Mẹ tôi mất năm tôi chín tuổi. Chín tuổi, tôi đã biết cảm nhận nỗi mất mát khi không có mẹ ở bên. Không có mẹ, tôi trở nên câm lặng hơn, tuổi thiếu niên vô tư từ đó cũng trở thành dĩ vãng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Tôi không biết cha tôi có buồn và nhớ mẹ nhiều như tôi không, bởi tôi chưa bao giờ thấy cha khóc. Thỉnh thoảng dọn dẹp nhà cửa, động đến vật gì liên quan tới mẹ, tôi nhớ mẹ đến cồn cào da diết. Cha biết nhưng thường chỉ lặng im. Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi thấy cha ngồi ngoài hiên bên cạnh cái điếu cày, bóng cha cô đơn trong màn đêm tĩnh mịch. Tôi những muốn vùng dậy ôm lấy cha và nói rằng “Cha ơi, con nhớ mẹ”, nhưng tôi không làm được, chỉ biết vùi đầu vào chăn mà khóc.
Thời gian đúng là kỳ diệu, nó đã xoa dần nỗi trống vắng trong lòng tôi, nó làm cho những giọt nước mắt của tôi biết đọng lại trong tim chứ không còn chảy ra khóe mắt mỗi lần nhớ mẹ. Cha tôi cũng nói cười trở lại, học cách làm những việc nhà, những việc vốn trước đây cha chưa từng đảm nhiệm. Không có mẹ, cha con tôi gần gũi nhau hơn, cha quan tâm và chiều chuộng tôi hơn, nỗi trống vắng vì thiếu mẹ nhờ thế mà vơi dần. Một lần thấy tôi ngồi chải tóc ngoài hiên, cha ngồi xuống, cầm lược chải tóc cho tôi, giọng cha thì thầm: Nhanh quá, con gái cha sắp thành thiếu nữ rồi. Mai mốt lớn lên lấy chồng, cha ở với ai? Tôi quay qua ôm cha, giọng quả quyết: “Không, con không đi lấy chồng, con ở với cha đến già luôn”. Ánh mắt cha lúc đó buồn hay vui, thực lòng tôi không rõ.
Một hôm, bà ngoại tôi đến chơi. Bà và cha ngồi nhà trên, nói đủ thứ chuyện. Tôi thường chẳng quan tâm bà và cha nói những chuyện gì mỗi lần gặp mặt. Nhưng hôm đó giọng bà ngoại tôi như to hơn, rõ ràng hơn khiến tôi chết lặng. Bà nói mẹ tôi đã hết giỗ ba năm, cha tôi thì hãy còn trẻ, mà nhà thì cần bàn tay một người phụ nữ chăm lo. Tôi là con gái, lớn lên sẽ theo chồng, không lẽ cha ở vậy đến già trong cô quạnh. Bà nhắc đến cô Thúy nào đó bao nhiêu năm nay vẫn một mình. Từng lời bà nói như những mũi kim đâm vào tim tôi. Tai tôi như ù đi, đầu óc bỗng trở nên mông lung bấn loạn. Tôi những muốn chạy ra nói “bà ơi bà đừng bảo bố cháu đi lấy vợ”, những muốn ôm lấy bố mà khóc rằng “con chỉ cần bố thôi, không cần ai nữa cả”. Thế nhưng chân tôi không bước nổi đành ngồi phịch xuống nơi góc nhà. Và nước mắt cứ thế trào ra không cách gì ngăn nổi.
Tôi vẫn nhớ ngày đầu tiên cô Thúy về nhà tôi, trời tháng sáu nắng như đổ lửa. Nhưng dù nắng đến mấy cũng không thể hong khô những giọt nước mắt trên khuôn mặt tôi. Đó là lần thứ hai trong đời tôi cảm nhận được nỗi mất mát như bị bỏ rơi. Tôi vừa cảm thấy ghét cha, lại vừa cồn cào nhớ mẹ. Vậy nên khi cha bảo: “Từ nay cô Thúy sẽ là mẹ hai của con”, tôi như con thú bị thương gào lên: “Không, không đời nào con gọi cô ấy là mẹ. Con chỉ có một mẹ thôi, mẹ con chết rồi. Bố đuổi cô ấy đi đi”. Sau tiếng gào của tôi, là cái bạt tai của cha với năm ngón tay in hằn trên má của cô bé con mười ba tuổi. Đó là lần đầu tiên trong đời cha đánh tôi. Cô Thúy lúc đó mặt tái mét hỏi cha, ý là sao vậy đã đánh, nó trẻ con đã biết gì. Cha im lặng bỏ vào nhà ngồi rít thuốc lào sòng sọc. Cô Thúy đưa tay xoa lên má tôi nhưng tôi đã gạt đi, vùng bỏ chạy.
