.

Bài thơ"ruột"

.

Với người làm thơ, nếu may mắn tìm được sự đồng điệu với độc giả thì đó là cái duyên, cái may mắn của nhà thơ. Cha mẹ không thể lựa chọn đứa con để thương yêu cũng như nhà thơ khó lòng chọn bài thơ ruột. Nhưng đâu đó, trong cuộc đời của mình, có những khoảnh khắc mà nhà thơ “nhập tâm”, viết nên những vần thơ neo đậu được trong tâm hồn của độc giả.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

1. Nếu hỏi bất kỳ một nhà thơ nào câu hỏi “Đâu là bài thơ ruột của anh/chị” thì sẽ khó lòng nhận được câu trả lời, vì thật ra bài thơ nào tác giả viết cũng phải “rút từ gan ruột” của mình, từ những trăn trở, những cảm xúc, những ám ảnh khôn nguôi. Vì thế, chọn lựa bài thơ tâm đắc nhất cũng chỉ là chọn lựa của cảm xúc lúc nhất thời mà thôi.

Với tinh thần đó, nhà thơ Đinh Thị Như Thúy kể, tháng 10 năm 2009, sau cơn bão Ketsana (bão số 9), dọc bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, những con tàu có tải trọng trên 1 vạn tấn bị bão đánh bật, dạt vào nằm chôn trên cát.

Chứng kiến cảnh những con tàu khổng lồ bị mắc cạn, chị có cảm giác ngột ngạt. Bằng trái tim nhạy cảm của người làm thơ, chị như nhìn thấy, nghe thấy sự bất lực của những con tàu vốn sinh ra là để ngang dọc tự do trên biển cả. Con tàu trước mắt chị lúc ấy không còn vô tri vô giác mà ở đó hiện lên thân phận đang bất lực trước trái ngang của cuộc đời. Và từ đó chị miên man nghĩ đến những thân phận khác. Có thể là một người, một tập thể, một cộng đồng… đang bị  “mắc cạn”. Và chị có cảm giác như mình cũng đang  “mắc cạn”.

Và bài thơ “Với con tàu mắc cạn” ra đời: “Sinh ra là để đi/Để dịch chuyển tự do/Để đối mặt với bát ngát xa xăm phơi mở những chân trời sóng/Chiều nay con tàu mắc cạn chết sững sờ bãi cát/Bất lực chịu đựng bao ánh mắt /Thảng thốt giấc mơ về lại biển khơi...”. Chị bộc bạch, khi bài thơ hoàn thành cũng là lúc chị có cảm giác được giải thoát. Đó chính là chất nhân văn của cuộc sống chúng ta. Người làm thơ có thiên chức kết nối tình yêu giữa con người với con người, bằng nhiều đề tài, nhiều phong cách thơ khác nhau. Bài thơ trên được viết ra trong khoảnh khắc thực mà với mỗi nhà thơ, khoảnh khắc thực, thực tế lại không nhiều.

2. Khi trái tim gióng lên một tình yêu có thực thì bạn đọc sẽ tìm được hình ảnh của mình qua câu chữ của nhà thơ hay nói cách khác, điều gì xuất phát từ trái tim thì đích đến sẽ là trái tim. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, không phải lúc nào tình yêu của nhà thơ và bạn đọc cũng gặp nhau.

Với người làm thơ, khi sáng tác xong một bài thơ, đọc lại thấy thích thì tâm hồn đã được thỏa mãn. Cũng có những bài thơ khi tác giả sáng tác xong cũng không đặt nhiều kỳ vọng nhưng nó đã đem lại tiếng tăm cho chủ nhân.

Như nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên từng nói, khi cảm xúc ngân lên thành câu chữ thì chính tác giả cũng không biết định mệnh bài thơ sẽ đi về đâu. Điển hình như bài thơ “Khúc quê” của tác giả. “Đêm giao thừa con lại chạy ra giếng, cúi đầu vào giếng gọi tên mình thật to. Từ lòng giếng sâu tận đáy, tiếng hồi âm lại cho con là cả một thiên đường tuổi thơ. Trong cái thiên đường đó, con mãi là thằng Út nhỏ nhoi cầm đèn soi đường chạy trước cho mẹ gánh nước bao lần đêm giao thừa...”.

