.

Những "cái nhất" không đáng có

.

Trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông trong cả nước nhập viện năm 2015 thì có gần 67% người điều khiển phương tiện có độ cồn trong máu cao. Con số thống kê tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cho thấy, có khoảng 80% bệnh nhân nghiện rượu có xu hướng bạo lực cho bản thân, gia đình và xã hội…

Những con số “xếp thứ nhất” về uống rượu bia, tai nạn giao thông hay đánh nhau sau khi uống rượu bia đang trở thành vấn đề báo động ở Việt Nam, trong khi dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia dự kiến tháng 5-2018 mới trình Quốc hội xem xét.

Cảnh sát giao thông  Công an Đà Nẵng kiểm tra và xử lý nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Ảnh: ĐẮC MẠNH
Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng kiểm tra và xử lý nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Ảnh: ĐẮC MẠNH

Rượu và những hệ lụy

Nguyễn M.H. (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) biết uống rượu khi chưa đầy 18 tuổi và hơn mười năm sau đó trở thành kẻ nghiện rượu với tửu lượng lên đến 2 lít mỗi ngày. “Lúc nào không uống là người luôn trong cảnh thèm rượu, bỏ ăn, nôn mửa; khi có rượu, uống vô người mới trở lại bình thường. Ba giờ sáng là dậy uống rồi”, H. kể. Còn ông T.D. (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) có gần 40 năm uống rượu thì gần một nửa thời gian đó trở thành con nghiện. Trong 2 giờ đồng hồ, ông có thể “làm” trọn 1,5 lít rượu.

H. và D. là hai trong số hàng trăm bệnh nhân đã từng nhập viện tâm thần Đà Nẵng để cai rượu. Ai cũng từng vào đây đôi ba lần trong vài năm, có khi tháng trước nhận giấy ra viện, tháng sau đã bị người nhà ép đưa đến. Ai khi nhập viện điều trị ít lâu khi được bác sĩ điều trị hỏi chuyện cũng mang vẻ quyết tâm bỏ rượu khi ra khỏi đây, nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy.

Họ bảo rằng không ngửi, không nhìn thấy, không nghe nhắc đến thì thôi, chứ có ai đó hay cái gì đó gợi liên tưởng đến rượu là mọi giác quan trong người chỉ tập trung đến thứ nước cay nồng đó, mà nếu không được nếm thì người bứt rứt không yên. Và dù có được người nhà giám sát cách nào đi nữa thì người cai nghiện rượu sau khi về nhà đều không uống thuốc đều đặn, đây là yếu tố khiến hầu hết người nghiện rượu không cai dứt điểm và dễ xảy ra các chứng loạn thần do rượu.

Theo số thống kê của khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, tính từ 1-1-2016 đến ngày 14-12-2016, khoa nhận khám và điều trị ngoại trú cho 484 bệnh nhân; điều trị nội trú cho 369 bệnh nhân, với phần lớn là nam giới.

Trong đó phần lớn bệnh nhân đến điều trị hội chứng nghiện rượu và ở trạng thái cai rượu + mê sảng (sảng rượu), có một số ít người nghiện lâu năm, cai nghiện nhiều lần và tái phát đã rơi vào hội chứng loạn thần do rượu.

Trước đây, bệnh nhân nghiện rượu điều trị chung ở các khoa Nam - Nữ - Phục hồi, nhưng do người nghiện ngày càng tăng, có nhiều hành vi gây rối ở gia đình cũng như xã hội, khoa Cai nghiện chất và điều trị bắt buộc được thành lập cách đây 6 năm. Từ 20 giường bệnh ban đầu, nay số giường bệnh tăng lên gấp đôi và phần lớn bệnh nhân điều trị lặp đi lặp lại, có người đến 3-4 lần nhập viện.

Theo bác sĩ Trưởng khoa Lê Văn Nguyên, khi người uống rượu với số lượng nhiều, dễ dẫn đến say rượu bệnh lý, gây ra chứng hoang tưởng, ảo giác, cảm xúc bùng nổ, dễ dẫn đến bạo lực với người khác hoặc hủy hoại bản thân. Do cơ chế các chất trong rượu tác động đến thần kinh tạo ra chất dopamine (là chất dẫn truyền thần kinh-morphine nội sinh, làm tăng hưng phấn), khiến người uống rượu có cảm giác hưng phấn, thoải mái. Khi nồng độ cồn trong máu cao quá mức sẽ gây say rượu, nếu quá mức sẽ gây hôn mê và tử vong.

