.

Trưởng thành từ những sân chơi

.

Sinh viên tham gia các hoạt động như hát, múa, nhảy hay làm người dẫn chương trình (MC) không phải để ghi điểm, cũng không mong nổi tiếng, mà bởi khi tham gia vào những chương trình đã trở nên rộng khắp, sôi nổi ngoài giảng đường, các bạn như bị cuốn theo bởi tính hấp dẫn và chuyên nghiệp của nó. Và hơn hết, các sân chơi trong trường đại học mang lại nhiều kỹ năng, nhiều cơ hội trên con đường tương lai của các bạn.

Đội văn nghệ Trường ĐH  Sư phạm ĐH Đà Nẵng tổ chức biểu diễn nhân lễ khai giảng năm  học 2015- 2016. (Ảnh do  Đoàn trường ĐH Sư phạm cung cấp)
Đội văn nghệ Trường ĐH Sư phạm ĐH Đà Nẵng tổ chức biểu diễn nhân lễ khai giảng năm học 2015- 2016. (Ảnh do Đoàn trường ĐH Sư phạm cung cấp)

Nơi năng khiếu được bồi đắp

Có một nhận xét khá vui khi chúng tôi tiếp xúc với nhiều giảng viên và sinh viên (SV) một số trường đại học, là bước vào sân trường, ở các tiền sảnh, giảng đường, sân trường, vào giờ nghỉ trưa, cuối giờ chiều hay buổi tối, ngày nghỉ… ở đâu cũng thấy các bạn SV đang tập múa, tập nhảy, có nhóm đang thổi sáo hay chơi ghi-ta, dễ nhầm là ở một trường văn hóa - nghệ thuật nào đó! Đó là chuyện thực tế diễn ra nhiều năm qua ở các trường ĐH: Kinh tế, Sư phạm, Ngoại ngữ… thuộc Đại học Đà Nẵng.

Huỳnh Ngọc Trọng, SV năm 3 khoa Tài chính, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Ghi-ta DUE, Trường ĐH Kinh tế cho biết, với khoảng 70 thành viên, tuần nào cũng sinh hoạt cùng nhau nên các bạn lấy sân trường làm nơi luyện tập.

CLB hoạt động trên ba mảng chính: một nhóm tham gia kỹ năng đàn cơ bản; nhóm các bạn đàn giỏi hoạt động biểu diễn và đi thi; nhóm tập hợp những bạn ít năng khiếu đàn, sẽ tham gia vào các sự kiện gây quỹ từ thiện.

Và cứ 3 tháng, các bạn sẽ tổ chức biểu diễn, như một bài kiểm tra nhỏ quá trình luyện tập. Đây là một trong những sân chơi lâu đời của SV Trường ĐH Kinh tế, dù tuổi thành lập CLB thì mới tròn 5. Hết lứa SV này vào, lứa kia ra, nhưng những ngày kiên trì học đàn, hay khi lả lướt dạo vài khúc nhạc lúc đã thành thục để lại dấu ấn khó phai trong những năm tháng trong trẻo trên giảng đường đại học.

Với Ngọc Trọng và nhiều bạn, CLB Ghi-ta không chỉ là nơi để các bạn tiếp tục phát hiện hay trau dồi kỹ năng âm nhạc của mình, mà lớn hơn, như Trọng nói: “Từ đó chúng em có thể tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, giúp các em nhỏ trong các nhà mở múa hát, có thêm niềm vui lúc các anh chị SV đến thăm”.

Nguyễn Văn Bảo Nam, Chủ nhiệm CLB Sức trẻ kinh tế  Trường ĐH Kinh tế, nơi tập hợp gần 200 thành viên, cho rằng các kỹ năng mềm hay khiêu vũ mà các bạn học được khi gia nhập CLB giúp SV hòa nhập xã hội tốt hơn, dễ giao lưu với bạn bè các trường khác, từ đó còn giúp SV năng động hơn, thân thiện hơn.

Bạn Lê Đức Lộc, SV năm thứ 4 khoa Giáo dục thể chất, Trường ĐH Thể dục thể thao Đà Nẵng, từng giữ chức thủ lĩnh CLB Sáo trúc, Trường ĐH Sư phạm cho biết, với 40 thành viên, hiện CLB có 2/3 là nữ. Là một CLB thuộc Trường ĐH Sư phạm, nhưng Sáo trúc có đầy đủ “gương mặt anh tài” của nhiều trường như đại học: Sư phạm, Bách khoa, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Thể dục thể thao… Cây sáo trúc nhỏ bé và giản dị đã trở thành cầu nối gắn kết SV nhiều trường và nó cũng giúp Lộc biểu diễn giao lưu ở Trường CĐ Thương mại và nhiều trường khác khi được mời tham gia vào các ngày hội của SV.

Chị Nguyễn Thị Lệ Quyên, Ủy viên Ban Thường vụ Đoàn Trường ĐH Sư phạm, phụ trách đội văn nghệ “Giọng ca vàng” cho biết, đội được thành lập năm 2013, sau nhiều đợt tuyển chọn, hiện có 25 thành viên (trong đó có 12 SV thuộc nhóm múa) và mỗi năm quân số biến động khoảng 30-40% do các bạn ra trường.

Riêng việc đầu năm học, Đoàn trường đứng ra tổ chức thi tuyển để chọn “ca sĩ” SV chứng tỏ sự bài bản, chuyên nghiệp trong hoạt động của đội. “Đây là sân chơi tốt để các bạn thể hiện khả năng, khẳng định năng lực bản thân.

