Thời xưa ở đây thực ra cũng không xa lắm, khoảng chừng một trăm rưỡi năm trở lại. Hồi ấy đất nước đang bị thực dân Pháp đô hộ, và có lẽ vì thấm thía nỗi nhục mất nước và quan trọng hơn là nhờ tiếp biến được tư duy khoa học hiện đại từ chính kẻ xâm lược mình mà vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lịch sử nước nhà rất được đề cao trong cả người dạy lẫn người học.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - đã qua đời trong một tai nạn giao thông - từng nhận xét: “Có thể nói, chưa ở đâu và chưa bao giờ vấn đề học sử Việt Nam lại được cổ vũ và coi trọng như trong các cuốn sách dạy lịch sử Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX.
Quốc sử được xem là công cụ đúc nên quốc hồn, là linh đan bồi bổ cho quốc não, khơi dậy lòng yêu nước, đưa đất nước tiến lên văn minh và tiến bộ”(2), và cũng chính chị đã dày công khảo sát trong luận án tiến sĩ Hán Nôm của mình 20 cuốn sách dạy lịch sử, gồm 186 văn bản cổ có niên đại từ 1880 đến 1952 - được Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành năm 2013 với nhan đề Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm.
Bìa cuốn sach Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm do TS Nguyễn Thị Hường(1981- 2012) biên soạn. Ảnh: Internet |
Niên đại 1880 trong luận án tiến sĩ của nhà nghiên cứu quá cố Nguyễn Thị Hường rất đáng chú ý. Như vậy các sách dạy lịch sử Việt Nam được tác giả luận án khảo sát mới chỉ xuất hiện từ cuối thế kỷ XIX và cuốn còn lại có niên đại sớm nhất là 1880. Có thể có hai lý do dẫn đến điều này.
Một là do Trung Quốc cố tình đồng hóa dân tộc ta nên trải qua hàng ngàn năm Bắc thuộc, nhất là vào thời nhà Minh sang xâm lược Việt Nam, họ đã tiến hành tịch thu và thiêu hủy sách vở Việt Nam nói chung và sách dạy lịch sử Việt Nam nói riêng, cộng với ý thức lưu trữ tư liệu không cao của người Việt mình. Hai là và đáng buồn hơn là - theo nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - người Việt có truyền thống ít quan tâm đến sử Việt. May mà có những sĩ phu yêu nước Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX - với nhãn quan khoa học phương Tây - đã nhận ra sai lầm này và kịp thời bổ cứu.
Các tác giả Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư 改良蒙學國史教科書 của Đông Kinh nghĩa thục - Phong trào duy tân trên đất Bắc - trong lời tựa sách đã thể hiện những trăn trở của mình trước thực trạng hiểu biết lịch sử còn hạn chế của người dân Việt Nam nói chung, cũng như thanh niên đương đại nói riêng:
“Trong cõi có ba điều quan trọng, một trong số đó là sử. Quốc sử là cái dùng để ghi lại sự mạnh yếu của dân tộc và sự nhanh chậm trong tiến hóa của nó. Sự học của 泰西 Thái Tây trọng hơn hết là quốc sử. Hễ trong trường học, học sinh nữ hay nam đều trước hết dạy cho lịch sử bản quốc, sau đó [học] đến lịch sử nước ngoài.
Lúc đồng ấu học tập thứ ấy, lớn lên sẽ tinh thông thứ ấy. Đọc lịch sử [khi] Tổ quốc cường thịnh thì vui sướng mà kính nể. Đọc lịch sử [khi] Tổ quốc suy vi thì xót xa mà buồn thương. [Như thế] nên những quốc dân [đọc sử ấy] được làm giàu có [thêm] lòng yêu nước; [mà] người người sẽ hết sức gắng gỏi để thúc đẩy Tổ quốc đến cường thịnh và làm danh dự Tổ quốc được vẻ vang. Quốc sử đối với quốc dân thực có quan hệ mật thiết nhất.
Sở học của nước ta rặt chỉ theo nước 支那 China mà mô phỏng lối văn hủ lậu, thứ đó (= lối văn hủ lậu) đối với bản quốc vì thế thực là mông lung, [người học học nó thì] như sa vào chốn sương mù. [Điều đó khiến cho] đến mức học sinh cao đẳng trong xã hội lớp trên mà [khi] hỏi rằng thân này ở nước nào cũng không thể đối đáp được.
