.

Tiếng gà gáy sáng đã vang…

.

Tiếng gà gáy sáng đã vang ở đây vừa báo hiệu một ngày mới bắt đầu, vừa báo hiệu năm gà Đinh Dậu đương chính thức khởi động sau những ngày nghỉ Tết, lại vừa đánh dấu thời khắc hồi tưởng về một trang sử mới của đất nước cách nay 87 năm với ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam - mồng 3 tháng 2 năm 1930. Với ý nghĩa ấy, tiếng gà gáy sáng đã vang trên thành phố bên sông Hàn đang thúc giục người Đà Nẵng hào hứng lao động và sáng tạo vì môi trường sống an bình của chính mình.

 Người dân du xuân tại khu vực đường hoa trước trụ sở Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng.Ảnh: MINH TRÍ
Người dân du xuân tại khu vực đường hoa trước trụ sở Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng.Ảnh: MINH TRÍ

Từ hôm nay người Đà Nẵng chúng ta đã phải phấn đấu cật lực cho sứ mệnh công dân của một thành phố đăng cai Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Những người thợ đang lao động ở các công trình hạ tầng phục vụ APEC - chẳng hạn như Nhà ga quốc tế Đà Nẵng hay Nhà Trưng bày Hoàng Sa - vừa phải tăng tốc để bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng công trình, lại vừa phải cẩn trọng trong từng thao tác để đảm bảo an toàn lao động đúng theo đòi hỏi của Chương trình Thành phố 4 an.

Và tất cả mọi người dân thành phố, nhất là những người thường xuyên làm việc ở “mặt tiền” như nhân viên hải quan/an ninh cửa khẩu, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên nhà hàng/khách sạn, “sĩ quan liên lạc” APEC… ngay từ bây giờ phải phát huy cao độ “thương hiệu nụ cười Đà Nẵng” đang được gầy dựng bước đầu.

Đến cuối năm mới tiến hành sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 nhưng các hoạt động quốc tế liên quan tới Năm APEC 2017 thì diễn ra suốt cả năm, chính vì thế mà rất cần những gương mặt hiếu khách và thân thiện - không chỉ giữa người Đà Nẵng với khách thập phương mà còn và quan trọng hơn là giữa người Đà Nẵng với nhau. Không phải ngẫu nhiên mà cả 10 chủ trương về hội nhập quốc tế nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII “về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” đều nói chuyện trong nước - bởi muốn hội nhập quốc tế thật sâu rộng thì nội lực Việt Nam cần/càng phải mạnh. Chính vì vậy nên “thương hiệu nụ cười Đà Nẵng” không chỉ được tạo thành bởi những nụ cười của người Đà Nẵng dành cho khách mà chủ yếu phải được tạo thành bởi những nụ cười của người Đà Nẵng dành cho nhau.

Từ hôm nay người Đà Nẵng chúng ta còn phải phấn đấu cật lực để vừa duy trì những thành tựu trong thời gian qua, lại vừa tạo nên những kỳ tích mới cho tương xứng với các ưu đãi/lợi thế do cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý theo Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ mang đến.

Muốn được như vậy, Đà-Nẵng-đã-có-cơ-chế-đặc-thù phải biết tạo ra một số động lực mới, chẳng hạn động lực từ những người đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời với tinh thần sẵn sàng khởi nghiệp. Đương nhiên động lực mới này chỉ có thể được hình thành và phát huy tác dụng khi chính quyền thành phố thực sự nhập cuộc. Điều mà những người đang và sắp khởi nghiệp chờ đợi ở chính quyền thành phố nhiều nhất không phải là sự hỗ trợ về vốn và về tri thức khởi nghiệp - được vậy cũng quý/cũng cần - mà là sự công bằng về cơ hội kinh doanh.

Cho nên một Đà Nẵng khởi nghiệp rất cần nền hành chính minh bạch công khai, đồng thời cũng rất cần tinh thần thượng tôn pháp luật và thái độ quý trọng tài năng. Thượng tôn pháp luật được hiểu là đảm bảo cho người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm, còn công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Có như vậy người đang và sắp khởi nghiệp mới có thể có đủ tự do để thực hiện hoài bão của mình trong khuôn khổ của pháp luật.

Còn chỉ có thái độ quý trọng tài năng thì chính quyền thành phố mới có thể thu hút và giữ chân người giỏi, mới có thể trân trọng và chăm chút những mầm mống tài năng khởi nghiệp. Khởi nghiệp rất cần công nghệ thông tin và rất sợ “công nghệ… không tin”. Chính tinh thần thượng tôn pháp luật và thái độ quý trọng tài năng từ phía chính quyền thành phố mới có thể góp phần tạo dựng niềm tin vào xã hội, vào tương lai của những người khởi nghiệp.

Từ hôm nay người Đà Nẵng chúng ta còn phải phấn đấu cật lực để ứng xử với khu vực bán đảo Sơn Trà bằng một tầm nhìn chiến lược thấm đẫm tinh thần nhân văn và hướng đến phát triển bền vững. Cần thấy bán đảo Sơn Trà là một tài nguyên du lịch độc đáo, vừa là vọng hải đài bảo vệ Tổ quốc với các trạm radar từng được mệnh danh là “Mắt thần Đông Dương” trên đỉnh núi; vừa là điểm đến du lịch sôi động và đầy ấn tượng - nhất là sau sự kiện hàng trăm tỷ phú trên thế giới tề tựu tại InterContinental Danang Sun Peninsula Resort ở Bãi Bắc để tham gia Hội nghị quốc tế về tài chính mang tên “Creative Connections/Kết nối Sáng tạo 2013”; lại vừa là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với các rạn san hô dưới nước, với rừng nguyên sinh trên núi và đặc biệt với loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm là voọc chà vá chân nâu - biểu tượng nhận diện Đà Nẵng tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Trong chiến tranh và cả một thời gian dài sau khi chiến tranh kết thúc, hầu hết diện tích của bán đảo Sơn Trà vẫn được xem là khu quân sự phục vụ cho mục đích quốc phòng, cho nên nhìn chung sự đa dạng sinh học ở bán đảo này còn được/càng được bảo tồn đúng mức. Rồi trong quá trình đổi mới tư duy kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, diện mạo bán đảo Sơn Trà những năm gần đây thay đổi đáng kể với các con đường dân sự thảm nhựa/cấp phối chạy thẳng lên cao - kể cả được mở hợp pháp và bất hợp pháp, với các khu nghỉ dưỡng hoành tráng và có nơi đạt tầm cỡ quốc tế.

Thậm chí đã từng có người lãng mạn đề xuất ý tưởng đốn cây phá rừng ở triền núi để thiết kế mấy chữ cực to “Welcome to Danang” nhằm quảng bá thương hiệu thu hút du khách thập phương. Đó là chưa kể từng có ý tưởng xây dựng ở khu vực này sân bay Đà Nẵng mới…

Tất cả đều không thể đáp ứng yêu cầu phát triển đặc thù ở khu vực bán đảo Sơn Trà. Chính vì thế trong việc định hướng phát triển khu vực này, cần kết hợp cả ba yếu tố - “ba trong một”: kinh tế - quốc phòng - bảo tồn thiên nhiên, trong đó quốc phòng và bảo tồn thiên nhiên phải được xem là cốt lõi, bởi mất nước là mất tất cả, mà mất sự đa dạng sinh học cũng là mất tất cả...

Tiếng gà gáy sáng đã vang! Tiếng gà gáy sáng đã vang!

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.