Hướng đến sự tiện ích

.

Từ năm 2014, Đà Nẵng bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “Thành phố thông minh”. Đến thời điểm này, một số dự án liên quan đến các lĩnh vực quản lý chất lượng nước, giao thông đô thị… được triển khai thí điểm thông qua các hệ thống giám sát, phân tích dữ liệu nhằm mang lại sự tiện ích cho chính quyền lẫn người dân.

Thông qua camera, các dữ liệu liên quan đến giao thông, an ninh, trật tự được truyền về Trung tâm xử lý đặt tại trụ sở Công an thành phố. Ảnh: T.Y
Thông qua camera, các dữ liệu liên quan đến giao thông, an ninh, trật tự được truyền về Trung tâm xử lý đặt tại trụ sở Công an thành phố. Ảnh: T.Y

Thí điểm cơ chế giám sát, phân tích dữ liệu    

Mỗi lần trở về Hội An thăm bà con, tộc họ, ông Huỳnh Văn Nghĩa, trú đường Nguyễn Như Hạnh (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) lại soạn tin nhắn mang nội dung “Bus Nguyễn Như Hạnh” gửi đến tổng đài 8188 để nhận thông tin về lịch trình xe buýt. Ông Nghĩa chia sẻ, trước đây, từ nhà ông thường đi thẳng về Bến xe Trung tâm Đà Nẵng để đón xe buýt tuyến Đà Nẵng – Hội An vì không rõ xe buýt tuyến này đón khách ở trạm nào.

Ngoài việc di chuyển khá xa, ông không tránh khỏi cảnh chờ đợi nếu chẳng may xe chưa đến giờ xuất bến. Nay thì khác, ngay khi tin nhắn vừa gửi đi, ông Nghĩa nhận được phản hồi. Ví dụ: “29-11-2016: 10:12: Trạm 341 Tôn Đức Thắng. DN-AN: Xe cách trạm 10km720m; DN-HA: Xe cách trạm 32km315m; KL-CH: Xe cách trạm 2km404m”. Từ đó, ông Nghĩa có sự chủ động hơn trong thời gian di chuyển từ nhà ra trạm.

Trung bình mỗi ngày, tổng đài 8188 nhận từ 200 đến 300 tin nhắn mang nội dung tương tự. Thông qua các thiết bị giám sát hành trình được lắp đặt trên 114 xe buýt hoạt động tại thành phố Đà Nẵng, ứng dụng cho phép thu thập các thông tin vận hành như vị trí trạm xe buýt gần nhất (với người gửi tin nhắn), lộ trình xe và thời gian (bao nhiêu phút nữa) thì xe đến trạm.

Bên cạnh đó, những thông  tin liên quan đến vận tốc, cập nhập vị trí hiện tại trên bản đồ cũng được cung cấp cho công dân qua ứng dụng trên trang điện tử, truy cập bằng các thiết bị cầm tay có kết nối mạng Internet. Ứng dụng này giúp người dân giảm thiểu thời gian chờ đợi và nhanh chóng tìm thấy chuyến xe mình mong muốn.

Sau 2 năm thực hiện việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, xây dựng hệ thống xe buýt thông minh, gửi thông tin qua tin nhắn, mới đây, Đà Nẵng tiếp tục tổ chức hội thảo “Xe buýt và xe buýt nhanh BRT thành phố Đà Nẵng”, lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, chuyên gia nhằm hoàn thiện Đề án hệ thống xe buýt nhanh BRT. Đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng cho biết, đề án này thuộc Dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng, đã được lãnh đạo thành phố phê duyệt.

Theo kế hoạch, Đà Nẵng sẽ xây dựng 3 tuyến BRT, trong đó có 1 tuyến chính (BRT) và 2 tuyến phụ (R1, R3). Tuyến BRT dài 24,76km, bắt đầu từ đường số 5 khu công nghiệp Hòa Khánh và kết thúc ở đường Trần Đại Nghĩa; tuyến R1 dài 35,4km, có 35 trạm dừng, từ Sân bay Đà Nẵng đến đường Lê Hồng Phong (Hội An); tuyến R3 dài 26,7km, có 24 trạm dừng, từ Sân bay Đà Nẵng đến Khu du lịch Bà Nà. Có tất cả 66 xe bắt đầu hoạt động từ 5 giờ sáng đến 21 giờ đêm, thời gian có 1 lượt xe qua trạm chờ, dao động từ 3 đến 10 phút.

Nằm trong mục tiêu hoàn thiện cơ chế giám sát, phân tích các dữ liệu liên quan đến mạng lưới giao thông đô thị, Đà Nẵng tiếp tục lắp đặt camera tại những vị trí giao thông trọng yếu. Dự kiến đến đầu năm 2017, sẽ có 1.700 chiếc camera giám sát an ninh, giao thông, trật tự trên địa bàn thành phố, với vốn đầu tư 70 tỷ đồng.

Và hơn 1 tháng nay, Đà Nẵng bắt đầu phạt “nguội” các lỗi về đi sai làn đường, phần đường, không chấp hành đèn tín hiệu tại một số nút giao thông, thông qua dữ liệu được camera truyền về bộ phận giám sát đặt tại Công an thành phố. Sau thời gian thí điểm, việc xử phạt “nguội” sẽ được mở rộng ra các tuyến đường có lắp đặt camera.  

Ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Đà Nẵng đánh giá, đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện cơ chế giám sát, phân tích dữ liệu, thực hiện thí điểm ở các lĩnh vực giao thông, an toàn nguồn nước (qua việc thông tin độ đục, độ mặn, độ dẫn điện, độ pH và nồng độ Clo theo thời gian thực trên trang tin điện tử của đơn vị).

