.

Thầm thì tháng Giêng

.

Bốn năm rồi, cứ đến tối 12 tháng Giêng là những người yêu thơ nhiều nơi ở Đà Nẵng làm cuộc gặp gỡ đầu năm do Câu lạc bộ (CLB) Thơ Liên Chiểu và CLB Thơ Hòa Khánh Bắc phối hợp tổ chức. Chọn ngày đó, bởi Nguyên tiêu hãy còn hứa hẹn “rằm trăng” và người yêu thơ chờ đợi những gì tròn đầy còn ở phía trước...

Tin Xuân 4 số đầu năm Đinh Dậu 2017 cùng với các ấn phẩm chào năm mới trưng bày ở “trụ sở” của CLB Thơ Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L
Tin Xuân 4 số đầu năm Đinh Dậu 2017 cùng với các ấn phẩm chào năm mới trưng bày ở “trụ sở” của CLB Thơ Liên Chiểu. Ảnh: V.T.L

Đêm thơ Nguyên tiêu quận Liên Chiểu được tổ chức lần đầu vào tháng Giêng Giáp Ngọ 2014. Năm nay, do tất cả nguồn lực đã “rót” vào hoạt động chào mừng 20 năm thành lập quận và 20 năm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương nên chỉ làm một đêm thơ “bỏ túi” với khoảng 60-70 người, tại cà-phê VIP trên đường Lạc Long Quân.

Trên địa bàn Liên Chiểu có khá nhiều quán cà-phê rất... thơ, nhưng chọn quán này vì nằm bên con đường có tên “đẹp”. Ngắm trăng Nguyên tiêu, thưởng ngoạn chút hương cà-phê hay chút men rượu, ngâm nga đôi vần thơ... bên con đường mang tên một trong hai vị được xem là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt Nam theo truyền thuyết “bọc trăm trứng” cũng thú vị lắm chứ?!

Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hoàng Thọ, Chủ nhiệm CLB Thơ Liên Chiểu, để góp phần nâng cao chất lượng văn hóa đọc, CLB tổ chức in và phát hành hai tuyển tập thơ văn: Tin Xuân vào dịp đón tết cổ truyền và Khúc Giao Mùa vào thời điểm cuối hạ đầu thu hằng năm. Tham gia hai tuyển tập thơ văn này, ngoài hội viên CLB còn có các nhà văn nhà thơ, nhà báo, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ có uy tín hiện sống ở Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ, Gia Lai...

Trước Tết vừa rồi, CLB tổ chức ra mắt tuyển tập thơ văn Tin Xuân 4 chào mừng hai sự kiện nói trên. Đây là kỳ sinh hoạt văn học đông vui nhất, có sự tham dự của các cấp lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Hội Nhà văn Đà Nẵng, văn nghệ sĩ trong và ngoài thành phố.

Những bài thơ hay được tác giả trình bày hoặc được các nghệ sĩ diễn ngâm, những ca khúc phổ thơ hoặc tự sáng tác, những kỷ niệm buồn vui về người và đời thơ... tất cả diễn ra tâm tình, tự sự như một “hội thơ”, mặc dù lúc đó Nguyên tiêu hãy còn chưa đến...

Tin Xuân 4 dày trên 140 trang, do NXB Đà Nẵng ấn hành ngay đầu năm 2017. Tham gia trong ấn phẩm này, người cao niên nhất là cụ Mai Phước Y với bài thơ Đường luật Yêu có hai câu luận: Thiên hạ thăng trầm yêu với ghét/ Ta mong sống khỏe để mà yêu.

Đây là bài thơ cuối cùng của người Chủ nhiệm CLB Thơ Đường Hải Vân, cụ vừa dừng số đếm cuộc đời ở mốc 87 vào cuối năm 2016 và “chuyển giao” vị trí cao niên lại cho cụ Nguyễn Phiên, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Nhà giáo 84 tuổi này góp mặt trong ấn phẩm bài Tình xuân, cũng thơ Đường luật với hai câu thực: Tạm biệt Bính Thân ly rượu tiễn/ Mời chào Đinh Dậu khúc ca vang. Ông lão ngoại bát tuần vẫn lai láng Tình xuân ở hai câu kết: Đất nước trường tồn dân vạn đại/ Mưu cầu hạnh phúc phú khương an.