Kể từ ngày nhà có thêm người, tôi thường thu lu ngồi một mình nơi góc phòng có bàn thờ đặt di ảnh của mẹ. Trong ảnh, khuôn mặt mẹ đang tươi cười, nhưng nước mắt lại đang ướt tràn trên khuôn mặt tôi. Tôi nhớ những ngày mẹ còn sống, không khí trong nhà không hẳn vui tươi nhưng cũng không quá ảm đạm. Cha mẹ rất ít nói chuyện hay cười đùa, điều tôi thường thấy ở những gia đình khác. Cha dù cục tính cũng rất ít nặng lời với mẹ, chỉ là rất ít nói, rất ít ngồi cùng nhau.
Ngược lại, từ ngày có cô Thúy về, cha như vui hẳn. Trong bữa ăn, hai người nói rất nhiều chuyện. Cha hay cười hơn, điều mà trước đây tôi không thấy cha dành cho mẹ. Thế nên tôi có cảm giác hình như cha không thương mẹ bằng cô. Cô Thúy dù biết tôi không ưa cô, vẫn tìm mọi cách gần gũi, cô lo cho tôi, chăm sóc tôi không khác gì mẹ tôi ngày xưa. Tôi thích cảm giác ấy, và dần quen, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra là một cô bé khó chiều, khó bảo. Càng được cô chăm lo tôi càng nhớ mẹ. Tôi thay mẹ hờn ghen với cô, làm khó cô, khiến cô bao phen bẽ bàng và khó xử. Tôi cũng không biết là cô chỉ muốn lấy lòng tôi, hay là cô thương tôi thật. Nhưng mỗi lần cha phiền trách tôi hay có ý muốn đánh tôi vì tôi ương bướng không nghe lời, cô lúc nào cũng đứng ra bảo vệ tránh cho tôi bị ăn đòn.
Rồi cô có em bé, con bé nhỏ nhắn, xinh xắn. Từ ngày có nó, cô không quan tâm đến tôi nhiều như trước. Tôi đâm ra ghét đứa em cùng cha khác mẹ. Mỗi lần nó ngủ một mình trên võng, tôi thường lén đến véo một cái thật đau vào tay nó, nó giật mình khóc toáng lên. Một lần, cha bắt được quả tang tôi làm em khóc, cơn giận trào dâng, ông cầm roi định vụt vào mông tôi. Lại là cô ôm tôi vào lòng để đỡ những đòn roi. Tôi đã lớn lên trong nỗi hoang mang, liệu cha có thương mình không? Cô thương mình thật hay cô giả vờ? Nhất là mỗi khi thấy bé em được mẹ cưng nựng yêu chiều, tôi thấy tủi thân khủng khiếp.
Năm đó tôi là sinh viên năm thứ hai, về quê ăn Tết. Sau bữa cơm, hai cha con tôi ra ngồi ngoài hiên. Cha hỏi tôi tình hình học tập thế nào? Sống một mình ở thành phố có vất vả không? Rồi cha nhìn tôi, bất chợt hỏi: “Con có bạn trai chưa?”. Tôi vừa bất ngờ, vừa lúng túng. Cha thường không bao giờ quan tâm nhiều đến tôi như thế, nhất là những chuyện riêng tư. Và tôi từ lâu đã không còn trải lòng với cha về những điều mình nghĩ. Thấy tôi im lặng, cha cười: “Yêu rồi phải không? Không sao cả, vui mà”. Rồi cha nói muốn kể tôi nghe một chuyện, có lẽ tôi đã đủ lớn để hiểu. Chuyện của cha, mẹ tôi và cô Thúy.
