Bản thân thơ đã có họa. Song, để đáp ứng nhu cầu sáng tạo tự thân và thị hiếu đa dạng của người thưởng ngoạn, một số nhà thư pháp, thư họa đã dụng tâm đưa họa tiệm cận thơ, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật cân đối, hài hòa...
Vẽ chân dung tác giả cũng là một xu hướng đưa họa vào thơ, trong nghệ thuật thư pháp, thư họa. |
Cân đối, hài hòa
Không thể phủ nhận rằng, những hình họa ẩn hiện với màu đen trắng hay sặc sỡ trên các bức thư pháp thơ là một trong những nét thu hút những người “ngoại đạo” tìm đến hai loại hình nghệ thuật cùng song hành trong một tác phẩm này. Một mặt, các nét vẽ sẽ mô phỏng, thể hiện một phần nội dung, ý nghĩa bài thơ, một mặt đem lại sự mới lạ, tăng thêm phần thi vị với người thưởng thức.
Tuy nhiên, với những người yêu thơ hay chỉ nặng lòng với những con chữ thì các hình họa bắt mắt, đôi khi không thật cần thiết, hay những hình họa không phù hợp, thiếu tinh tế thậm chí còn khiến nội dung trung tâm là thơ, là chữ bị phân tán, giảm sút.
Bên ly cà-phê đặc quánh, nhà thư pháp Hồ Công Khanh thổ lộ, chính sự thay đổi và ngày càng đa dạng trong nhu cầu của thưởng ngoạn cùng ham muốn sáng tạo không ngừng đã đưa ông tìm đến những nét họa tô điểm thêm cho các bức thư pháp thơ tâm đắc của mình.
Theo ông Khanh, việc đưa họa đồng hành thơ trong những bức thư pháp ở Việt Nam đã có từ rất lâu, nhưng chừng 10 - 15 năm trở lại đây thì trở thành phong trào ngày càng rầm rộ, đủ màu sắc. Song, đối với ông, là nhà thư pháp thì trong các tác phẩm của mình, bao giờ ông cũng lấy việc tôn vinh vẻ đẹp của chữ Việt làm trọng.
Và, không nên hiểu phải có hình vẽ, tranh, ảnh trong các bức thư pháp thơ mới gọi là đưa họa tiệm cận thơ! Bởi, không chỉ bản thân nội dung thơ đã có họa mà về mặt hình thức, các chữ thư pháp rồng bay phượng múa, được cách điệu cao độ hay mô phỏng các hình tượng đẹp, mang hồn cốt của câu thơ, bài thơ, cũng chính là họa rồi!
Theo nhà thư pháp Hồ Công Khanh (ảnh), những bức thư pháp đưa họa đồng hành thơ phải gọi thư họa. |
Trong câu chuyện về thơ, họa và thi pháp, ông Khanh cho rằng, cần làm rõ một số khái niệm còn khá nhập nhằng: Ở Trung Quốc - một đất nước có nền thư pháp lâu đời, một bức nếu hoàn toàn chữ không có tranh mới gọi là thư pháp, nhưng khi một bức tranh được vẽ cụ thể và có chữ viết kèm theo là một bài thơ hoặc một sự tán thán thì nội dung đó được gọi là thư họa.
Thư pháp và thư họa vì vậy là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì thường vẫn được gọi chung là thư pháp. Điều này phù hợp với đặc tính tâm lý, văn hóa nhẹ nhàng vừa phải, ôn hòa của người Việt, song lại khó phát triển được tính chuyên môn hóa, sự sắc sảo trong các loại hình nghệ thuật nói chung, nghệ thuật thư pháp, thư họa nói riêng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, các kiểu họa trong thư pháp Việt truyền thống phổ biến từ xưa đến nay vẫn là trúc, là ánh trăng, dòng sông, bến đò, phong cảnh hữu tình... Và chắc chắn, đây là những hình họa đi cùng các bài thơ cổ Hán,Việt bất hủ.
