Mạnh dạn và tự tin thể hiện bước nhảy, vũ điệu trên sân khấu, nhiều cô, cậu học trò đã góp phần tạo nên những sắc màu riêng trong chương trình văn hóa, văn nghệ tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Nhóm Galaxy tại Đà Nẵng với tiết mục Singing in the rain đạt giải nhất chung kết khu vực miền Trung tại Cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ âm nhạc - vũ đạo ca hát do hãng Honda tổ chức. Ảnh: T.Y |
Trào lưu mới trong trường học
Nếu gọi nhảy hiphop hay nhảy hiện đại là trào lưu giải trí của giới trẻ những năm qua thì giờ đây, trào lưu này đã có một chỗ đứng nhất định tại các trường phổ thông trên địa bàn thành phố. Thầy Dương Thanh Hùng, Bí thư Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, từ năm 2009 đến nay, phong trào văn hóa, văn nghệ tại nhà trường khởi sắc, được đông đảo học sinh (HS) tham gia, đóng góp nhiều tiết mục phong phú, hấp dẫn.
Đặc biệt, các tiết mục nhảy hiện đại, nhảy hiphop chiếm khoảng 40% trong một số cuộc thi (hoặc trong đêm công diễn văn nghệ). Với tổng số 91 lớp học như hiện nay, hằng năm vòng sơ khảo văn nghệ của nhà trường thường thu hút khoảng 300 tiết mục tham dự, từ đó Ban tổ chức chọn ra 36 tiết mục đặc sắc nhất công diễn trong lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Để khuyến khích HS tự tin thể hiện năng khiếu của mình, việc quy định thể loại các tiết mục tham gia chương trình văn nghệ tại nhà trường hiện nay khá phong phú, bao gồm đơn ca, song ca, tốp ca, ban nhạc, nhóm nhạc, nhóm nhảy, nhóm múa, độc tấu, hòa tấu các loại nhạc cụ…
Đặc biệt, các điệu nhảy vui tươi, sôi động, có kịch bản đang thực sự thu hút giới trẻ. Các em nhảy theo màn trình diễn của các nhóm nhảy nổi tiếng trong và ngoài nước hoặc ghép nhiều động tác khác nhau để hình thành nên tiết mục của lớp, của nhóm mình.
Nhiều lớp còn dành thời gian luyện tập, thuê trang phục hay mời biên đạo múa xây dựng một kịch bản cụ thể. Có lẽ vì những lý do này mà ngày 5-3 tới đây, Đoàn Trường THPT Phan Châu Trinh sẽ tổ chức hội thi nhảy hiện đại cho HS toàn trường với hy vọng hình thành một sân chơi bổ ích, phù hợp với xu hướng âm nhạc của giới trẻ hiện nay.
Dù không phải là nhóm nhảy chuyên nghiệp, nhưng những tiết mục nhảy của HS luôn nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ hàng ghế khán giả. Bằng những động tác “phiêu”, từ chậm rãi đến cuồng nhiệt hòa theo tiết tấu của âm nhạc, các em đã góp phần tạo nên mảng màu vui nhộn trên sân khấu.
Tại Hội diễn văn nghệ “Xuân quê hương - Xuân yêu thương” năm 2017 do Quận Đoàn Hải Châu vừa tổ chức tại Nhà hát Trưng Vương, từ hàng ghế khách mời, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hải Châu Trần Thị Thúy Hà tỏ ra thích thú khi xem màn trình diễn hiphop của nhóm HS Trường THPT Phan Châu Trinh.
Bà Thúy Hà cho rằng thời gian qua, các tiết mục nhảy theo nhiều phong cách khác nhau đã góp phần mang lại niềm vui, giải tỏa căng thẳng trong quá trình học tập của HS. Chính việc luyện tập cùng nhau giúp tình bạn giữa các thành viên thêm gắn kết, tự tin thể hiện bản thân, sáng tạo trong nghệ thuật. Điều đáng lưu ý là các em cần có sự định hướng từ người lớn, tránh chạy theo những xu hướng không lành mạnh, sính ngoại, không sa đà vào thần tượng cũng như biết cách phân bổ thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học văn hóa ở trường.
Là một trong những trường phổ thông có phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh, Đoàn Trường THPT Thái Phiên luôn “chiều chuộng” gu âm nhạc của học sinh mình bằng cách đưa nhiều tiết mục nhảy hiphop, nhảy hiện đại vào chương trình văn nghệ như một cách khơi gợi sự hào hứng từ hàng ghế khán giả.
