.

Vườn quê yên tĩnh

.

Không chỉ người dân nông thôn mới mơ đến cảnh điền viên trong ngôi nhà nằm ẩn mình dưới vườn cây xanh lá. Thời gian qua, từ phố, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế quyết định về quê mua đất xây nhà, trồng cây với mong muốn tuổi già trở về đó sinh sống, hòa mình vào thiên nhiên, cây cỏ.

Khu vườn hồng khoe sắc của gia đình chị Tuyết ở Hòa Khương, Hòa Vang. Ảnh: T.Y
Khu vườn hồng khoe sắc của gia đình chị Tuyết ở Hòa Khương, Hòa Vang. Ảnh: T.Y

Từ bỏ phố về quê…

“Sáng sớm nghe tiếng gà gáy, bước chân ra vườn “bắt” ngọn dây bí, dây mướp lên giàn, tỉa bớt đám lá già ở mấy chậu cây cảnh, nghe lòng khoan khoái dễ chịu vô cùng”, đó là tâm trạng hân hoan của ông Nguyễn Khắc Quý (thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang) khi nói về quyết định bán căn nhà mặt phố, về quê mua đất làm vườn.

Từ khi có đất, vợ chồng ông bắt đầu xây nhà, cải tạo vườn tạp, xắn tay cuốc đất, trồng cây. Sau thời gian đầu tương đối vất vả, ông đã có ngôi nhà cấp 4 rộng rãi nằm giữa vườn cây đủ loại từ bơ, xoài, mít, chuối, ổi, mãng cầu, khế, chanh…

Trong vườn ông Quý thả hơn trăm con gà, đào ao nuôi cá. Mỗi ngày chỉ cần đi quanh vườn chừng mươi phút ông đã bắt được hàng chục con châu chấu béo núc làm thức ăn cho mấy lồng chim treo lơ lửng dưới giàn thiên lý trước hiên nhà.

Cách đây 4 năm, thời điểm ông quyết định bán căn nhà mặt phố về Hòa Vang mua đất làm vườn rồi đưa vợ con về ăn đời ở kiếp, ai biết cũng can ngăn. Bạn bè rỉ tai “lâu nay tôi chỉ thấy người ta cố bám việc ở phố mong mua được miếng đất, xây được cái nhà, nhỏ bằng “chuồng cu” họ cũng chịu.

Ai đời như ông, bán nhà mặt phố về quê mua đất. Mà có phải đất trung tâm huyện gì cho cam, ông mua đất hang đất núi thì làm được cái chi”. Thiệt ra bạn bè thương ông tuổi đã xế chiều nên mới ra sức ngăn cản, nhưng ông vì nhớ mảnh vườn nhà quê, nhớ cảnh điền viên yên tĩnh giữa bạt ngàn cây xanh, mà quyết tâm dứt lòng với phố.

Gần trọn cuộc đời cống hiến cho quân đội, lúc cầm quyết định về hưu trên tay cũng là lúc ông Quý đi thẳng lên Hòa Vang tìm đất. Ông chọn được mảnh đất rộng 1 ha tại thôn Hòa Thọ, xã Hòa Phú giá vài trăm triệu đồng để trồng trọt, chăn nuôi. Đất đồi chỗ trồi chỗ sụt, mặt trên đá sỏi lởm chởm không làm người lính già như ông nản chí.

Sau 3 năm gây dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng, ông Quý trở thành chủ nhân vườn cây ăn trái lâu năm đang độ tuổi trưởng thành, chờ ngày đơm hoa kết quả. Cũng trong khu vườn bạt ngàn cây lá đó, ông dành ra 3 sào đất trồng 200 gốc ổi, ra trái quanh năm. Trung bình mỗi mùa trái, một cây ổi cho chừng 100 ký, thương lái tìm vào tận vườn thu hái với giá 8.000 đồng/ký. Ông dùng số tiền bán nông sản để mua thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc vườn cây.

…đến mua đất trồng hoa hồng

Chuyện chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết bỏ hơn 600 triệu đồng mua đất, sửa nhà, cải tạo khu đất thấp trũng tại thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương chỉ để trồng hoa hồng khiến ai mới nghe qua tưởng chuyện đùa. Chị kể trong một lần về Hòa Vang, nghe tin ở thôn Phú Sơn 3 có người đang rao bán đất vườn khoảng 300 triệu đồng, chị khấp khởi tìm tới nhưng khi đứng trước khu đất thấp trũng, ẩm ướt, trồng toàn chuối, cây cao cây thấp, cây cây đứng nằm, chị không khỏi nản lòng.

Tuy nhiên, sau giây phút ngập ngừng, chị hình dung trước mặt mình là ngôi nhà cấp 4 có vườn hồng thơm ngát, là những sớm chiều chăm chút khu vườn hoa nên quyết định mua lại khu đất ấy.

Để cải tạo khu vườn, chị lấp hơn trăm xe đất, cơi nới căn nhà cấp 4, cung cấp phân hữu cơ và khoáng chất để cải thiện dưỡng chất cho đất. Tiếp đó, chị bắt đầu thử sức với việc trồng hoa hồng như mơ ước bấy lâu. Sau gần 2 năm vừa trồng, vừa đúc rút kinh nghiệm, vườn hồng của chị hiện có trên 100 giống hồng ngoại và khoảng 30 giống hồng nội khoe sắc quanh năm.

