.
Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến(19-12-1946 - 19-12-2016)

Một thế hệ nhà văn xứ Quảng trưởng thành từ những năm tháng ấy

.

Cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp bắt đầu từ 19 tháng 12 năm 1946, kết thúc bằng chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là cuộc thử lửa của cả dân tộc ta, đồng thời cũng là hiện thực sôi động, là nguồn nuôi dưỡng một thế hệ các nhà văn trưởng thành, trong đó có không ít các nhà văn Quảng Nam-Đà Nẵng.

Tác giả bài viết  (trái) trong buổi lễ mừng thọ cố nhà thơ Lưu Trùng Dương (nhân dịp ông tròn tuổi 80)- một trí thức tham gia kháng chiến, người đã tạo ra một con đường riêng độc đáo trong sáng tác nghệ thuật.
Tác giả bài viết (trái) trong buổi lễ mừng thọ cố nhà thơ Lưu Trùng Dương (nhân dịp ông tròn tuổi 80)- một trí thức tham gia kháng chiến, người đã tạo ra một con đường riêng độc đáo trong sáng tác nghệ thuật.

Trở lại với những ngày đầu, khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, trên địa bàn xứ Quảng đã có một cuộc tập họp đội ngũ đông đảo các nhà văn cùng nhau bước vào cuộc sống mới cùng với chế độ mới. Họ đang đứng trước bước biến chuyển lịch sử trọng đại của dân tộc, đang ngỡ ngàng trước những đổi thay, nhưng trước hết họ cùng gặp nhau trong không khí hồ hởi của cách mạng.

Nhà văn Phan Khôi đã nổi tiếng từ những năm 30, sau những vang dội với lối thơ mới mẻ “trình làng” mở đầu phong trào Thơ mới, sau đó là thời kỳ làm báo nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, đến thời điểm này cũng đang có mặt ở quê hương Quảng Nam.

Phan Thao làm báo ở Sài Gòn và dịch truyện ngắn Lỗ Tấn; Khương Hữu Dụng những ngày nổ ra cách mạng đang hoạt động ở Đà Lạt sau đó về hoạt động văn nghệ ở Quảng Nam; Nguyễn Văn Xuân, Phan Du từng viết truyện ngắn trên Tiểu thuyết Thứ Bảy cũng nhập cuộc với đội ngũ những người viết bước vào chế độ mới.

Tế Hanh quê Quảng Ngãi, giải thưởng Tự lực văn đoàn năm 1939, tác giả tập Hoa Niên (1944), ngay sau cách mạng thành công đã có mặt tại Đà Nẵng với cương vị ủy viên giáo dục của Ủy ban nhân dân thành Thái Phiên (tức thành phố Đà Nẵng). Nguyễn Đình, vừa sáng tác thơ trào phúng vừa làm công tác bình dân học vụ và phổ biến luật hỏi, ngã.

Võ Quảng làm chánh tòa thành phố, sau này thành nhà văn nhà thơ thiếu nhi. Nguyễn Văn Bổng làm công tác tuyên truyền, làm giáo dục với vị trí Hiệu trưởng Trường trung học Thái Phiên, hoạt động trong Đoàn văn hóa cứu quốc Thái Phiên.

Ngoại trừ một vài người ít ỏi không đi cùng con đường với cách mạng, còn thì hầu hết các nhà văn đều đi theo kháng chiến, tập họp nhau trong Đoàn văn hóa kháng chiến của tỉnh, sáng tác thơ văn và tham gia các công tác của đoàn thể. Một số người đã làm thơ từ trước, nhưng sau cách mạng và đi vào kháng chiến, thơ văn mới được biết rộng rãi như Hồ Thấu, Phạm Văn Ký, Trinh Đường...

Tuy bước đầu không tránh khỏi có người còn bỡ ngỡ, nhưng có thể nói rằng, những cây bút xứ Quảng không kéo dài quá lâu thời kỳ “nhận đường”, họ đã tự nguyện đến với cách mạng và sau đó bước vào cuộc kháng chiến. Mặc dù không tránh khỏi cái đau đớn của một cuộc “lột xác”, nhưng họ bắt đầu cuộc hành trình săn tìm đối tượng thẩm mỹ mới. Chính hiện thực sôi động, mãnh liệt của cuộc kháng chiến đã giúp họ tìm lại chính mình và đối tượng phản ánh của mình.  