Ôi! Với việc quốc nhân mình không biết rõ quốc sự mình, [khác gì] [chuyện] “Tịch Đàm vong tổ” (Tịch Đàm quên tổ tiên của mình) [Tịch Đàm là một nhân vật trong Tả Truyện]? Cơ hồ không biết huyết thống thân ta từ đâu mà ra, cho nên lòng yêu nước đã nông cạn lại mỏng bạc, mà khiến cho tiền đồ tổ quốc ngày càng hãm vào vực suy nhược chìm vong”(3). Lời phê phán thẳng thắn bộc trực từ trăm năm trước ấy dường như đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.
“Lúc đồng ấu học tập thứ ấy, lớn lên sẽ tinh thông thứ ấy” - ý kiến của các tác giả Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư khẳng định học sử là phải học từ nhỏ, từ khi mới cắp sách đến trường. Cũng chính vì lẽ đó mà người xưa dạy sử, viết sách giáo khoa lịch sử rất coi trọng tâm lý lứa tuổi.
Nhiều sách dạy lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX dành cho học sinh tiểu học đã phát huy lợi thế dễ nhớ dễ thuộc của văn vần, chẳng hạn như sách Khóa nhi tiểu giản tứ tự quốc âm thể 課兒小簡四字國音體do tác giả Nguyễn Văn Bình biên soạn vào năm 1952 sử dụng thể thơ bốn chữ ngắn gọn: “Từ họ Lạc Hồng/Đến đời Thục Triệu/Có nước có dân/Không hèn không yếu”, rồi “Thời kỳ Bắc thuộc/Hơn một nghìn năm/Quốc dân chịu nhục/Chí khí nuốt căm” (bản dịch của Nguyễn Thị Hường)...
Cũng theo phân tích của Nguyễn Thị Hường trong luận án tiến sĩ dẫn trên, ông cha xưa rất quan tâm đến vấn đề cương vực/biên giới, rất có ý thức về chủ quyền biển đảo: “Có thể nói, việc trình bày chuyên sâu về cương vực là công việc của môn địa dư. Nhưng do tính quan trọng của nó đối với quốc gia cũng như sự liên quan chặt chẽ của nó với quốc sử, cương vực luôn là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và Nôm”.
Đặc biệt sách Khải đồng thuyết ước/Tóm tắt những điều dễ hiểu nhất cho trẻ con của tác giả Phạm Vọng - biên soạn xong vào cuối năm Quý Sửu 1853, được Tiến sĩ Ngô Thế Vinh nhuận sắc, được khắc in lần đầu tiên vào năm Tân Tỵ 1881 đời vua Tự Đức và lần cuối vào năm Nhâm Thân 1932 đời vua Bảo Đại - ngoài việc trình bày sơ lược về cương giới nước ta như các sách dạy sử đương thời, còn có thêm tấm Bản quốc địa đồ, trong đó:
“Phần về Hoàng Sa được ghi là Hoàng Sa chử 黃沙渚 (Bãi cát vàng), phần ghi về Trường Sa chỉ ghi hai chữ Trường Sa長沙 và bên cạnh khuyên tròn hai chữ Trường Sa giống như khuyên tròn ba chữ Hoàng Sa chử có vẽ thêm những chấm tròn nhỏ xung quanh. Có thể hiểu những dấu chấm tròn nhỏ này như những đảo nhỏ xung quanh.
Dưới phần ghi Hoàng Sa và Trường Sa có ghi hai chữ ở dưới là quốc nội 國內 (…) Ngay từ đầu thời Tự Đức chủ quyền về biển đảo của Việt Nam đã được thể hiện rất rõ trên bản đồ. Đáng nói hơn, đây lại là bản đồ trong sách giáo khoa dùng để dạy cho học sinh cấp tiểu học do những nhà khoa bảng của Việt Nam biên soạn, được sao chép và in lại nhiều lần trong khoảng thời gian gần 100 năm”.
