Ngày hội Văn hóa dân gian đã và đang diễn ra ở nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Với các bạn học sinh, ngày vui này không chỉ là dịp các bạn được trở lại tuổi thơ cùng các trò chơi tưởng chỉ dành cho trẻ nhỏ; các bạn được tìm hiểu, nếm trải những nét văn hóa truyền thống tưởng đã phai nhạt ít nhiều do công nghệ, do cuộc sống ồn ã cuốn đi.
Các bạn học sinh Trường THPT Trần Phú say mê với trò chơi nhặt đậu trong ngày hội Văn hóa dân gian. (Ảnh do nhà trường cung cấp) |
Tôi vẫn hay băn khoăn, giữa guồng quay của cuộc sống với trăm thứ lo toan, giữa hội nhập và phát triển, nhiều người dường như chỉ bước tới mà không có cơ hội ngoái lại, nhiều bạn trẻ như chúng tôi gặp phải một cú sốc lớn về văn hóa khi ở một nơi heo hút vẫn bắt gặp những giá trị toàn cầu.
Và có cảm giác như văn hóa truyền thống xa rời với lớp trẻ. Có khi tôi tự đặt câu hỏi, nếu không được gìn giữ thì nền văn hóa Việt Nam mất đi một thứ hồn rất riêng, lúc đó chúng tôi ở đâu và cái gì giữ chúng tôi lại để gọi là bản sắc.
Rồi một ngày chúng tôi được phơi phới trở lại, đó là những “Ngày hội Văn hóa dân gian”, với bao nét đẹp văn hóa truyền thống được tôn vinh. Chúng tôi có cơ hội được “trở về”, được phép đưa những người khách “xin một vé đi tuổi thơ”, về những hồi ức thấm đẫm bao kỷ niệm, về với những trò chơi mà mẹ, mà bà và có thể là những người xa hơn nữa đã từng trải qua.
Tôi vui sướng biết bao khi nghe bạn nghêu ngao “Bắc kim thang, cà lang bí rợ”; tôi thích thú đến nhường nào khi nhìn những cô Tấm, chú Cuội cùng nhau chơi nhặt đậu, kéo co, nhảy sạp... tôi nhận ra rằng Việt Nam mình là đó chứ đâu!
Văn hóa dân gian trong tôi chính là nhìn các nam - nữ sinh sạch sẽ hằng ngày được một lần nhem nhuốc, một lần chổng mông thổi lửa nướng xiên. Là những bánh bèo nghe thơm nức mùi dầu phộng và tôm khô. Là chuối nếp nướng thơm dẻo quyện lẫn mùi lá chuối và nước dừa chan xâm xấp, ăn đến đâu nướng đến đó, được chăm sóc tỉ mỉ còn hơn cách các bạn gái giải một bài Toán. Là xoài, cóc, me, ổi. Là chè, thạch, sâm, mía. Là bao tiếng nói cười gọi mời xởi lởi, bao cái ôm miễn phí và những câu hát nghe thấy mát cả lòng.
Còn ở nơi nào khác không khi cầm trong tay chưa đến một trăm nghìn đồng bạn đã có thể vừa ngắm nghía, vừa nhâm nhi, vừa tận hưởng cả một “miền văn hóa”? Nơi đấy chỉ có thể là ngày hội Văn hóa dân gian. Ngày mà những học sinh hằng ngày cứ tưởng là vô tâm vô tư được dịp khéo léo, được dịp học cách vun vén tính toán của một người phụ nữ, cách dựng lều hay khuân vác của một người đàn ông.
Ta sẽ thấy rằng, những nét đẹp truyền thống của đất nước ta không phải là bị mất đi, nó vẫn luôn ở đấy, như một nụ hoa, được chúng ta chăm sóc và tưới mát từng ngày thì nó sẽ lại tỏa ngát hương và ngời lên vẻ đẹp.
Tôi là một nữ sinh phục vụ trong căn bếp nhỏ của ngày hội Văn hóa dân gian. Tôi đã rất hạnh phúc khi đón những vị khách trung niên - những người mà trong tâm hồn họ vẫn luyến láy ở vài chục năm trước - nở nụ cười.
Đó là nụ cười của một niềm tin được trao gởi, của những nỗi nhớ xa xưa, đó là nụ cười khiến tôi muốn bật khóc vì chúng tôi đã thành công bằng chính mồ hôi công sức để tái hiện những điều tưởng như đã cũ. Thật lòng tôi rất biết ơn những ngày hội Văn hóa dân gian như thế này, khiến tôi tin rằng lớp trẻ chúng tôi còn có thể làm nhiều hơn như thế này nữa, để dải đất này vẫn luôn là một tâm hồn vừa trẻ trung, năng động vừa dịu dàng, truyền thống, khiến cho bất cứ ai ghé thăm sẽ muốn nán lại hoài, lại mãi...
Là một nơi “đi để về”, ngày hội Văn hóa dân gian tại khắp các trường học đang ngày càng được lan rộng và tươi mới hơn, trở thành những sắc hoa trong trường, giúp cho học sinh được học tập theo một cách khác đầy hứng thú và mới mẻ.
Mặc cho áo dài trắng muốt thướt tha bị thay bằng chiếc áo bà ba lem luốc, mặc cho lớp học sạch sẽ kín đáo bị thay bằng nền đất đội nắng đội mưa, những bạn trẻ này vẫn luôn tươi cười và chăm chỉ “học” những điều các bạn chưa từng làm ấy thôi. Thôi thì tạm gác sang một bên những lo toan của trang sách, hãy cùng về với một văn hóa dân gian của quê hương mình bạn nhé.
THẢO CHUYÊN