Đá mỹ nghệ Non Nước là sản phẩm độc đáo, có thể nói là duy nhất Việt Nam. Sản phẩm có rất nhiều kích cỡ, nhưng cỡ nhỏ cho loại hàng lưu niệm vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Đĩa đá cầu Sông Hàn và núi Ngũ Hành Sơn là sản phẩm bán chạy nhất của Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Thanh Thiện. |
Sản phẩm lưu niệm du lịch (LNDL), theo giải thích của lãnh đạo Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn, là mặt hàng loại nhỏ có chiều cao dưới 30cm để du khách dễ xách tay. Thống kê của Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương Đà Nẵng) cho thấy đến nay thành phố có 18 đơn vị tham gia Chương trình phát triển các sản phẩm LNDL của thành phố. Trong đó, đơn vị sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ đá thiên nhiên đầu tiên và duy nhất đến thời điểm hiện nay của Làng đá mỹ nghệ Non Nước được hỗ trợ từ chương trình này là Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Thanh Thiện, 162 Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn.
Chủ cơ sở, ông Mai Thanh Thiện, cho biết từ năm 2012 đơn vị đã sản xuất nhiều sản phẩm LNDL như: bi lăn tay, ly uống rượu, thuyền trên sông, đĩa đá thiên nhiên có biểu tượng về Đà Nẵng. Trong đó, sản phẩm về cầu Sông Hàn và 5 cụm núi Ngũ Hành Sơn mang biểu tượng của Đà Nẵng được du khách mua nhiều nhất. Từ những thành công ban đầu đó, ngày 24-5-2013, cơ sở đã được Sở Công thương đưa vào danh sách các đơn vị đủ điều kiện tham gia chương trình nói trên.
Nhìn chung, phần lớn các cơ sở sản xuất sản phẩm lưu niệm trên địa bàn Đà Nẵng là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, năng lực yếu, ít vốn, lao động mỗi cơ sở chưa đến 10 người. Họ chưa tiếp cận đầy đủ các thông tin chính sách ưu đãi về sản phẩm LNDL của thành phố, một số cơ sở sản xuất còn e dè đối với việc tham gia chương trình vì ngại khó khăn về thủ tục hành chính trong việc đăng ký tham gia.
Nghệ nhân Nguyễn Hạnh giới thiệu phù điêu “Quan Âm ngự tòa sen”. Ảnh: V.T.L |
Đầu năm 2016, ông Lê Trung Quân – người cùng với ông Mai Thanh Thiện sắp tới được Sở Công thương công bố quyết định công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Đà Nẵng” ngành thủ công mỹ nghệ lần đầu tiên – chế tác tượng Nguyễn Du bằng đá cao 2,5m theo đơn đặt hàng của trường chuyên mang tên đại thi hào ở thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đây cũng chính là tác phẩm tiêu biểu giúp ông lọt vào “mắt xanh” của hội đồng xét duyệt danh hiệu nghệ nhân.
Từ đó, ông nảy ra ý tưởng chế tác sản phẩm LNDL bằng cách thu nhỏ các tác phẩm lớn của mình. Trong năm nay, ông sẽ sản xuất loại nhỏ các tượng, phù điêu chân dung danh nhân Việt Nam và thế giới, ngoài tượng thần Vệ nữ. Chân dung danh nhân đã được các nghệ sĩ, nghệ nhân thể hiện trên nhiều chất liệu, nhưng bằng đá từ làng nghề mỹ nghệ dưới chân núi Ngũ Hành Sơn thì chỉ nơi này mới có. Du khách đến đây “thỉnh” chân dung danh nhân của nước mình vừa thể hiện lòng tự tôn dân tộc, vừa lưu giữ kỷ niệm về một làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng thế giới.
Dạo quanh một vòng các quầy hàng bán sản phẩm LNDL ở Ngũ Hành Sơn, có thể thấy rất nhiều sản phẩm như đồ trang sức bằng vòng ngọc, các vòng đá, tượng đá nhỏ để bàn, đĩa đá, các tượng đá, tì hưu, sư tử nhỏ được gắn thành móc khóa hay dây đeo cổ, nhẫn, chuỗi hạt, con thiềm thừ chặn giấy… Cả hai nghệ nhân Thanh Thiện và Trung Quân đều cho rằng 80 – 85% các sản phẩm này có xuất xứ từ Trung Quốc, có giá rất rẻ, sản phẩm thủ công cùng loại của Non Nước khó có thể cạnh tranh được.