Không lâu sau toàn quốc kháng chiến, khi mặt trận tương đối ổn định, ở các vùng tự do Liên khu Năm đã bắt đầu thành lập các Đoàn văn hóa kháng chiến, Phân hội văn nghệ cấp tỉnh. Ở cấp Khu có Liên đoàn văn hóa kháng chiến khu, Chi hội văn nghệ khu.

Ngay thời kỳ này đã có nhà xuất bản, có tạp chí Miền Nam, tiếp sau đó là báo Văn nghệ của Chi hội văn nghệ khu, chủ lực trong việc đăng tải, in ấn  những tác phẩm phản ánh cuộc kháng chiến của quân và dân ta, kể cả một số ít truyện dịch.

Ở Quảng Nam-Đà Nẵng, Phân hội văn nghệ Quảng Nam được thành lập. Chính trong không khí hào hùng, sôi động của công cuộc kháng chiến kiến quốc, đội ngũ các nhà văn Quảng Nam-Đà Nẵng ngày càng hùng hậu. Nhà Phan Khôi sau mấy năm ở Quảng Nam đã ra chiến khu Việt Bắc, tham gia Đoàn văn nghệ kháng chiến. Dù hoạt động văn nghệ ở phạm vi cả nước nhưng phong cách ngôn ngữ, cách viết văn của ông vẫn đậm “chất Quảng”.

Đội ngũ các nhà văn xứ Quảng lúc này, bên cạnh những tên tuổi đã xuất hiện từ trước cách mạng như Nam Trân, Tế Hanh, Yến Lan, Nguyễn Viết Lãm, một số tác giả tiếp tục khẳng định mình với những tác phẩm được viết ra trong lòng cuộc kháng chiến như Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Thành Long, kế tiếp đó là Lưu Trùng Dương, Phạm Hổ, Nguyên Ngọc, Lê Khâm, Thái Nguyên Chung (Nguyễn Chí Trung)…

Cuộc kháng chiến đã làm cho không ít nhà văn, nhà thơ Nam Trung Bộ và Quảng Nam-Đà Nẵng được biết đến với tư cách là một tác giả. Một số trí thức vốn là công chức, nhà giáo cũng tham gia sáng tác văn học như Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Văn Xuân, Phan Du, Lưu Nghi...

Một số người lâu dài về sau này vẫn gắn với văn chương theo con đường nghiên cứu và giảng dạy; một số khác thành nhà văn chuyên nghiệp. Tất cả họ đều sống trong những ngày sôi động của cuộc kháng chiến, và thực tiễn kháng chiến đã thực sự là “chất bột” không thể thiếu để mỗi người có điều kiện thể hiện tài năng của mình.

Có thể nói, chính cuộc kháng chiến 9 năm đã tạo ra một đội ngũ những nhà văn kiểu mới, những nhà văn-chiến sĩ, đội ngũ chủ lực của nền văn nghệ cách mạng. Khi bắt đầu bước vào cuộc kháng chiến, ở Quảng Nam-Đà Nẵng chưa hình thành đội ngũ những người chuyên làm văn chương, chưa có những nhà văn chuyên nghiệp.

Hầu như các nhà văn đều dành ưu tiên tập trung tham gia công tác cách mạng, tham gia công tác đoàn thể kháng chiến, qua đó mà rèn luyện nghề nghiệp và sáng tác. Cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc đã tập hợp và rèn luyện họ trở thành những người cầm bút mới, những tác giả trưởng thành từ kháng chiến, là sản phẩm của kháng chiến, trong đó nhiều cây bút vẫn rất sung sức khẳng định sức sáng tạo bền vững của mình trong đời sống văn học qua cuộc kháng chiến chống Mỹ và mãi cho đến những năm hòa bình sau này như Nguyễn Văn Bổng - Trần Hiếu Minh, Lê Khâm - Phan Tứ, Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Chí Trung… đóng góp những gương mặt xứng đáng vào thành tựu lớn của nền văn học hiện đại cả nước.

BÙI CÔNG MINH

;
.
.
.
.
.