.

Hài hòa giữa không gian, kiến trúc

.

Đi về nhiều vùng quê hiện nay, nét mộc mạc làng quê như một đặc điểm dễ nhận diện là những ngôi nhà ba gian, vườn tược, lũy tre đang dần biến mất. Nhiều nơi đang đứng trước thực trạng người đi qua vẫn không nhận ra một vùng quê vì số lượng nhà cao tầng ngày càng nhiều, vật liệu và kiến trúc xa lạ.

Những ngôi nhà ống của thế hệ trẻ bên cạnh ngôi nhà ngói 3 gian truyền thống của ông bà, bố mẹ trong một khuôn viên đất đang trở thành kiểu kiến trúc phổ biến ở nông thôn. (Ảnh chụp ở thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn). Ảnh: H.N
Những ngôi nhà ống của thế hệ trẻ bên cạnh ngôi nhà ngói 3 gian truyền thống của ông bà, bố mẹ trong một khuôn viên đất đang trở thành kiểu kiến trúc phổ biến ở nông thôn. (Ảnh chụp ở thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn). Ảnh: H.N

Những ngôi nhà cao tầng mọc lên nhanh chóng ở nông thôn, một mặt cho thấy kinh tế, xã hội phát triển tích cực, tuy nhiên nó lại đang phá vỡ không gian kiến trúc, quy hoạch truyền thống của vùng nông thôn từ Bắc vào Nam, kể cả vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc sinh sống.

Kiến trúc theo hướng đô thị

Khoảng 5 năm trở lại đây, xu hướng đô thị tác động một cách mạnh mẽ đến không gian, kiến trúc vùng nông thôn. Những ngôi nhà mới mọc lên, ít dần kiểu kiến trúc truyền thống với nhà ba gian, hai chái, mà thay vào đó là kiểu nhà ống, nhà mái Thái.

Theo lý giải của nhiều kiến trúc sư, những tiện ích đô thị như máy điều hòa, bình nóng lạnh đưa về nông thôn bắt buộc mọi người phải cải tạo lại kiến trúc, thiết kế  nhà ở cho phù hợp. Việc đáp ứng cho nhu cầu cuộc sống vô tình đã làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kiến trúc nhà ở, thậm chí phá vỡ cả không gian kiến trúc của vùng, như nhà đóng cửa để bật điều hòa làm mất đi lối sống cởi mở và thay vào đó là sự khép kín, không tiếp cận với môi trường bên ngoài.

Đi qua những vùng trung tâm của xã, khu vực có chợ, có mật độ nhà cửa dày đặc thì cả một khu dân cư không khác gì ở phố, với nhà xây chia lô, liền kề, cửa đóng im ỉm cả ngày.

Ông Đặng Văn Thành, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho rằng, việc nhà ở phố chật hẹp đã đành, về quê mà bây giờ cũng đóng cửa cả ngày vì mở cửa là bụi, tiếng ồn, nên ông chọn ở phố “cho tiện với việc gần gũi con cháu”.

Ông Thành có nhà ở khu vực chợ Túy Loan, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang. Ông bảo khu vực quanh nhà ông ở đất có giá còn hơn nhiều nơi dưới phố, cộng với sự bất tiện của nơi “đất rộng, người thưa, nay trở nên ồn ào, tấp nập”, nên ông Thành cho thuê nhà, dọn về phố sống với con trai cho gần các cháu nội, ngoại.

Gia đình bà Phạm Thị Hóa, ở thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang cũng mới chia cho 4 đứa con 4 lô đất trên mảnh vườn rộng 2.000m2. Mảnh vườn này hiện có 3 ngôi nhà của ba thế hệ. Nhà của bố mẹ chồng bà Hóa là nhà ba gian, với gian giữa để bàn thờ, được làm từ khoảng năm 1960, lợp ngói, cột và đòn tay, rui kèo đều bằng gỗ. Nhà của vợ chồng bà Hóa cũng làm theo lối ba gian, nhưng trong nhà là cột bê-tông.

Bà bảo: xưa ai cũng làm nhà thấp như ri, mà nhà có nhiều ánh sáng. Rồi sau đó có thêm cái gác lửng để bỏ lúa khoai tránh nước lụt, có phòng được đổ mê để trú bão. Bà chỉ ngôi nhà ống hai tầng của con trai bên cạnh, chép miệng: chừ thì đứa mô cũng làm nhà dài, có gác, có cái hay là tránh lụt chứ thiếu sáng.

Như vậy là chừng 5 năm nữa thôi, nếu các con bà Hóa đều chọn làm nhà trên mảnh đất bố mẹ chia, sẽ có 4 ngôi nhà ống vây xung quanh hai ngôi nhà ngói thấp của ông bà, bố mẹ. Chúng tôi chưa hình dung xem nó “nhôm nhoam” cỡ nào, khi những ngôi nhà bê-tông mọc lên, vườn tược không còn, chẳng còn màu xanh hoa lá nào “đỡ” cho sự nặng nề của những ngôi nhà.

Hài hòa giữa kiến trúc và môi trường sống

Nhiều năm qua, việc quy hoạch trên địa bàn vùng nông thôn mới dừng ở việc quy hoạch tổng thể, phân chia để thực hiện các dự án đầu tư khu nhà ở, khu công nghiệp, khu vực đất dành cho các tiện ích công cộng, vùng ruộng nước hay đất hoa màu; không có quy hoạch chi tiết đến việc mỗi gia đình khi làm nhà phải được bố trí trên diện tích bao nhiêu để không tác động đến cấu trúc không gian các làng truyền thống.

