Để hướng đến sự chuyên nghiệp, cái thiếu của Đà Nẵng không phải là “hạt giống” hay “lò đào tạo” mà là môi trường hoạt động nghệ thuật thực sự.
Đà Nẵng là mảnh đất dồi dào “hạt giống” nghệ thuật. TRONG ẢNH: Lớp thanh nhạc của nhạc sĩ Quang Trung. Ảnh: T.T |
Đó là nhận định của nhạc sĩ Phạm Quang Trung. Theo ông, một khi đã đến với nghệ thuật, hầu hết các giọng ca có triển vọng đều cháy bỏng đam mê. Nhưng mức độ khả năng thiên phú mỗi em mỗi khác nhau. Đồng thời yếu tố thời thế, sự may mắn trong từng thời gian phát triển nghệ thuật của nước nhà cũng ảnh hưởng không nhỏ đối với sự nghiệp ca hát mà các em theo đuổi.
Như Mỹ Tâm với khả năng đặc biệt thiên phú và ý chí khổ luyện, giai đoạn đó môi trường âm nhạc chưa quá ồn ào như hiện nay là một yếu tố khá thuận lợi cho tài năng của Mỹ Tâm bộc lộ. Thời đó cũng ít có sự hỗ trợ, can thiệp của công nghệ âm thanh, cũng không có thói lề “hát nhép”, vì vậy, chỉ những ngôi sao thật sự tài năng mới có thể đứng vững và được khán giả yêu mến.
Thế hệ bây giờ có nhiều thuận lợi trên con đường đến với nghệ thuật như có điều kiện được đào tạo cơ bản từ rất sớm, có sự hỗ trợ lớn về trang thiết bị âm thanh, sự bùng nổ của các trò chơi truyền hình (gameshow) đưa các em đến với công chúng nhanh hơn.
Tuy nhiên, so với thế hệ trước, các em phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt để tồn tại khi môi trường hiện tại đến với nghệ thuật giải trí không những cần tài năng mà còn đòi hỏi phải có nguồn kinh tế đủ mạnh để chen chân và cạnh tranh để tồn tại, khi nguồn ca sĩ cứ mỗi năm lại xuất hiện “như nấm sau mưa” qua các cuộc thi.
Ở Đà Nẵng, lò luyện thanh nhạc của nhạc sĩ Quang Trung là một trong những “cái nôi” đầu tiên phát hiện, đào tạo nhiều giọng ca triển vọng, tiến xa trên con đường nghệ thuật. Hơn 30 năm nay, ông không nhớ hết mình đã đưa bao chuyến đò ước mơ ca hát cập bến, có điều nhắc đến các học trò, ánh mắt người nhạc sĩ luôn ánh lên niềm vui, tự hào khôn tả.
Hiện có trên 40 học viên đang theo học tại trung tâm thanh nhạc của nhạc sĩ Quang Trung (số 5 Nguyễn Văn Tố, quận Hải Châu) chia thành hai nhóm lớp lớn là thanh niên và thiếu nhi. Mỗi nhóm lớp theo lứa tuổi này lại được chia thành các lớp học tập thể - đào tạo chương trình thanh nhạc cơ bản, tạo nguồn phát triển nhân tố tốt sẽ đưa vào các lớp chuyên sâu (một thầy, một trò).
Có thể nói Đà Nẵng - Quảng Nam là nơi cung cấp dồi dào những “hạt giống vàng” cho nền ca nhạc nước nhà. Nhưng nơi họ tỏa sáng và làm nên “thương hiệu” lại không phải trên chính mảnh đất quê hương. Cái thiếu của Đà Nẵng nói riêng, miền Trung nói chung là môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp và nhận thức nghệ thuật của công chúng.
