.

Nguồn gốc tục đốt vàng mã

.

*Chuyên mục Cửa sổ Tri thức trên Báo Đà Nẵng cuối tuần số ra ngày 4-12 vừa rồi có nói về tục đốt vàng mã. Ông bạn tôi có đọc qua rồi bảo tục này xuất phát từ một truyền thuyết của Trung Hoa. Rất mong quý báo cho biết nguồn gốc của tục này? (Trương Thị Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Về nguồn gốc tục đốt vàng mã, bài viết “Đốt vàng mã là hủ tục nguồn gốc từ Trung Quốc” đăng trên báo Tiền phong số ra ngày 30-7-2014 cho rằng dân tộc ta đã bị “lây nhiễm” tục đốt vàng mã từ người Trung Hoa qua hàng nghìn năm Bắc thuộc. Họ truyền bá tập tục để vừa âm mưu đồng hóa dân tộc ta, vừa có mục đích kinh doanh kiếm lợi.

Theo đó, thời thượng cổ người chết cứ để vậy đem chôn, không biết đến phần mộ, quan quách. Về sau, việc mai táng người chết có nhiều hình thức. Nhà Chu (1122 trước Tây lịch) quy định rằng, khi ai chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của người đó khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo.

Về sau tục lệ chôn người vô nhân đạo này đã được thay bằng lệ chôn các sô linh (người bện bằng cỏ). Năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách… Từ khi có giấy, ông Vương Dũ nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi sau khi cúng kính.

Dòng dõi của Vương Dũ là Vương Luân đã tìm cách phục hồi bằng lối mị dân. Ông cho một người giả bệnh rồi chết, được khâm liệm trong quan tài có lỗ thông hơi, bên trong để sẵn thức ăn nước uống.

Giữa lúc bà con xóm làng đến viếng tang đông đúc, Vương Luân và một số đồng lõa đem hàng ngàn thứ đồ mã trong đó có cả hình nhân thế mạng ra cúng người chết. Họ bày đàn cúng các quan thiên phủ, địa phủ và nhân phủ. Đang cúng, cỗ quan tài bỗng động đậy, Vương Luân mở nắp ra thì người giả chết bên trong lò dò ngồi lên và “sống” lại...

Một dị bản, theo bài “Đốt tiền giấy cho người chết – Chúng ta đã ‘bị lừa’ xưa nay?” đăng trên Phụ Nữ News ngày 3-10-2016, thì kẻ lập mưu lừa người đời là tú tài Vưu Văn Nhất, cũng bên Trung Hoa.

Họ Vưu mười năm thi mãi không đỗ, bèn gác bút nghiên theo nghiệp buôn bán, tìm đến một gia đình họ Đại xin học nghề làm giấy, được Đại lão gia yêu mến, đem toàn bộ kỹ thuật gia truyền truyền cho.

Khi Đại lão gia qua đời, Vưu tú tài kế thừa sự nghiệp. Giấy làm ra ngày càng tốt nhưng bán mãi không được. Họ Vưu vô cùng phiền não, bỏ cơm nước, nằm liệt giường, ba ngày sau thì chết. Vợ Vưu khóc lóc, nói với mọi người: “Gia cảnh chúng tôi nghèo túng, không có gì có thể chôn cùng. Thôi thì đem giấy đốt chôn cùng ông ấy vậy!”.

Đốt giấy tới ngày thứ ba thì Vưu tú tài đột nhiên khua động quan tài ngồi dậy, miệng luôn mồm bảo: “Mau đốt giấy, mau đốt giấy”. Ai nấy hoảng sợ, tưởng ma nhập về, nhưng Vưu tú tài nói: “Đừng sợ, tôi sống lại rồi”. Rồi y kể, nhờ đốt giấy mà y thoát chết. Giấy sau khi đốt, xuống tới âm tào địa phủ liền biến thành tiền. Y dùng tiền này để “hối lộ” Diêm Vương nên được Diêm Vương thả về.

Sự việc này truyền đi nhanh chóng khắp huyện thành, chẳng mấy chốc giấy bán chạy như tôm tươi.

Kỳ thực, Vưu tú tài không hề chết đi sống lại, chỉ là lập mưu lừa phỉnh người đời. Nhờ sự việc trót lọt nên từ đó việc đốt giấy cho người chết đã trở thành một tục lệ được lưu truyền mãi đến ngày nay.

Việc làm xấu xa của Vương Luân và Vưu tú tài đã gây ra cái sự mê tín vàng mã trên đất nước Trung Hoa gần hai nghìn năm nay. Sự thật chỉ là mánh khóe gian lận của con buôn, lợi dụng sự cả tin của đại chúng mà mưu cầu lợi ích riêng tư.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.