.

Thắp ngọn lửa đam mê

.

Để học trò đam mê môn Lịch sử “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”… người giáo viên cần “thắp” và “thổi” ngọn lửa đam mê về lịch sử, văn hóa quê hương, đất nước, dân tộc cho thế hệ trẻ thông qua sự sáng tạo trong mỗi bài giảng của mình.

Đọc tiểu thuyết lịch sử là bí quyết để em Lê Văn Nhân thêm yêu môn học này. Ảnh: Q.T
Đọc tiểu thuyết lịch sử là bí quyết để em Lê Văn Nhân thêm yêu môn học này. Ảnh: Q.T

Học để biết và học để thi

Vài năm trở lại đây, tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT rất thấp. Cụ thể, năm 2015, theo thống kê của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD&ĐT, chỉ 15,3% học sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử, thấp nhất trong số các môn tự chọn trong kỳ thi THPT quốc gia.

Từ những con số này, dư luận xã hội, truyền thông “sôi sục” với những nội dung như: Môn Lịch sử là môn học bị “ghét nhất” trong trường học; học sinh đang ngày càng thờ ơ và quay lưng với môn Lịch sử; làm thế nào để học trò “dân ta phải biết sử ta”… Những bài viết, thông tin dồn dập như vậy “chia rẽ” học trò và môn Lịch sử làm hai phe đối cực.

Tuy vậy, trên thực tế, việc lựa chọn môn học để thi và dành cho môn học đó niềm yêu thích hay không hoàn toàn không liên quan với nhau. Từ trước đến nay, chưa có bất kỳ cuộc khảo sát nào chứng minh học sinh Việt Nam không yêu môn Lịch sử. Việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp và thi đại học phụ thuộc vào định hướng nghề nghiệp của học sinh và nhu cầu việc làm của xã hội.

Có thể thấy, xã hội đang có cái nhìn chưa “rộng” về môn Lịch sử. Đây là môn học không chỉ dừng lại ở việc học thuộc lòng mà phương pháp học lịch sử hướng tới là: dạy cho học sinh hiểu rõ bản chất của sự vật và hiện tượng để có hành vi ứng xử đúng với nó. Nói như thầy Đặng Công Thành, giáo viên môn Lịch sử Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đó là: học lịch sử không phải “gạo bài” là xong mà điều cốt lõi sau khi xếp sách giáo khoa lại, các em đem theo phương pháp, kỹ năng sống gì để bước vào đời. Sau bài học này, học sinh sẽ được cái gì và còn cái gì. Đó mới chính là điều thu hút học sinh. Như vậy, quan điểm học để biết (để ứng dụng) và học để thi cần được làm rõ, tránh những lập luận vội vàng.

Dành tình yêu cho môn Lịch sử

Bên cạnh những gam màu có phần xám đối với môn Lịch sử trong nhà trường, thì có những nơi, tiết học của môn này vẫn đầy cảm xúc. Đó là tiết học của thầy trò lớp chuyên Sử - Địa Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Ở lớp chuyên này, học trò đến với môn Lịch sử bằng tình yêu và sự say mê; cách dạy và học phát huy cao nhất khả năng phân tích, thảo luận, suy luận, phản biện, nơi học sinh là trung tâm; các em được tiếp cận với đề, nội dung kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia… Và, nhờ được “tắm” trong kho tàng lịch sử, các em có sự hiểu biết rộng và ngày càng dành tình yêu đặc biệt với môn Lịch sử.

Trong 45 phút của tiết học, cả thầy và trò ai cũng ở vào tâm trạng thoải mái nhất. Sau khi nói qua phần kiến thức trong sách giáo khoa, giáo viên kể một số câu chuyện, chi tiết lịch sử liên quan. Phần cuối cùng, giáo viên đặt một vài câu hỏi cần tư duy, liên kết xâu chuỗi các sự kiện lại với nhau. Đây được xem là phần học thú vị và hay nhất vì kích thích sự tư duy của học sinh, tăng khả năng liên kết sự kiện và tạo ấn tượng sâu sắc giúp học sinh nhớ bài học lâu hơn. Giáo viên và học sinh cứ kể-nghe, hỏi-trả lời, thảo luận sôi nổi cho đến khi tiếng trống đánh báo hiệu giờ chuyển tiết vang lên, nét mặt nhiều em vẫn còn tiếc nuối.

