô hình Một cửa điện tử hiện đại,...

Đến nay, số lượng nhân lực cho CNTT và truyền thông trên toàn thành phố là gần 40.000 người, bao gồm CNTT và truyền thông, cả báo chí - xuất bản, phần mềm nội dung số, công nghiệp điện tử... Trong đó có một số chuyên gia từ các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội quay về Đà Nẵng hỗ trợ cho phát triển CNTT.

Nhân lực này đủ sức làm việc cho các đối tác nước ngoài trong việc lựa chọn, phản biện các giải pháp khả thi phục vụ cho CQĐT và định hướng phát triển Thành phố thông minh.

Xây dựng, phát triển hệ thống CQĐT đòi hỏi tính ổn định, thế nhưng vẫn còn một số hạn chế như nhận định của ông Thanh: “Các chính sách, quy trình xử lý hành chính của chúng ta và các điều kiện cơ sở về các chính sách này thay đổi nhiều và nhanh quá. Hệ thống CQĐT là mô phỏng lại hệ thống hoạt động bình thường của chính quyền nên khi anh thay đổi buộc lòng các quy trình cũng thay đổi theo để phù hợp với quản lý mới, điều này làm cho hệ thống CQĐT thiếu tính ổn định”.

Chính sách đãi ngộ đối với nguồn nhân lực CNTT vẫn chưa có tính đột phá, chưa ưu đãi đối với cán bộ phụ trách CNTT. Vì thế, nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi hết thời gian gắn bó (7 năm) với thành phố về mặt trách nhiệm thì họ sẵn sàng chuyển sang các cơ quan, doanh nghiệp có thu nhập phù hợp hơn. Chưa ai có thể nói gì trước về nguồn nhân lực để bảo đảm cho hệ thống thông tin CQĐT của Đà Nẵng trong 15 – 20 năm tới, nếu không có chính sách hỗ trợ cho nguồn nhân lực để thu hút và giữ lại lâu dài nguồn nhân lực đó.

Nhận thức của lãnh đạo nói chung hiện chưa có sự đồng đều trong việc ứng dụng CNTT cũng như định hướng Thành phố thông minh. Nhiều khi nhận thức chưa đi vào thực chất, còn mang tính chất phong trào, hô khẩu hiệu, do vậy nguồn lực thích đáng cho phát triển CNTT còn hạn chế. Người đứng đầu Sở TT&TT Đà Nẵng cũng chỉ ra rằng, công tác tuyên truyền về CQĐT hiện chưa đủ liều lượng, chưa quảng bá đến cộng đồng, việc phát huy các hiệu quả các hệ thống còn nhiều hạn chế.

Một trong những nội dung tuyên truyền mang tính quyết định đối với sự phát triển của CQĐT là xây dựng “công dân điện tử”. Phần do ảnh hưởng bởi thói quen lâu nay, phần do trình độ không đồng đều về tin học, nhiều công dân khi tiếp cận với các quy trình CNTT thường tỏ ra lúng túng, không tự tin. Phần lớn công dân khi đến giao dịch tại hệ thống Một cửa điện tử đều phải nhờ đến một nhân viên thông thạo CNTT hướng dẫn cách đăng ký, lấy số thứ tự, có vẻ tốn thêm một người cho việc này.

Đà Nẵng 7 năm liền là địa phương đứng đầu về chỉ số Sẵn sàng ứng dụng CNTT (ICT Index), 4 năm liền dẫn đầu chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index). Tính đến hết quý 2-2016, đã có gần 20 tỉnh, thành trên cả nước chính thức ký kết chuyển giao, tiếp nhận mô hình CQĐT của Đà Nẵng. Để CQĐT không phải là mô hình chỉ dành cho người trẻ, người biết CNTT, việc “đào tạo” công dân điện tử xem ra cũng là vấn đề “nóng” hiện nay vậy.

Để phát triển mô hình Chính quyền điện tử, theo tôi, cần có 4 tiêu chí “4 L”:

Lãnh đạo: Có lãnh đạo tốt với tầm nhìn xa, quyết tâm cao.

Lực lượng: Có nguồn nhân lực tốt, nguồn tài chính mạnh.

Liên kết: Có mối liên kết trong sự đồng thuận giữa Sở Nội vụ, Sở TT&TT và các sở, ngành hữu quan khác. Xây dựng Chính quyền điện tử, sau này là Thành phố thông minh, nếu không có liên kết, đồng thuận thì khó.

Lâu dài và liên tục: Xây dựng chính quyền điện tử là quá trình lâu dài và liên tục, không phải chỉ cần 5 – 10 năm hay thậm chí 15 – 20 năm. Kết quả cuối cùng là làm sao cho chính quyền điện tử trở thành phương thức giao tiếp của công dân và ngày càng được cải tiến sao cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, công dân.

Giám đốc Sở TT&TT Đà Nẵng Nguyễn Quang Thanh

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.