Những năm qua, bệnh nhân cần cai rượu vào khoa ngày càng tăng, lứa tuổi cũng trẻ hơn trước và dao động từ 18 đến 50, đặc biệt lứa tuổi từ 25-50 chiếm đa số. “80% bệnh nhân nghiện rượu có hành vi bạo lực gia đình và xã hội hoặc tự hủy hoại bản thân, do người nhà đưa đến, tổn hại rất lớn đến kinh tế gia đình; chỉ có 10% tự nguyện tới cai nghiện và khoảng 10% từ địa phương khác tới. Người nghiện rượu thường có bệnh kèm theo như gan, phổi, huyết áp; nếu là người ở hội chứng sảng rượu dễ dẫn đến tử vong vì rơi vào trường hợp nghiện nặng”, bác sĩ Nguyên cho biết thêm.

Chưa có chế tài hạn chế bia, rượu

Tại Việt Nam, từ nhà hàng lớn đến quán nhỏ, quầy tạp hóa đều có bán bia hoặc rượu màu, rượu trắng. Người Việt Nam cho rằng phong tục tập quán quy định có rượu trong lễ tiệc hay việc xã giao, khiến rượu bia có mặt ở khắp mọi nơi trong đời sống. Đến cả thiếu nhi cũng có thể cầm tiền sang quầy tạp hóa của bà hàng xóm mua giùm bố cút rượu hay vài lon bia là chuyện thường. Trong khi dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế chủ trì vẫn gần như giẫm chân tại chỗ, dự kiến đến tháng 5-2018 mới trình Quốc hội xem xét.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, trong 5 năm qua, Việt Nam tiêu thụ hơn 1 tỷ lít bia, 10 triệu lít rượu. Trong đó gần 80% đàn ông Việt sử dụng rượu, bia. Thói quen nhậu nhẹt không dễ bỏ và khó có thể thay đổi ý thức của người dân chỉ trong thời gian ngắn.

Do đó, từ ngày 1-8-2016, Nghị định 46 của Chính phủ quy định mức phạt nặng, răn đe cao với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông là rất cần thiết. Người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn có thể bị xử phạt lên tới 17 triệu đồng, bị tạm giữ phương tiện và bị tước giấy phép lái xe trong vòng 5 tháng.

Trung tá Hồ Văn Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Hải Châu cho biết, từ khi tăng mức phạt lên đến 17 triệu đồng đối với người lái ô-tô, 4 triệu đồng đối với người đi xe máy, cộng với tước giấy phép lái xe 5 tháng với người có nồng độ cồn trong máu cao khi tham gia giao thông cũng giúp người có hơi men ít dám điều khiển phương tiện.

Ngoài ra còn giúp hạn chế những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do rượu, bia vì khi xảy ra tai nạn thì hậu quả với những người này cũng nặng hơn. Và trên hết, việc Cảnh sát giao thông các quận, thành phố tuần tra, kiểm soát thường xuyên còn mang tính tuyên truyền, phòng ngừa, giúp người dân tự giác chấp hành, hạn chế lái xe sau khi uống rượu, bia.

Không chỉ người Việt Nam xem rượu, bia là một trong những thức uống có tính truyền thống, được đưa lên ngang hàng “Lễ” trong văn hóa thờ cúng, giao tiếp, chứ không chỉ món “đưa cay”; rượu, bia với người dân nhiều nước trên thế giới còn thể hiện “quốc hồn, quốc túy”.

Nhưng đặt rượu, bia lên tầm cao quá mức, xem như thứ không thể thiếu và lượng tiêu thụ ngày càng tăng thì Việt Nam được xem là đi quá đà trong sản xuất và tiêu thụ thức uống có cồn này. Nhưng để kìm hãm, hạn chế và có chế tài cụ thể với hành vi uống rượu bia thì luật và các văn bản dưới luật của Việt Nam hầu như chưa có.

Vấn đề kiểm soát mức tiêu thụ, độ tuổi được phép sử dụng, nơi cung cấp cũng đang bị thả nổi. Trong khi hệ lụy của việc uống rượu, bia; tác động xã hội và ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như giống nòi, bạo lực gia đình, kinh tế… vẫn còn là vấn đề cần giải quyết bằng luật pháp, bằng chế tài cụ thể chứ không phải là tuyên truyền suông. Vấn đề này đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết sớm để rượu, bia không ảnh hưởng xấu đến từng con người, từng gia đình như chúng ta vẫn thấy lâu nay.

Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, trong năm 2015 ước tính sản lượng bia đạt 3,4 tỷ lít, tăng 40,72% so với năm 2010 (2,416 tỷ lít). Lượng rượu, bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua, trong khi đó ở Việt Nam lại tăng trưởng theo đường thẳng đứng. Thống kê cho thấy, năm 2010, lượng tiêu thụ ở mức 6,6 lít/người/năm, tăng gấp đôi giai đoạn 2003 - 2005 là 3,8 lít/người/năm. Dự báo đến 2025, con số sẽ tăng lên 7 lít/người/năm.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.