Ông Nguyễn Hạnh, một nghệ nhân chuyên làm phù điêu, đang thực nghiệm chế tác một số sản phẩm LNDL làm mặt đá dây chuyền như: tượng Quan Âm, tượng Phật Di Lặc, cá chép... Cùng mặt hàng, ông so sánh, nếu đồ Trung Quốc có giá chỉ 100.000 đồng (được đúc bằng thủy tinh để giả đá, giả ngọc) thì hàng mình tự tay xẻ đá làm ra phải bán ít nhất 350.000 đồng mới có chút lãi. Họa hoằn lắm mới có một vài người Việt vì lòng tự tôn dân tộc và am hiểu về nghệ thuật mới đi tìm sản phẩm làng đá chính hiệu.
Năm rồi có 2 người đặt ông làm hai phù điêu, một Quan Âm và một Phật Di Lặc, họ thích từng đường xó (mũi nhọn), nét bạt (mũi thẳng) của nghệ nhân “đi” trên mặt đá để tạo ra bức phù điêu làm mặt dây chuyền. Các tượng Phật này dù giá có cao hơn so với đồ công nghệ đúc hàng loạt nhưng ở đó ẩn chứa cái tâm của nghệ nhân làng đá và lòng kính ngưỡng của người mang tượng Phật trên mình.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước hiện có trên 500 cơ sở sản xuất nhưng số người để tâm đến sản phẩm LNDL đếm chưa hết một bàn tay. Sản xuất hàng lớn, cho thu nhập cao, dễ làm giàu. Sản xuất hàng LNDL là làm ăn kiểu “cò con”, chẳng mấy ai chọn. Ông Thiện nói, mua một cục đá làm phôi nặng từ 100kg đến 500kg, giá mỗi kg gần 100.000 đồng, về chẻ ra từng mảnh nhỏ làm đồ LNDL thì đến bao giờ mới thu lại được vốn. Trong khi đó cũng cục đá này làm một cái tượng thì gặp khách ưng ý là có thể bán được ngay.
Ông Hạnh nói thêm, “đồ nhỏ” cỡ 3-5cm không phải ai cũng làm được. Nhiều người làm “đồ lớn” quen tay rồi, chừ làm “đồ nhỏ” là lúng ta lúng túng, bởi nó cần sự chú tâm đặc biệt trong từng mũi đục, lỡ tay một chút là mất công, mất của. Ông đang làm phù điêu “Quan Âm ngự tòa sen” hình tam giác đỉnh bằng, cao 16cm, đáy 14cm, có lắp 3 đèn LED loại nhỏ ở 3 góc để phù điêu sáng rực lên. Ông hy vọng đây sẽ là sản phẩm LNDL mang dấu ấn văn hóa tâm linh của vùng đất Ngũ Hành, nơi có Lễ hội Quán Thế Âm đẳng cấp quốc gia.
Thị trường sản phẩm LNDL ở Đà Nẵng vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển, ngoài sự quan tâm, ưu tiên cấp kinh phí hằng năm của UBND thành phố, còn có nỗ lực tự thân của các cơ sở. Theo Phòng Quản lý công nghiệp, trong 3 năm (2014 – 2016), Sở Công thương đã chi ngân sách 552 triệu đồng, riêng đợt 1 năm 2017 là 84 triệu đồng, hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình phát triển các sản phẩm LNDL thành phố Đà Nẵng. Với Cơ sở điêu khắc đá mỹ nghệ Thanh Thiện, nếu cơ sở lắp đặt máy móc phục vụ cho việc chế tác sản phẩm LNDL thì Sở Công thương sẽ hỗ trợ 50% tổng giá trị lắp đặt. Đây cũng là “cú hích” để các cơ sở đá mỹ nghệ khác đầu tư vào sản xuất hàng LNDL, tạo thương hiệu riêng cho sản phẩm lưu niệm Đà Nẵng.
VĂN THÀNH LÊ