Vì vậy, dù luôn khát khao cống hiến cho quê hương, nhưng nhạc sĩ Quang Trung luôn động viên học trò của mình tham gia những sân chơi lớn ở hai đầu đất nước, để có thể bay cao, bay xa. Chỉ tính riêng ở sân chơi giọng hát Việt dành cho các giọng ca trưởng thành và nhí, những năm trở lại đây đã ghi nhận sự góp mặt của rất nhiều giọng ca đến từ Đà Nẵng, cũng là học trò của nhạc sĩ như Tố Ny, Hồng Minh, Bảo Trân, Gia Kiệt, Liên Trà, Tú Anh, Uyển Nhi...
Nhạc sĩ Nguyễn Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác trẻ Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng vẫn đang trong quá trình nỗ lực xóa “vùng trũng âm nhạc” miền Trung, dần rút ngắn khoảng cách so với hai đầu đất nước. Còn bàn về tính chuyên nghiệp là một khái niệm còn khá xa.
Sự chuyên nghiệp không chỉ đòi hỏi người nghệ sĩ phải giỏi tay nghề, mà yếu tố quyết định là “cách làm”, là thái độ, là cái tâm với con đường mình đã chọn. Nhạc sĩ Nguyễn Đức đúc rút: “Trước khi đổ lỗi cho những yếu tố như môi trường, sân chơi nghệ thuật, người thưởng thức, hãy đặt cái tâm lên đầu”.
Cũng theo nhạc sĩ Nguyễn Đức, chưa bao giờ số lượng các trung tâm, lớp dạy năng khiếu nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng ở Đà Nẵng bùng nổ như hiện nay. Trừ một số “lò” luyện uy tín, còn lại rất khó kiểm soát chất lượng, học trò có học nhưng ít được “hành”. Tuy nhiên, dẫu sao đây cũng là một tín hiệu vui, bởi sau quy luật đào thải tất yếu, sẽ có những “hạt gạo trên sàng” thực sự.
Nhà văn Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng, một trong những người tâm huyết với trại sáng tác văn học - mỹ thuật thiếu nhi hè của Đà Nẵng 18 năm qua, cho rằng, việc ươm mầm, phát triển tài năng văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung như trồng cây quý vậy, làm sao chăm chút, uốn nắn nhưng vẫn bảo đảm cây phát triển tự nhiên vốn là chuyện không phải muốn là làm được!
Theo một đại diện Ban tổ chức trại sáng tác này, có điều đáng mừng là dù bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, song năm nào, trại sáng tác nghệ thuật truyền thống giành cho thiếu nhi này cũng thu hút hàng trăm tác phẩm văn học-mỹ thuật khá chất lượng của các bạn nhỏ khắp thành phố, “dù trong điều kiện hiện tại, không lấy gì đảm bảo về lâu về dài, các em sẽ tiếp tục đi theo thiên hướng nghệ thuật từ thuở ấu thơ”.
Đến Cung Thiếu nhi Đà Nẵng, hòa trong không khí sinh hoạt hăng say, chuyên nghiệp của thầy và trò câu lạc bộ “Họa sĩ nhí” - đào tạo năng khiếu hội họa chuyên sâu, đội Văn nghệ “Vàng anh” - gồm những “nhân tố” hát hay, đàn giỏi, múa đẹp được tuyển chọn từ các lớp năng khiếu và duy trì suốt mấy chục năm nay, sẽ cảm nhận được một niềm vui đặc biệt.
“Từ khi chuyển về địa chỉ mới, số lượng chiêu sinh tất cả các lớp năng khiếu nghệ thuật tại Cung Thiếu nhi ước tăng gấp 3 so với cơ sở cũ. Không chỉ dịp hè mà trong năm học, không khí sinh hoạt tại Cung Thiếu nhi cũng khá sôi động”, ông Mai Xuân Bùi, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng tự hào chia sẻ.
Thiết nghĩ, để “vẽ” nên những bức tranh nghệ thuật chuyên nghiệp, chưa bàn những vấn đề sâu xa, yếu tố cần đầu tiên có lẽ chính là những “hạt giống”. Và, Đà Nẵng thực sự là mảnh đất dồi dào những hạt giống. Tuy nhiên, để những hạt giống ươm mầm và phát triển mạnh mẽ, cần một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp hơn.
THANH TÂN