Bài thơ này sau đó đã trở thành bài thơ khiến ông “sướng” nhất (không phải thích nhất) bởi, một bài thơ của một nhà thơ tỉnh lẻ, đăng trên tờ báo Tết nào đó mà lại có duyên lành lọt vào mắt xanh của thiền sư Thích Nhất Hạnh, để có dịp ngân lên một khúc quê nhà giữa Làng Mai (Pháp).

Chẳng những thế, mà qua Internet trực tuyến còn được đến với các tu viện ở nhiều nước khác, tự hào lắm chứ! Nhà thơ Nguyễn Nhã Tiên nói thêm, thực sự nhà thơ cũng không thể nhớ hết, thuộc hết các bài thơ của mình. Tuy nhiên, nhà thơ nào cũng thuộc một vài câu, vài bài thơ “tủ” của các nhà thơ khác. Với ông là những câu thơ: Những gương mặt tí tởn/Ấy là lớp sóng gợn/Trên hồ bùn đời tôi... (trong tập Chuyển động của nhà thơ Thanh Quế).

3. Mỗi nhà thơ lại chuyên về một thể loại, chất liệu khác nhau, tùy theo “tạng” của mỗi người mà nếu may mắn được bạn đọc nhớ đến “tạng” của mình thì đó là thành công của nhà thơ. Mỗi giai đoạn trong cuộc đời, người làm thơ có những mảng đề tài chuyên sâu.

Những người đã trải qua chiến tranh thì đề tài lớn nhất, tập trung nhất, tác động sâu sắc nhất đến cảm hứng thơ, đó là đề tài chiến tranh. Như nhà thơ Bùi Công Minh tự nhận, thơ của ông thường khô khan. Cũng bởi cùng là thơ về tình yêu, nhưng ông không viết về tình cảm riêng tư, mà thường gắn với số phận chung, hoàn cảnh chung của đất nước.

Đó là thứ tình yêu trong xa cách, và chính sự xa cách làm bùng cháy lên ngọn lửa tình yêu, là động lực cho con người sống, làm lụng, chiến đấu, yêu thương và hy vọng. Cả khi nói đến hai người yêu nhau thì thường gắn với bối cảnh chung của cuộc sống chiến đấu.

Ông đã viết về điều ấy trong một bài thơ nhan đề “Những bức thư không gửi”: Nếu không về được sống bên nhau/ Thì anh đọc được làm sao/ Tình em trong những bức thư không gửi/ Cái kho báu sao riêng mình em giữ/ Tình yêu kiêu hãnh lạ lùng thay!/ Ngày xưa em đấy anh đây/ Sao em chẳng nói lời này với anh/ Nên chi cứ phải vòng quanh/ Trái tim cháy bỏng, lời thành lặng im... Nhưng may mắn thay, họ đã gặp được nhau: Bỗng như một sự vô tình/ Ru con, anh phải đi tìm lời ru/ Lời ru nép giữa trang thư/ Phôi phai nét chữ, ngỡ như hững hờ/ Bao nhiêu buồn giận bâng quơ/ Bao nhiêu thương nhớ đợi chờ là đây/ Mảnh mai một cánh thư này/ Trái tim thắp lửa giữa ngày đạn bom.

Nói “hững hờ” nhưng làm sao có thể lạt tình lạt nghĩa với nhau được khi đã cùng trải qua biết bao gian nan, vất vả, hiểm nguy của chiến tranh. Và họ tin, dẫu cho Núi cao biển thẳm sông dài/ Yêu nhau thì sẽ có ngày gặp nhau. Họ cũng tin rằng, cho dù có thể rất nhiều đôi lứa yêu nhau mà không đến được nhau, và vẫn còn rất nhiều những bức thư không gửi nhưng đâu đó trong vời vợi của “không gian thương nhớ”, những cánh thư vẫn chờ đợi để đến được với nhau.

Cha mẹ không thể lựa chọn đứa con để thương yêu cũng như nhà thơ khó lòng chọn bài thơ ruột. Nhưng đâu đó, trong sự nghiệp sáng tác của mình, có những khoảnh khắc mà nhà thơ “nhập tâm”, viết nên những vần thơ neo đậu được trong tâm hồn của độc giả, thì, cứ gọi những bài thơ ấy là bài thơ… ruột!

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.