Còn các mục tiêu khác như giám sát môi trường, an toàn thực phẩm, tiết kiệm năng lượng vẫn chưa được triển khai một cách cụ thể. Tuy nhiên, cũng theo ông Thanh, việc xây dựng “Thành phố thông minh” (TPTM) là một quá trình lâu dài và tốn kém, không thể nóng vội để cho ra một “sản phẩm” không như mong đợi.

Sơ đồ 5 yếu tố cơ bản xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng.
Sơ đồ 5 yếu tố cơ bản xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng.

Hoàn thiện 5 yếu tố cơ bản

Mục tiêu xây dựng TPTM của chính quyền Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2012, khi Đà Nẵng là địa phương đầu tiên tại Việt Nam và là 1 trong 33 thành phố trên thế giới được Tập đoàn IBM (Mỹ) trao giải thưởng “Thách thức của các thành phố thông minh hơn”. Sau giải thưởng này, IBM đã cử các chuyên gia về cấp thoát nước, điện lực, môi trường… đến Đà Nẵng khảo sát, nghiên cứu để giúp chính quyền thành phố xây dựng và phát triển mô hình TPTM phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế.

Trong 7 năm liên tiếp, từ 2009 đến 2015, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ sở vững chắc để thành phố tiếp tục hướng tới việc hoàn thiện mô hình mang nhiều tiện ích này.

Ông Phan Tấn Luận, Phó phòng Công nghệ thông tin, Sở TT&TT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng hội tụ đủ 5 yếu tố cơ bản để xây dựng mô hình TPTM. Đó là quản trị thông minh, cơ sở hạ tầng, nền kinh tế thông minh, phát triển nguồn nhân lực, hành lang pháp lý hướng tới sự phát triển bền vững. Trong đó cơ sở hạ tầng và quản trị thông minh là các yếu tố quan trọng giúp Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh hơn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, song song với việc hoàn thiện các dự án liên quan như chính quyền điện tử, phủ sóng kết nối mạng không dây, Đà Nẵng đang tiếp tục triển khai công nghệ ứng dụng mới như dữ liệu lớn (Big Data), thông tin địa lý (GIS)… để có những bước đi mạnh mẽ và vững chắc.

Tại hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng TPTM” diễn ra ngày 8-11, Đà Nẵng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp tích cực từ các chuyên gia cho việc hoàn thiện các điểm yếu, thiếu mà thành phố đang gặp phải. Đơn cử, cùng với việc đưa ra các giải pháp về quản lý tài nguyên và môi trường thông minh tại Đà Nẵng, Th.S Dominic Meinardi (Tập đoàn Công nghệ môi trường LAR, Cộng hòa Liên bang Đức) nhận định Đà Nẵng đang thiếu công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, chất thải thông minh.

Nước thải đô thị và công nghiệp tại các hệ thống xử lý vẫn chưa được quan trắc liên tục. Hệ thống quản lý Nhà nước hiện hành, cơ cấu tổ chức quản lý vẫn còn phân tán, chồng chéo, thiếu tập trung dẫn đến khả năng báo cáo, cảnh báo sớm, xử lý thông tin và chia sẻ thông tin chưa tốt.

Chưa có cơ chế phối hợp, đầu mối rõ ràng và thông tin về chất lượng môi trường chính xác, kịp thời để nắm bắt tình hình và tham mưu kịp thời cho UBND thành phố. Công tác thanh tra môi trường, việc biên chế thanh tra viên lĩnh vực môi trường còn ít (3 người). Một số quy định về tiêu chuẩn xả thải môi trường quá cao, không bảo đảm khả năng xử lý của các chủ doanh nghiệp trong điều kiện thực tế. Trong khi đó, tại các nước phát triển như Thụy Điển đã thực hiện việc phân loại rác bằng cảm biến quang học, nhận biết màu sắc của túi rác.

Xây dựng TPTM là mong muốn của chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Nhưng, nói như Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tại Hội thảo “Giải pháp tổng thể xây dựng TPTM”, rằng, nếu chúng ta cứ lao vào, bất chấp hoàn cảnh thực tế, triển khai đồng thời trên tất cả các lĩnh vực mà không tính toán đến năng lực quản lý, khả năng điều hành thì nguy cơ thất bại là điều khó tránh khỏi.

Ông Nguyễn Hoàng Giang, Giám đốc Kỹ thuật Microsoft Việt Nam: Giải pháp cho thành phố thông minh là bảo đảm các dịch vụ dữ liệu cần thiết.

Để xây dựng TPTM, Đà Nẵng cần hoàn thiện hệ thống dữ liệu dựa vào các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). Hạ tầng CNTT bao gồm trung tâm dữ liệu, big data, mạng kết nối, nền tảng tích hợp, hệ thống bảo đảm về an toàn an ninh mạng. Hệ thống của Trung tâm điều hành TPTM thường được chia làm 3 cấp: Cấp chiến lược là Trung tâm điều hành phục vụ cho hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của thành phố; Cấp chiến thuật là các Trung tâm điều hành của các đơn vị cấp dưới như giao thông, y tế, công an; Cấp tác nghiệp là các đơn vị hoạt động như bệnh viện, trường học, khu vực giao thông trọng điểm. Trong đó, Trung tâm điều hành phải bảo đảm các yếu tố như hạ tầng truyền dẫn số liệu, hệ thống hội nghị truyền hình, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống màn hình lớn, hệ thống trực quan hóa số liệu, thông tin hiện trường, trung tâm lưu trữ số liệu, trao đổi và tích hợp số liệu, thu thập và xử lý thông tin nghiệp vụ để nhanh chóng đưa ra những quyết định kịp thời, chính xác.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.