Càng về sau này, khi các bài thơ hiện đại hiện diện ngày càng nhiều trong các bức thư pháp, thì tranh minh họa đi kèm cũng thay đổi đa dạng phù hợp với hình tượng thơ: đó có thể là đóa sen, là bóng hình người thiếu nữ, là đôi bàn tay, là những nét vẽ trừu tượng chấm phá đầy tính nghệ thuật. Một hướng đưa họa vào thơ khác là vẽ chân dung tác giả lên bức thư pháp ghi lại bài thơ của họ. Hay thi pháp thơ xuân thì vẽ mai, đào, xuân năm nào thì vẽ minh họa linh vật năm đó...
Song, điểm chung trong nhìn nhận của một số nhà thư pháp khá thành công trong việc đưa họa tiệm cận thơ ở Đà Nẵng như Hồ Công Khanh, Văn Chi, Ái Diệp, thơ - họa phải hài hòa, cân đối, có thông điệp mới đem lại những bức thư họa, thư pháp đẹp đến người thưởng thức.
Hình ảnh linh vật năm Đinh Dậu trong một bài thơ xuân của nhà thi pháp Văn Chi. Ảnh: T.T |
Để thơ đẹp hơn
Để biến thơ thành những bức họa đẹp và nghệ thuật với nét mực tàu khá đỏng đảnh là điều chưa bao giờ dễ dàng với nhà thư pháp tài hoa Hồ Công Khanh. Để có cách thể hiện ưng ý, đôi khi chỉ một chữ tiêu đề một bài thơ cũng khiến ông mất ăn mất ngủ hàng tháng trời. Phút giây thăng hoa, hoàn thành tác phẩm có khi rất ngắn ngủi nhưng sự ấp ủ, trăn trở thì khó lòng đong đếm hết...
Mai đào rực rỡ, linh vật (con gà) của năm mới Đinh Dậu với đủ kiểu đứng, ngồi... là hình ảnh chủ đạo của gian phòng trưng bày thư pháp ông Văn Chi mùa xuân này. Ở tuổi gần thất thập, nhà thư pháp Văn Chi vẫn cần mẫn sáng tạo, tìm tòi cách thể hiện mới.
Tuy nhiên, nếu nói đến thơ, mà theo ông tự nhận là vì “tôi già rồi” nên vẫn cứ vương vấn với những vần thơ cũ, kiểu như: “Bóng trúc quét sân trần chẳng động/ Vầng trăng xuân biển nước không xao” (thơ của Thiền sư Thích Hạnh Tuệ). Thơ hiện đại nhất, mới nhất trong thư pháp của ông Văn Chi là thơ của các tài thơ vang bóng một thời như Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Bùi Giáng...
Trong làng thư pháp Đà Nẵng, Ái Diệp là đại diện phái nữ gần như duy nhất. Mạnh dạn lấy thư pháp làm con đường kinh doanh, cửa hàng thư pháp, tranh chữ chủ yếu trưng bày những tác phẩm do Ái Diệp tự thảo ở đường Hùng Vương hiện vào hàng xôm tụ nhất nhì Đà Nẵng. Theo bà chủ Ái Diệp, đa số khách đến cửa hàng vẫn thích những bức vừa thơ vừa họa.
Chính sự đa dạng trên các nền chất liệu từ giấy đến tre, gỗ, gốm, vải, kính... của các bức thư pháp thơ ở đây đã đem đến cho khách hàng nhiều lựa chọn, cách thưởng ngoạn. “Có nhiều con đường để đưa thơ hay thư pháp đến với người thưởng thức, tôi thì luôn chọn con đường ngắn nhất, ít cao siêu nhất”, Ái Diệp trải lòng.
Có thể nói, trên con đường nghệ thuật nói chung, nghệ thuật thư pháp thơ nói riêng mỗi người sẽ có một cách đi riêng. Song, có một thực tế đáng buồn là đôi khi chính thị hiếu giản đơn của đám đông, sự dễ dàng của công nghệ đã đưa đến những hệ lụy đáng tiếc. Đó là vàng thau lẫn lộn, là khi những nét vẽ màu mè chỉ cốt để che lấp sự non kém của con chữ, của câu thơ. Trong khi, nghệ thuật thư pháp thực sự phải làm điều ngược lại: Đó là tôn lên vẻ đẹp của chữ Việt, của Thơ đến với công chúng!
THANH TÂN