Thuở nhỏ, ba người rất thân nhau, đi đâu cũng bộ ba như hình với bóng. Chớm đôi mươi, cha và cô Thúy nảy sinh tình cảm rồi yêu nhau. Cả cha và cô Thúy đều không biết, mẹ tôi lúc đó cũng yêu cha. Chứng kiến cảnh cô bạn thân và người đàn ông mình thầm yêu suốt ngày quấn quít, mẹ tôi buồn không chịu nổi, cuối cùng đành thổ lộ với cô Thúy.
Cô Thúy lúc đầu thì bất ngờ, sau thấy khó xử. Tình yêu tay ba, xưa nay không hiếm, nhưng chuyện diễn ra với mình cô chưa từng nghĩ đến. Chơi với nhau từ nhỏ, quả ổi cũng chia ba, củ khoai cũng chia ba. Nhưng tình yêu, bản chất của nó là ích kỷ, là không sẻ chia. Nói cô Thúy rút lui, nhường người yêu cho bạn, đó là điều quá khó. Nhưng dù cô Thúy không muốn nhường thì cô vẫn mất cha. Trong một lần cha tôi say rượu không còn tỉnh táo, mẹ tôi đã lên giường cùng ông. Và chẳng biết là vô tình hay có sự sắp đặt, sự việc bị bà ngoại tôi bắt gặp. Cha tôi trước sức ép của hai bên gia đình và dư luận của làng xóm, cuối cùng đành bất lực cưới mẹ. Còn cô Thúy, sau cú sốc đó đã không thể mở lòng được với bất cứ người đàn ông nào khác.
Năm tôi lên 9 tuổi, mẹ tôi đột ngột qua đời trong một cơn nhồi máu cơ tim. Mãn tang mẹ, được bà ngoại động viên hối thúc, cha đã dùng mọi lời lẽ thuyết phục cô Thúy về ở chung nhà để ông có cơ hội bù đắp những lỗi lầm xưa cũ. Cô Thúy sau nhiều lần khước từ, cuối cùng cũng bị sự chân thành của cha lay động. Giờ thì tôi hiểu vì sao cha và mẹ tôi lại sống với nhau nhàn nhạt như hình với bóng, không cãi vã nhưng cũng không mặn nồng. Giờ thì tôi hiểu vì sao, sống với cô con người cha như đổi khác.
Cha tôi nói, sau một thời gian chung sống, mẹ tôi hối hận nhận ra bà chỉ chiếm được con người cha, còn tâm hồn và tình yêu cha mãi mãi bà không có được. Cha không oán giận, cũng không yêu thương. Sự hững hờ lạnh nhạt của cha khiến mẹ tôi cảm thấy mệt mỏi. Đã có lần, mẹ đề nghị chia tay để trả cha về cho cô Thúy, nhưng cha tôi bảo đã muộn mất rồi. Vì nếu trước đây cha không đủ dũng cảm để bảo vệ tình yêu, thì giờ cha không đủ ích kỷ để vứt bỏ gia đình.
Tôi nghe xong, lòng bỗng rối bời. Nếu cha và cô Thúy không trách giận mẹ tôi, thì tôi chẳng có lý do gì mà trách mẹ tôi cả. Tôi, lúc này chỉ thấy thật lòng thương cô Thúy. Vượt qua sự mất mát và tuổi thanh xuân buồn tủi, cô đã mở lòng bao dung với cha, với cả tôi. Vậy mà tôi, chưa bao giờ nói được với cô một lời tử tế, đừng nói là cảm thông và biết ơn cô.
Hôm ấy, sau khi nghe cha tôi kể chuyện, tôi vào nhà, thấy cô đang lau dọn bàn thờ cho mẹ tôi. Tôi rất tự nhiên bật gọi: “Mẹ!”. Cô sững người quay lại nhìn tôi, như không tin vào những gì mình vừa nghe, rồi nước mắt cứ thế tuôn trào trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn qua năm tháng. Đó là cái Tết cả nhà tôi vui nhất kể từ ngày mẹ tôi qua đời.
Cuộc đời của mẹ ruột tôi đã dạy tôi rằng: Cái gì vốn không phải của mình thì mãi mãi không phải là của mình. Còn mẹ Hai lại giúp tôi hiểu ra rằng: Chỉ có sự chân thành và tình yêu thương thực sự mới đưa trái tim lại gần với trái tim.
LÊ GIANG