Điều đặc biệt là chị trồng hồng chỉ để chơi, để ngắm, để thỏa niềm đam mê chứ không có ý định kinh doanh hay buôn bán. Chị Tuyết cho biết hiện nay vợ chồng chị vẫn ở chung nhà với bố mẹ chồng trên đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) tiện việc đi làm và đưa đón con đi học. Vào chiều thứ sáu, cả nhà chị lên xe về thôn Phú Sơn 3 chăm sóc vườn cây và ở lại đến sáng thứ hai quay lên phố làm việc.

Còn riêng chị, cứ lúc nào công việc thư thả, chị lại tranh thủ lên vườn vài ba tiếng đồng hồ để cắt tỉa, chăm bón. “Dù chúng tôi đã trang bị hệ thống phun sương tự động cho khu vườn nhưng nhiều giống hồng rất khó chăm, chỉ vài ba ngày không để ý đến chúng là cây héo úa và không chịu ra hoa”, chị cho biết.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, chị Nguyễn Thị Bạch Tuyết đã chia sẻ dòng trạng thái “Ở quê” rằng: “Buổi sáng thức dậy bởi chuỗi eng éc của bầy heo con háu ăn bên nhà hàng xóm. Không khí mát lạnh chỉ muốn quấn chăn nằm nướng thêm chút nữa, nhưng đám hồng ngoài vườn cứ giục giã người nông dân phải rời nơi ấm áp. Vườn sớm đầy sương và mùi hoa hồng, quẩn quanh khắp người cứ như vươn tay là có thể nắm lấy.

Sau một đêm ngủ dài, vườn thêm những tược non, thêm những búp nụ, những bông hoa khoe sắc và tỏa hương làm mát mắt người chăm sóc. Buổi sáng ở quê bình yên trong hương hoa hồng, trong tiếng chiêm chiếp của cặp bồ câu non, thi thoảng vọng vào tiếng cười nói của mấy cụ bà đi chợ sớm. Một buổi sáng không có tiếng còi tàu, còi xe và hàng trăm thứ âm thanh hỗn tạp hằm bà rằng của thành phố”. Có lẽ phải yêu và tự hào lắm về khu vườn của mình, chị Tuyết mới có nhiều cảm xúc để viết lên những dòng chữ đó.

Cùng với thú vui vườn tược, thời gian chị Tuyết thường xuyên mở cửa đón khách gần xa đến thăm vườn. Với chị, được chia sẻ về hồng, về xương rồng – một loài cây chị yêu từ nhỏ - trở thành niềm vui, hạnh phúc và sự khích lệ lớn lao cho việc thường xuyên di chuyển gần 20 cây số từ phố về vườn để chăm cây.   

Dùng dằng nửa phố, nửa quê

Những năm gần đây, không ít người dân (đa phần độ tuổi trung niên) ở thành phố Đà Nẵng về quê mua đất để xây dựng thêm ngôi nhà thứ hai làm “của để dành”. Một cán bộ xã Hòa Ninh (xin giấu tên) cho biết, việc người dân nội thành lên Hòa Ninh mua đất xây dựng vườn cây ăn trái cũng giúp bức tranh nông thôn Hòa Ninh ngày càng đẹp hơn.

Bởi phần lớn họ là người kinh tế khá giả nên có điều kiện chăm sóc vườn cây của mình. Vào ngày cuối tuần, các gia đình lái ô-tô lên thăm nhà, chăm vườn và thu hái rau quả, thực phẩm sạch về cải thiện bữa ăn trong gia đình. Thêm vào đó, không ít người dân Hòa Ninh được các chủ vườn thuê trồng cây, coi ngó nhà cửa trong thời gian họ ở lại thành phố làm việc, với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng mỗi tháng.

Đơn cử, ông H. có hộ khẩu thường trú tại quận Hải Châu đã bỏ ra khá nhiều tiền để cải tạo khu đất rộng 1ha tại xã Hòa Ninh để trồng các loại cây ăn trái, cây cảnh, chè xanh, rau màu và nuôi gà, cá rô phi. Quanh bờ rào, dọc theo lối đi, ông trồng vô số cây tường vi khiến khu vườn trông thật dễ thương và quyến rũ.

Vợ chồng, con cái đều có công ăn việc làm ổn định ở phố nên chỉ những ngày cuối tuần, ông H. mới có điều kiện lên thăm vườn. Để tiện bề coi ngó, ông thuê hẳn một người dân sinh sống gần đó chăm sóc, quét dọn nhà cửa, tưới tắm cây cối trong vườn. Nhờ bàn tay chăm sóc của người nông dân, khu vườn nhà ông H. ngày một xanh tốt, đơm hoa kết trái quanh năm. Mỗi lần lên vườn, ông thường câu cá, hái rau xanh mang về phố, chia cho các thành viên trong đại gia đình.

Cũng theo ông H., chỉ tính riêng dọc 2 bên tuyến đường ĐT 602 ngang qua địa phận xã Hòa Ninh đã có gần 20 khu vườn của người thành phố lên đầu tư gây dựng, làm nơi thư giãn cuối tuần như gia đình ông.

Có lẽ, khoảng cách từ trung tâm thành phố Đà Nẵng lên các xã Hòa Vang không quá xa, nên nhiều người vẫn chọn cách ở lại phố sinh sống, làm việc nhưng vẫn ấp ủ câu chuyện về hưu lên vườn quê sinh sống, như tìm về sự bình yên, tĩnh lặng trong tâm hồn.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.