“Đậu săng giải độc thương hàn/ Họng viêm, ho, ngứa, tiêu ban, bổ tỳ”. Đó là câu vè giúp nhớ tính dược cây thuốc Đậu săng chúng tôi đã phổ biến trong hệ thống phòng khám thuốc nam Tuệ Tĩnh đường ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
“Đậu săng giải độc thương hàn/ Họng viêm, ho, ngứa, tiêu ban, bổ tỳ”. Ảnh: P.C.T. |
Đậu săng là tên gọi phổ biến ở miền Nam, ngoài Bắc gọi là Đậu chiều, Đậu triều, Đậu cọc rào; Trung Quốc gọi là Mộc đậu (木豆), Quan âm đậu (观音豆)… Tên khoa học là Cajanus cajan (L., ) Millsp. (tên đồng nghĩa: C. indicus Spreng., Cytisus cajan L.), thuộc họ Đậu – Fabaceae.
Đậu săng là cây nhỡ, cao 1-2m. Lá kép mọc so le, có 3 lá chét, nguyên, có lông, mặt trên xanh sẫm, mặt dưới trắng nhạt. Hoa màu vàng hay điểm những đường sọc tía, mọc thành chùm ở nách lá. Quả đậu dẹt, với 2-3 vết lõm chạy chéo trên quả. Hạt hình cầu, màu vàng nâu, có khi đỏ nhạt. Mùa hoa quả tháng 10 đến tháng 3 năm sau.
Đậu săng được trồng khắp nơi ở nước ta, có khi mọc tự nhiên trong rừng thứ sinh, rừng thưa, dọc các bờ sông từ vùng thấp tới độ cao 1.200m; ngoài ra còn phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc. Ngoài việc thu rễ, hạt, cành lá làm thuốc, hái quả non xào ăn, lấy hạt già nấu chè, làm tương; nhiều nơi còn trồng đậu săng làm cây chủ để nuôi cánh kiến.
Theo Đông y, lá đậu săng có vị ngọt, tính bình, có ít độc, dùng để gây nôn khi bị ngộ độc thuốc trừ sâu, giải độc đậu mùa và tiêu thũng, chữa lỵ, ban sởi trẻ em, lại dùng nấu tắm trị bệnh ngoài da, giã đắp trị mụn nhọt, vết thương; rễ có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giảm đau, sát trùng, dùng làm thuốc chữa sốt, giải độc, tiêu thũng và chứng hay đái đêm; hạt có vị ngọt hơi chua, tính ấm, không độc, dùng thanh nhiệt giải độc, bổ trung ích khí, lợi thủy tiêu thực, cầm máu, chữa lỵ.
Sách Nam Phương Gia Truyền của Hòa thượng Thích Từ Huệ, trụ trì Tịnh xá Mỹ Đức ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, có viết về tánh dược của rễ và cây Đậu săng như sau:
“Rễ Đậu săng trừ vi trùng độc/ Chất lạt hơi hậu đắng chát mà/ Yết hầu sưng đau đớn sanh ra/ Lại đem cứu bệnh tình cũng đặng”.
“Cây Đậu săng vị cay khí ấm/ Vị ngọt mà có chất giải ban/ Lá cần dùng trị cảm thương hàn/ Cây có sức trợ tỳ cường vị”.
Ðơn thuốc:
1. Chữa ho, cảm, cổ họng sưng đau: Dùng rễ Đậu săng cắt lát, nhai ngậm nuốt nước dần. Hoặc dùng bột rễ Ðậu săng, bột rễ Rẻ quạt, thêm phèn chua, hòa nước sôi để nguội ngậm, không nuốt nước; kết hợp dùng hạt Ðậu săng sao vàng sắc uống.
2. Chữa cảm sốt, mụn nhọt và trẻ em lên sởi, ho: Dùng rễ Ðậu săng 15g, Sài đất và Kim ngân hoa, mỗi vị 10g, sắc nước uống.
3. Trị các loại ban trái có kèm theo các chứng no hơi, sình bụng, tiêu chảy, gốc ban dây dưa: Dùng lá Ðậu săng 100g, lá Bạc hà 100g, củ Bồ bồ 100g, hoa Kinh giới 100g, Trần bì lâu năm 100g, Lức cây 100g, Hương phụ sao 100g, Hậu phác sao 100g, củ Sả 100g. Các vị hòa chung, tán bột nhuyễn. Mỗi lần uống 1 muổng cà-phê, trẻ em nửa liều; ngày uống 2-3 lần (kinh nghiệm dân gian ở An Giang).
4. Trị phù thũng do gan, thận: Hạt đậu săng 20g, Hạt bo bo 20g, sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần. Uống thuốc kỵ ăn muối mặn.
5. Trị tiểu ra máu: Hạt đậu săng 12g, Hạt mã đề 12g, sắc uống.
6. Trị trĩ xuất huyết: Hạt đậu săng tẩm rượu 1 đêm, vớt ra, sấy khô, tán bột; mỗi lần dùng 12g ngâm hòa với rượu uống.
7. Trị ung nhọt sơ khởi: Đậu săng (hạt) tán bột, mỗi lần dùng 12g hòa rượu uống. Đồng thời dùng bột đậu đó giã với ruột quả chuối tiêu đắp lên ung nhọt.
8. Chữa đái tháo đường: Thường xuyên ăn hạt đậu săng và rau khoai lang đỏ. Đồng thời dùng quả chuối hột xanh 30g sắc uống hằng ngày.
9. Chữa các chứng ngứa do nóng gan, huyết nhiệt: Đậu săng (cành, lá), Rau má, Cỏ sữa, Chó đẻ răng cưa, mỗi thứ 20g dược liệu khô hoặc 50g tươi; Khoai lang 1 củ, Đường đen ¼ tán, Gan heo 100g. Sắc 2 lít nước, lấy nửa lít, chia uống 2 lần trong ngày. Uống trong 3-5 ngày. Đây là bài thuốc kinh nghiệm của tác giả bài báo này.
PHAN CÔNG TUẤN