Dẫn đến việc làng “được” đô thị hóa và làng “bị” đô thị hóa. Đặc biệt ở những vùng ven đô sự chuyển hóa từ làng - xã sang phố - phường trong bối cảnh người người đua nhau xây nhà, dãn dân đã phá vỡ gần như toàn bộ cấu trúc làng truyền thống.  Nếu như còn một số nơi không chịu tác động bởi đất nông nghiệp sang đất đô thị do ở đó không có chuyện giải tỏa, giá đất không tăng cao.

Ông Nguyễn Nhường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu cho biết, khi tách quận năm 1997, Liên Chiểu có 97.000 dân thì nay sau gần 20 năm dân tăng lên 162.000 người. Người tăng nhưng đất không tăng. Chỉ những nhà có đất rộng, không có nhu cầu chia cắt thì mới vẫn giữ kiểu nhà trệt rộng rãi, thoáng mát, lấy ánh sáng tự nhiên. Ví như ở khu vực tổ 35, 36, 37 phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu.

Khi bước vào các khu dân cư ở đây, thấy nhà cửa vẫn còn nét nguyên vẹn kiểu nhà ba gian, có vườn, có lũy tre ngà cạnh con đường trục chính trong xóm, thấy bình yên lạ lùng. Ông Trần Văn Huynh, ở tổ 36 cho rằng, ở đây thanh niên chủ yếu đi làm ở các khu công nghiệp, ở xóm chỉ còn người già, ít nhà có điều kiện xây mới nên vẫn giữ kiểu nhà cũ. Một số gia đình cũng cắt đất cho con theo kiểu chia lô, nhưng trước mắt kiểu kiến trúc nhà ống vẫn chưa làm xóm làng biến mất lối nhà xưa.

Anh Vinh, ở cùng tổ 36 làm một ngôi nhà ống nhỏ cạnh nhà bố mẹ khi ông bà vẫn ở ngôi nhà ba gian cũ, chia cho hai con trai hai khoảng đất bên cạnh, cho rằng, “nếu có điều kiện thì ai cũng muốn được ở nhà rộng, đất rộng. Nhưng vì gia đình hiện nay chia nhỏ, con cái có gia đình muốn sống riêng, đất thì không “nở” thêm nên đành chịu”.

Nhà ở nông thôn truyền thống là ngôi nhà có cổng, sân và vườn xung quanh để nuôi gà, trồng trọt. Do dân số phát triển, tình hình đất đai ngày càng khan hiếm nên một phần lớn người dân đã tự chia phần đất trong khuôn viên của gia đình cho các con cháu làm nhà ở nên diện tích đất bình quân ngày càng bị thu hẹp, từ đó bố cục không gian và kiến trúc ngôi nhà đã biến đổi.

Những ngôi nhà có diện tích khoảng 100m2 thường không đáp ứng được điều kiện sinh hoạt và sản xuất của một hộ gia đình làm kinh tế nông nghiệp hoặc làm nghề, nhưng mô hình này đang phát sinh ngày càng nhiều. Cũng không có nhà quy hoạch hay kiến trúc sư nào có thể khẳng định được đây là nhu cầu tự phát tạm thời hay là xu thế tất yếu trong tương lai trong định hướng phát triển kiến trúc nông thôn.

Huyện Hòa Vang đang xây dựng khu tái định cư Tà Lang-Giàn Bí dành cho đồng bào dân tộc Cơ Tu. Theo ông Lê Đức Trí, Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng huyện, chính quyền đang vận động bà con xây dựng nhà theo mẫu thiết kế mang đậm phong cách nhà của người Cơ Tu, trong khuôn viên đất có chia nơi trồng hoa màu, khu chăn nuôi gia súc riêng biệt. 20 hộ đầu tiên xây dựng theo mẫu kiến trúc sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng/hộ.

Ông Trí cũng cho rằng hiện nhiều nơi ở Hòa Vang đã hình thành đô thị, với tốc độ đô thị hóa hiện nay thì chính quyền không can thiệp được vào kiến trúc từng ngôi nhà, nhưng “song song với sự phát triển đô thị là điều tất yếu không thể can thiệp được về việc người dân phân lô, chúng tôi đang cố gắng giữ gìn những thôn kiểu mẫu (cả huyện có 17 thôn kiểu mẫu).

Bên cạnh đó đường sá sẽ được làm khang trang hơn, có trồng hoa ven đường. Những cố gắng đó sẽ cứu vẫn kiến trúc nhà ở. Khuyến khích người dân làm vườn trong khuôn viên đất để tạo nét văn hóa làng quê”.

Không gian vùng quê gồm cây xanh, cổng làng, những lũy tre già… mang tính chất dân dã có thể cứu vãn được lối kiến trúc nhà cửa đô thị hiện nay, để mỗi vùng quê thực sự là thôn quê với mật độ nhà cửa thấp, cây cối nhiều, yên bình.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tiêu chí kiến trúc không đề cập điểm nào cụ thể về quy định xây nhà ở, kiến trúc ở nông thôn. Dù nhà được xây dựng khang trang, bền vững lên nhiều, nhưng rất cần có sự bổ sung kịp thời, cần chế tài của Nhà nước và quản lý của các cấp chính quyền, để kiến trúc vùng nông thôn thể hiện được bản chất, lối sống, văn hóa truyền thống của mỗi vùng quê.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.