Ngày càng xuất hiện những bài theo luật thơ Đường cổ kính nhưng mang âm hưởng thời đại, từ ngôn ngữ đến hình tượng thơ có sức lay động cảm xúc thẩm mỹ. Đó là một trong những đổi mới đáng kể của CLB Thơ Liên Chiểu hiện nay. NGƯT Nguyễn Hoàng Thọ đơn cử như Lay động của Đỗ Phan: Môi động rừng đêm hương dịu tỏa/ Ngực cồn sương sớm đỉnh mờ giăng. Hay Nhớ của Võ Duy Hải: Cợt gió đùa mây, nghiên cạn mực/ Khều trăng vẽ bóng, bút mòn lông...

Thơ lục bát rất dễ rơi vào kiểu... hò vè. Tuy nhiên, sân chơi CLB Thơ Liên Chiểu đã có được nhiều bài lục bát mềm mại, đằm thắm, dễ chạm vào ngõ ngách tâm hồn người yêu thơ. Có thể thấy ở Bùi Hữu Tuyến qua bài Vầng trăng con thuyền, khi tác giả gợi lên một liên tưởng nhiều tầng bậc cảm xúc: Nhịp cầu gợi những dáng yêu/ Biển dâng bao lớp thủy triều chờ ai?/ Giao thoa sóng nước trăng cài/ Lung linh nỗi nhớ thương hoài thuyền trăng.

Mở rộng đề tài, cách tân thể loại, tìm tòi, suy nghĩ, từng bước tiếp cận với thơ ca đương đại... là ý hướng của người làm thơ đất Liên Chiểu. Có thể nhận ra một chút gì lạ lạ, thẳm sâu, gây ấn tượng bất ngờ ở gương mặt thơ trẻ Trương Bách Mỵ: Em đứng. Bình minh như lửa/ Đôi tay những dấu chân chiều/ Ngày nắng chồng lên ngày nắng/ Mặt trời ngoài ngõ đang trôi...

Trương Bách Mỵ rời quê nhà Đại Lộc ra định cư ở Liên Chiểu được 6 năm thì cơ duyên đưa đẩy thế nào lại “rơi” vào CLB Thơ Liên Chiểu. Từ lúc “chạy chợ”, cô nghĩ cuộc sống của mình đã “gói gọn” trong quãng đường từ nhà tới chợ, nào ngờ cuộc sống luôn ngập tràn tiếng thơ cho dù mình đứng yên hay xê dịch.

CLB Thơ Liên Chiểu nòng cốt là những thầy cô giáo đã nghỉ hưu, mọi thành viên luôn trân quý những cảm xúc, những tác phẩm của nhau. Những lần sinh hoạt chủ yếu chia sẻ với nhau những điều bình dị trong cuộc sống. Không nói nhiều đến thơ, không “định hướng” gì to tát cả nhưng ai nấy đều cảm thấy rất ấm áp, tràn đầy yêu thương, nhất là đối với những thành viên mới và nhỏ tuổi như cô.

Tối 12 tháng Giêng vừa qua, lần thứ hai Bách Mỵ tham gia Đêm thơ Nguyên tiêu do CLB tổ chức. Một đêm thơ tuy nhỏ nhưng theo cô, nuôi lớn tâm hồn của nhiều người. Dưới ánh trăng rằm đầu tiên của năm mới, trong cái se lạnh đầu xuân, cô cảm nhận đâu đó một ngọn lửa ấm áp, chân tình, một làn hương thấm đẫm men thơ len nhẹ vào con tim mọi người. Cô gửi vào trăng, vào lạnh chút men thơ của chính cô: Môi em trổ một lối đi/ Triền sông gương đậu thầm thì tháng Giêng/ Tóc em dài một an nhiên/ Đồng ngày gió xõa mái hiên nắng gầy...

Cũng trong đêm thơ “bỏ túi” đó, nhà thơ Nguyễn Hoàng Thọ lắng lòng qua những câu thơ viết về quê hương dấu yêu trong bài Dưới bóng quê nhà như một gửi gắm chạnh lòng: Tôi đi trên đường vòng cung ôm biển lớn/ Hương sen Liên Chiểu ngát bờ xa/ Mỗi con sóng trùng dương vỗ vào lòng Tổ quốc/ Buốt lời đau xương thịt mẹ Hoàng Sa/ Em có nghe lời dòng sông soi bóng Vua Lê/ và tiếng chuông chiều thuần lương đồng vọng/ Trái tim son lấp lánh bóng quê nhà.

Trăng Nguyên tiêu thoáng chốc vượt lên những dãy nhà cao tầng phố thị. Tháng Giêng vừa đi được nửa chặng đường, chỉ thầm thì thôi, nhưng vần thơ, điệu nhạc, khúc ca trầm lắng lòng người khi đêm trôi dần về sáng…

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.