Em Lê Văn Nhân (học sinh lớp 10C2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) bày tỏ: “Muốn học tốt môn Lịch sử không hề khó, chỉ cần đọc trước bài ở nhà, gạch chân những ý chính, đến lớp chăm chú nghe giáo viên giảng bài. Em thường vẽ diễn biến, sự kiện theo sơ đồ để dễ nhớ. Ngoài ra, từ nhỏ, em đã rất thích đọc tiểu thuyết lịch sử, đó là nền tảng cho sự hứng thú và đam mê với môn học này. Khi có niềm đam mê tìm hiểu thì mới có thể hiểu hết được những vấn đề đã xảy ra trong quá khứ, liên hệ sống động với thực tiễn và tương lai. Và theo như em thấy thì 45 phút là không đủ cho mỗi giờ học vì em và các bạn còn muốn nghe thầy cô kể thêm nhiều chuyện nữa”.

Việc học sinh có hứng thú hay không hứng thú với tất cả các môn học nói chung và môn Lịch sử nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng, phương pháp truyền dạy của giáo viên. Thay vì hô hào học sinh, sinh viên hãy yêu thích môn Lịch sử, giáo viên môn Lịch sử cần “thắp” và “thổi” ngọn lửa đam mê về lịch sử, văn hóa quê hương, đất nước, dân tộc thông qua sự sáng tạo trong mỗi bài giảng của mình. Các em sẽ cảm nhận được hơi ấm trong từng tiết học. Nếu thầy cô “thả hồn” vào bài giảng, sẽ cuốn các em say mê theo từng con chữ.

Dù đã về hưu nhưng mỗi khi nhắc đến cô “Hải Sử”, các thế hệ học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt vẫn không quên những giờ học “có một không hai” của cô. Với mỗi bài học, cô đều có cách vào đề đầy bất ngờ và thu hút. Em Mai Trọng Nguyên (lớp 12C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, từng là học trò của cô Hải) vui vẻ nhớ lại, cô Hải thuộc rất nhiều thơ ca, bài hát cách mạng. Là người gốc Quảng Bình, cô hát các bài hát ấy rất truyền cảm khiến cho mỗi giờ học của chúng em trôi qua nhẹ nhàng, thư thả. Như ở bài học về “Trận chiến Điện Biên Phủ”, cô hát bài “Giải phóng Điện Biên”.

Gặp cô Hải để hỏi “bí quyết”, cô chia sẻ chân thành: “Dạy cho qua từng bài học rất dễ nhưng dạy để các em say mê, yêu từng diễn biến lịch sử, sự kiện, nhân vật thì người giáo viên phải trăn trở rất nhiều. Nhờ tôi có chồng là bộ đội nên nhà tôi sở hữu nhiều sách về các nhân chứng lịch sử. Tôi chăm chỉ đọc rồi kể lại cho các em.

Các em rất thích những câu chuyện gần gũi như vậy. Thêm vào đó, tôi là một người yêu văn nghệ, tôi nghĩ, âm nhạc là con đường gần nhất để đến với tâm hồn con người vì thế suốt mấy chục năm đi dạy, tôi đều cùng học trò trải nghiệm lịch sử dân tộc thông qua các ca khúc cách mạng”. Ngoài ra, với cô Hải, cùng một bài học nhưng các lớp sẽ không bao giờ được dạy giống nhau. Qua mỗi lớp, cô lại tự vấn mình và rút kinh nghiệm để bài giảng không bị nhàm chán mà càng thăng hoa hơn.

Còn đối với thầy Đặng Công Thành thì phương pháp dạy của thầy là sự lồng ghép liên môn: Lịch sử, Địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… Thầy chia sẻ, dù đã đứng trên bục giảng nhiều năm nhưng nhiệt huyết của thầy chưa bao giờ giảm.

Đối với mỗi bài học, thầy luôn cố gắng thả hồn mình vào từng sự kiện xảy ra và làm nó sống lại bằng cách kể những câu chuyện gắn liền với nhân vật, lịch sử địa phương. “Có thể khẳng định, người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tình yêu môn Lịch sử của học trò.

Hiện nay, các em được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin nên mình cũng phải thường xuyên cập nhật chương trình thời sự để có thể trả lời những câu hỏi của các em. Món quà quý giá nhất đối với thầy cô dạy Sử đó là nhìn thấy ánh mắt say mê chờ đợi từng câu chuyện của học trò”, thầy Thành nói.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.