.

Vũ trụ sát với thực tiễn cuộc sống

.

Mỹ và Trung Quốc đang chi hàng tỷ USD trong cuộc đua đưa người lên sao Hỏa. Nhật Bản không tham gia vào cuộc đua ấy nhưng lại có kế hoạch đưa người thám hiểm lên sao Kim và sao Thủy với chi phí thấp hơn nhiều.  Nhật Bản chi ra 290 triệu USD để lên sao Kim thu thập thông tin về bầu không khí trong tương lai của Trái đất; lập chương trình hợp tác với châu Âu để đo từ trường và sóng điện từ ở sao Thủy và tìm kiếm nước ở một tiểu hành tinh khác. Ngân sách của Cơ quan Thám hiểm vũ trụ Nhật Bản (JAXA) chưa bằng 1/10 so với NASA của Mỹ (1,63 tỷ USD so với 19 tỷ USD) nhưng nỗ lực khoa học của JAXA đi sát với thực tiễn cuộc sống, phóng các vệ tinh theo dõi sự chuyển động của vỏ Trái đất để biết trước tình trạng núi lửa phun trào và động đất. Ngoài ra, các nhà du hành vũ trụ còn đang giúp sức cho các nhà sản xuất thuốc men theo đuổi giấc mơ tiêu diệt ung thư. “Thực sự có một cuộc chạy đua không gian để coi nước nào đưa người lên sao Hỏa trước. Có rất nhiều cuộc tranh luận, nhưng chúng tôi quan tâm tới những nhiệm vụ có quy mô nhỏ và thiết thực với cuộc sống hơn”, Chủ tịch JAXA Naoki Okumura nói.

Phi hành gia Takuya Onishi đang thực hiện nghiên cứu bên trong Trạm Vũ trụ quốc tế hôm 22-10 vừa qua.
Phi hành gia Takuya Onishi đang thực hiện nghiên cứu bên trong Trạm Vũ trụ quốc tế hôm 22-10 vừa qua.

NASA đang có kế hoạch đưa người lên sao Hỏa vào những năm 2030. Trung Quốc tính chuyện đưa một con tàu không người lái lên sao Hỏa vào năm 2020. Ở lĩnh vực tư nhân, Telsa Motors nghĩ tới việc chinh phục sao Hỏa vào thập niên tới. JAXA có thể hợp tác với NASA, nhưng phía Nhật sẽ làm công việc tái sử dụng nước bởi đó là yếu tố quan trọng cho hành trình quá dài trong không trung. Chủ tịch JAXA  cho rằng “Công nghiệp không gian thế giới đang thay đổi nên rất khó để có ngân sách nhiều hơn. Chính vì thế, chúng tôi buộc phải hợp tác”.

JAXA thực hiện các nghiên cứu khoa học vũ trụ về khả năng ăn mòn của gió mặt trời, nguồn gốc và sự tiến hóa của năng lượng mặt trời… Chủ tịch Naoki Okumura cho biết, JAXA có thể giám sát hoạt động của các núi lửa với những dấu hiệu sắp phun trào. Nhật Bản là nước động đất nhiều nhất thế giới nên sử dụng ngành công nghiệp vũ trụ để dự báo mức độ chuyển động của bề mặt Trái đất nhằm đưa ra cảnh báo sớm cho người dân, quan chức và cơ quan cứu hộ. JAXA còn nghiên cứu về y tế, trong đó có sự kết hợp của hai hay nhiều axit amin tạo thành chuỗi trong môi trường không trọng lực trong tàu không gian nhằm đánh giá về mức độ thay đổi bên trong tế bào. Đó là nền tảng quan trọng để phát triển thuốc men, nhất là căn bệnh ung thư. Phi hành gia Takuya Onishi đã trở về Trái đất hôm 30-10 vừa qua, tức sau 4 tháng ở trong Trạm Vũ trụ quốc tế. Thí nghiệm của ông với chuột nhằm nghiên cứu những căn bệnh liên quan tới người già như loãng xương, teo cơ. “Chúng tôi phải làm cho ngành công nghiệp vũ trụ trở nên bền vững hơn và hướng nó tới sự phát triển cho cả đất nước Nhật Bản”, ông Naoki Okumura kết luận. Chính vì thế, mà tờ Bloomberg đưa ra nhận định: Mỹ và Nhật Bản chạy đua vào sao Hỏa nhưng Nhật Bản là người chiến thắng trong cuộc đua vũ trụ”.

ANH THƯ (Theo Bloomberg)

;
.
.
.
.
.