Thậm chí, trong các chương trình văn nghệ lớn, có sự đầu tư, nhà trường còn mời hẳn nhóm nhảy tên tuổi đến phục vụ học sinh. Như tại Liên hoan văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân năm 2017”, ngoài các tiết mục do thầy trò nhà trường biểu diễn, Ban tổ chức còn mời nhóm nhảy Revive Crew, Dimond Band đến để khuấy động không khí và thu hút HS đến với đêm nhạc này.
“Lỡ mê rồi, cứ nhảy thôi”
Không chỉ góp tiết mục trong các chương trình văn nghệ tại trường học, nhiều em HS chia sẻ mình đến với bộ môn nhảy một cách nghiêm túc và theo đuổi nó từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, việc tham gia vào các nhóm nhảy hay đơn giản là “ưa nhảy nhót” của các em thường bị cha mẹ ngăn cấm hoặc siết chặt giờ giấc vì sợ con em mình hư hỏng, chạy theo trào lưu mà lơ đễnh việc học hành.
Phan Công Thành, HS lớp 11/14, Trường THPT Phan Châu Trinh gắn bó với bộ môn nhảy nhiều năm nay. Nhìn tác phong, từ chiếc mũ lưỡi trai, đôi giày đến điệu bộ khi nói chuyện của Thành đều toát lên đây là một “tín đồ” của điệu nhảy hiphop. Thành chia sẻ: “Em mê nhảy từ nhỏ, mỗi lần bật tivi lên, thấy nhảy là người em lắc lư theo và đến năm học lớp 7 thì em quyết định gắn bó với nó. Ngoài giờ học, có thời gian rảnh là em lên mạng xem và tập theo các điệu nhảy khác nhau, thậm chí có hôm còn trốn ba mẹ để đi tập nhảy cùng bè bạn”.
Cũng như nhiều bạn trẻ mới bắt đầu đến với bộ môn nhảy, Thành chọn popping (vũ điệu đường phố) để thử sức chịu đựng và khả năng linh hoạt của cơ thể. Khi kỹ thuật dần hoàn thiện và nắm bắt tinh thần các động tác khó, Thành chuyển sang nhảy hiphop, nghiêng hẳn về underground, một thể loại rap – hiphop để tạo nên bản sắc riêng của mình. Cùng với tài năng của mình, cậu học trò này còn đứng ra dàn dựng những bài diễn trên sân khấu tại ngôi trường đang theo học và là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm nhảy Galaxy Đà Nẵng.
Không chỉ là ngôi trường chuyên đào tạo học sinh giỏi xuất sắc, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cũng được biết đến với phong trào văn hóa, văn nghệ sôi nổi. Ngoài các tiết mục hát, múa thông thường, các tiết mục nhảy hiphop, nhảy hiện đại thường chiếm số lượng 30% các chương trình văn nghệ. Chị Lê Thị Huyền, Bí thư Đoàn trường cho rằng, nếu chịu khó quan sát HS nhảy sẽ thấy được sự luyện tập nghiêm túc, tự tin thể hiện bản thân của các em. Tinh thần của Đoàn trường là không cấm cản HS nhảy mà chỉ lưu ý một số vấn đề như trang phục và luyện tập những động tác phù hợp với lứa tuổi học trò.
Những năm qua, chuyện HS nhảy, “cháy” hết mình với các điệu nhảy trên sân khấu văn nghệ của nhà trường không còn xa lạ với giáo viên và phụ huynh. Con trai mê nhảy đã đành, con gái cũng mê nhảy không kém. Nhiều lớp học chuyên về khối xã hội vốn ít con trai cũng mạnh dạn đăng ký tiết mục nhảy toàn thành viên nữ và không ít bạn bị cha mẹ cấm cản vì sợ con cái ra ngoài ham chơi hơn ham học.
Tuy nhiên, nói như Lê Hà Thư, học sinh lớp 12D2, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thì nhảy suy cho cùng cũng là một bộ môn nghệ thuật, miễn mỗi người tiếp nhận nó một cách có chọn lọc và phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt. Với HS, học là một chuyện và nhảy lại là chuyện khác. Ai lỡ mê rồi, cứ nhảy thôi, miễn sao mình vẫn là con ngoan, trò giỏi.
TIỂU YẾN