Trong bối cảnh Biển Đông từng ngày dậy sóng, toàn bộ huyện đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng cùng một số đảo/đá thuộc huyện đảo Trường Sa của Khánh Hòa bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép mấy chục năm qua, chúng ta cần phải ôn cố tri tân, phải qua tìm hiểu việc soạn sách dạy lịch sử của ông cha từ trăm năm trước để suy ngẫm về cách thế hệ chúng ta đang soạn sách dạy lịch sử ngày nay, nhất là về việc chậm đưa quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào sách giáo khoa lịch sử chung của toàn quốc - chứ không chỉ dừng ở tài liệu dạy học lịch sử địa phương như Đà Nẵng hiện nay.
Đương nhiên có được sách giáo khoa lịch sử đáp ứng yêu cầu cũng chưa phải là tất cả. Trong buổi tọa đàm “Đào tạo giáo viên lịch sử và dạy học lịch sử ở các trường phổ thông tại Mỹ - Kinh nghiệm cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu giáo dục thuộc Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 5 năm 2013, Tiến sĩ David M.Berman đến từ Đại học Pittsburgh cho biết giáo viên các trường phổ thông của Mỹ có thể chủ động hoàn toàn trong lựa chọn phương pháp, thời gian và tài liệu giảng dạy. Tiến sĩ David M.Berman cũng nhấn mạnh rằng yếu tố quyết định sự yêu thích của học sinh với môn học này chính là giáo viên.
Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Giáo sư Vũ Dương Ninh đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát biểu trong một hội thảo về cần “quán triệt định hướng phát triển năng lực tư duy sáng tạo của người học. Ý tưởng này phải được thể hiện xuyên suốt từ việc xây dựng chương trình đến cấu trúc của toàn cuốn sách giáo khoa và của từng bài trong sách giáo khoa (...) Tinh thần chung là phần bài viết, tức nội dung kiến thức cơ bản chỉ chiếm một tỷ lệ nhất định nhưng những phần còn lại được gọi là cơ chế sư phạm có vị trí rất quan trọng làm cho học sinh vừa hiểu sâu vấn đề, vừa mở rộng tầm nhìn, qua đó có thể tiếp nhận kiến thức một cách chủ động, đồng thời có thể mở rộng tư duy, học cách lập luận và bày tỏ ý kiến của mình”. Đến đây, người viết bài này nhớ lại câu chuyện mình từng kể trên Báo Đà Nẵng:
Một cô giáo trẻ từng than phiền học trò thời nay hư hỗn quá và dẫn chứng rằng có học sinh sau khi nghe cô kể chuyện Phạm Ngũ Lão làng Phù Ủng ngồi đan sọt ở giữa đường, vì mải nghĩ việc nước nên khi quân triều đình hò hét bảo Phạm Ngũ Lão đứng lên tránh lối cho xe Trần Hưng Đạo đi qua, thậm chí dùng giáo đâm vào đùi đến chảy máu mà Phạm Ngũ Lão vẫn như không hề hay biết, đã dám thắc mắc: “Thưa cô, làm sao mình biết ông Phạm Ngũ Lão lúc đó đang nghĩ việc nước? Ngộ nhỡ ông ấy đang nghĩ tới người yêu thì sao ạ?”.
So với số đông học sinh sẵn sàng tuân phục vâng lời, dễ dàng chấp nhận cái lô-gích đã là ông Phạm Ngũ Lão thì chắc lúc nào cũng phải lo nghĩ việc nước, em học sinh này không dễ dãi chấp nhận như vậy, biết hoài nghi khoa học như vậy, biết Quảng Nam hay cãi như vậy mới thực sự là… biết cách học sử, từ đó khi lớn lên mới có thể “thúc đẩy Tổ quốc đến cường thịnh và làm danh dự Tổ quốc được vẻ vang” đúng như kỳ vọng của các tác giả Cải lương mông học quốc sử giáo khoa thư!
BÙI VĂN TIẾNG
(1) Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố.
(2)Dẫn theo Trinh Nguyễn: Người xưa dạy sử Việt, Thanh Niên điện tử, 11:15 AM – 5-9-2013.
(3)Dẫn theo Le Minh Khai: Cội nguồn của việc giáo dục lòng yêu nước ở Việt Nam (bản dịch của Hà Hữu Nga), 2012.