Nhiều bạn học các ngành âm nhạc, mầm non cần đến năng khiếu thì đội văn nghệ thực sự là môi trường hấp dẫn để thu hút SV”, chị Lệ Quyên cho biết. Chỉ riêng việc Trường ĐH Sư phạm hỗ trợ sân khấu, âm thanh, ánh sáng, có một ban nhạc với đầy đủ nhạc cụ, có các giảng viên thanh nhạc hướng dẫn tận tình và sắp tới trường sẽ dành tầng trệt hai khu giảng đường rộng vài nghìn mét vuông làm nơi cho SV luyện tập kỹ năng thì việc SV Trường ĐH Sư phạm “thi đâu thắng đó” trong những liên hoan tiếng hát HS-SV là điều dễ hiểu.

Các thành viên của CLB Ghi-ta DUE Trường ĐH Kinh tế trong chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện “Khúc yêu thương” 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Các thành viên của CLB Ghi-ta DUE Trường ĐH Kinh tế trong chương trình biểu diễn gây quỹ từ thiện “Khúc yêu thương” 2017. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Vượt lên trên những phong trào

Với SV, nhiệm vụ học tập vẫn là chủ yếu, nhưng có thể đưa ra một nhận xét xác đáng là việc SV tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong nhà trường giúp các em hình thành nhiều kỹ năng tốt, phát huy năng khiếu và có thể định hình luôn con đường đi sau này của nhiều người. Thành công có thể không phụ thuộc vào kiến thức mà phụ thuộc vào kỹ năng và thái độ sống - SV thời nay thuộc nằm lòng định nghĩa không còn mới mẻ và rất thực tế này.

Bạn Nguyễn Thị Thùy Linh, SV năm cuối ngành Quản trị nhân lực, khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Kinh tế lựa chọn việc rèn kỹ năng dẫn chương trình (MC) do “ngày xưa em hay hát, nhưng chắc là mình hát không hay bằng nhiều người nên em thử làm MC xem sao. Ngoài ra môn học nào cũng yêu cầu thuyết trình nên việc tập làm MC lại hợp”. Từ thử rồi thành công lúc nào chẳng hay.  Cứ thế, khi đã nhận lời dẫn bất kỳ chương trình gì, Thùy Linh đều viết kịch bản hẳn hoi. Linh cho rằng với bất kỳ công việc gì cũng đòi hỏi sự nỗ lực, và sự nỗ lực của Linh là phấn đấu liên tục vì nhóm MC của đội văn nghệ nhà trường có từ 3-5 người, nên tính cạnh tranh rất “kinh khủng”.

Khởi nguồn từ môi trường đại học, nhiều SV đến với công việc của người dẫn chương trình. Bắt đầu là những sự kiện nhỏ như một buổi văn nghệ của lớp, khoa, rồi đến những chương trình lớn của trường. Trường ĐH Ngoại ngữ có bạn Xuân Kiều, Trường ĐH Sư phạm có bạn Thủy Tiên, là những gương mặt sáng giá của giới MC ở Đà Nẵng. Ngoài việc dẫn chương trình cho một số sự kiện, các bạn còn làm cộng tác, dẫn chương trình cho các đài truyền hình hoặc theo các chương trình truyền hình thực tế của VTV.

Anh Trương Trung Phương, Bí thư Đoàn Trường ĐH Sư phạm cho rằng, phong trào văn hóa văn nghệ của trường phát triển mạnh những năm qua bởi nó chính là môi trường đoàn kết, tập hợp đoàn viên thanh niên, là môi trường hấp dẫn giúp các bạn thể hiện mình, khi có một sân chơi lành mạnh, bổ ích, được làm quen với nhiều người. Việc tiếp cận các sân chơi giúp nhiều SV mở ra cơ hội việc làm tốt hơn. Từ rèn kỹ năng sân khấu, nhiều bạn học được cách giao tiếp, phong thái tự tin khi đứng trước đám đông.    

Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Bách khoa Nguyễn Văn Cả liệt kê một danh sách dài gần 3 trang về phong trào văn hóa, văn nghệ của SV nhà trường trong hai năm qua và ở đó, nam SV có số lượng áp đảo nhưng vẫn “rinh” về cho trường nhiều giải thưởng như giải quán quân Siêu thủ lĩnh toàn quốc năm 2016, SV tài năng toàn quốc hay HS-SV tài năng thanh lịch Đà Nẵng 2016… “Những hoạt động phong trào trên đã tạo nên một sinh khí mới vui khỏe trong SV, giúp các bạn xa rời các tệ nạn xã hội, rèn luyện sức khỏe”, anh Nguyễn Văn Cả nhấn mạnh.

Phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao diễn ra sôi nổi trong các trường đại học, cao đẳng nhiều năm qua là chất xúc tác, giúp SV có cơ hội thể hiện tài năng; những nhân tố mới, tích cực được phát hiện qua các cuộc thi giúp các em có cơ hội cống hiến và trưởng thành hơn. Theo quan điểm của anh Nguyễn Văn Hiếu, chuyên viên Đoàn Trường ĐH Kinh tế, các kỹ năng mà SV có được trong quá trình tham gia hoạt động giúp các em có khả năng tổ chức, định hướng cho tương lai. Những kỹ năng, những bài học ấy không đến với những SV thụ động, nó dành cho những người biết hòa nhập, biết sống vì cộng đồng, với niềm vui được nhân lên mỗi ngày và phát huy những yếu tố năng khiếu tiềm ẩn trong mỗi người.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.