Có người nói rằng, kỷ niệm giống như những trang sách mà mỗi lần dở ra “đọc” lại, sẽ thấy cuộc đời này thêm thi vị. Đối với gia đình, kỷ niệm và cùng tạo ra kỷ niệm chính là cách để các thành viên thêm yêu thương, gắn bó…
Công viên 29-3 những ngày cuối tuần là không gian được nhiều gia đình trẻ lựa chọn để thư giãn và lưu lại những kỷ niệm đẹp. Ảnh: MINH TRÍ |
1. Sau khi ăn sáng, đứa con gái nhỏ nói với tôi: “Mẹ ơi, mẹ xem chương trình này với con nhé?”. Tôi nhìn vào đống bát đĩa dơ và sau đó nhìn vào cặp mắt nâu to tròn của con bé. “Được thôi”, tôi trả lời. Thế là hai mẹ con ngồi sát vào nhau trên đi-văng để cùng xem chương trình yêu thích của con tôi. Sau khi xem xong, chúng tôi còn cùng nhau giải một câu đố khó. Khi tôi định đi rửa chén bát thì điện thoại reo. Đầu dây bên kia là một người bạn của tôi: “Chào cậu. Cậu làm gì từ sáng đến giờ đấy?”. Tôi trả lời: “À, mình xem chương trình yêu thích của con gái và giải câu đố cùng với nó”. Cô ấy lại nói: “À, thế là hôm nay cậu không bận việc nhỉ”.
Tôi tự nhủ: Không bận việc, chỉ bận tạo ra kỷ niệm mà thôi. Sau bữa cơm trưa, Erica lại nói: “Mẹ ơi, mẹ chơi trò chơi với con đi mẹ”. Lúc này thì tôi nhìn vào đống chén đĩa bẩn trong chậu rửa bát, không chỉ của bữa sáng mà còn của cả bữa trưa. Một lần nữa, tôi lại nhìn vào cặp mắt to nâu của con bé, và tôi chợt nhớ lại mình đã cảm thấy hạnh phúc như thế nào khi được chơi trò chơi cùng mẹ lúc tôi còn nhỏ. Tôi trả lời con: “Vui đấy. Nhưng chỉ chơi một trò thôi con nhé”. Chúng tôi đã chơi trò chơi mà con gái tôi rất thích, và con bé thật sự thích thú. Khi trò chơi kết thúc, con bé lại nói: “Mẹ ơi, mẹ đọc truyện cho con nghe đi mẹ”. “Ừ, nhưng chỉ một truyện thôi đấy nhé”…”.
Cứ thế, người mẹ trong câu chuyện tôi tình cờ đọc được trên một trang báo tiếp tục bị “hơi ấm ngọt ngào” của bàn tay, ánh mắt cô con gái (Erica) “dụ dỗ” vào các trò chơi, cùng làm bánh, xem ti-vi, đọc truyện, đi dạo… từ sau bữa sáng cho đến khi cô bé đi ngủ. Sau đó, dù trời đã khuya, toàn thân mệt lử và sáng mai phải đi làm sớm, người mẹ mới bắt đầu với núi công việc mà đáng lẽ ra chị có thể giải quyết gọn gàng trong ngày. Đọc qua câu chuyện, có lẽ không ít người sẽ thầm nghĩ: “Đúng là một bà mẹ rảnh rỗi và thiếu dứt khoát!”. Nhưng, tôi lại cảm thấy đồng cảm và xúc động vô cùng với câu chuyện giản dị này. Và tôi tin, nhiều người mẹ khác cũng có chung cảm xúc như tôi.
2. Câu chuyện trên cũng không khác mấy chuyện của vợ chồng người láng giềng của tôi cách đây không lâu: Dù cả hai vợ chồng (con trẻ) rất bận rộn, nhưng đã dành ròng rã ba ngày để lên ý tưởng, chụp hình, sửa soạn và thực hiện bữa tiệc sinh nhật cho cô con gái vừa tròn 3 tuổi của họ. Người chồng trẻ thổ lộ rằng, gia đình anh đã có những “khoảnh khắc tuyệt vời”! Đơn giản như mỗi lần tạo dáng chụp hình, cả nhà nhìn nhau cùng cười, cùng nắm tay, cùng đi dạo hay cùng làm một việc bất kỳ theo yêu cầu của thợ chụp ảnh, “chúng tôi cảm nhận được hơi ấm, tình yêu thương, sự thiêng liêng, gắn bó không thể tách rời giữa ba người - điều mà đôi khi rất dễ bị cuộc sống bận rộn thường ngày che lấp”, người chồng trẻ hồ hởi chia sẻ.
Đến những điểm vui chơi công cộng vào những ngày cuối tuần, không khó để bắt gặp những hình ảnh vui chơi, nô đùa hạnh phúc của các gia đình nhỏ, của những đôi lứa yêu nhau. Khi được hỏi, không phải ai cũng trả lời rành rõ rằng họ đang tạo ra những kỷ niệm đẹp cùng người thân yêu, nhưng chúng tôi tin, đó sẽ là những giây phút đẹp đẽ, đáng nhớ theo họ suốt cuộc đời. Có người cho rằng, kỷ niệm là tự nhiên, không phải “tạo ra” mới có. Điều này không sai, nhưng có lẽ cũng không hoàn toàn đúng, nhất là trong thời đại mà con người rất dễ bị cuốn vào những vòng xoáy công việc, công nghệ thông tin, và nhiều vòng xoáy khác của cuộc sống hiện đại. Kỷ niệm chỉ được tạo ra trong sự tương tác giữa người với người. Kỷ niệm mỗi người mỗi khác, không phụ thuộc vào quá khứ hay hiện tại.
Cùng một câu chuyện có thể đối với người này là kỷ niệm, người kia thì không. Kỷ niệm có thể là những câu chuyện rất đặc biệt, song cũng có thể là những điều vụn vặt, nhỏ bé. Kỷ niệm có thể tạo ra bằng nhiều cách. Ngoài những cách truyền thống thì theo nhiều bạn trẻ, ngày nay, việc lưu giữ kỷ niệm có phần “thuận tiện” hơn ngày trước nhờ công nghệ thông tin, nhờ các trang mạng xã hội, chỉ cần một thao tác click, những ký ức đẹp lập tức ùa về… Có điều, chúng tôi tin rằng, dù tạo ra bằng cách nào, thì chắc chắn, kỷ niệm cũng chính là một trong những sợi dây gắn kết yêu thương bền chặt.
3. Anh N.T.C. (35 tuổi, quận Sơn Trà) dù đã có một gia đình khá êm ấm, một sự nghiệp vững vàng, nhìn ngoài, ai cũng nghĩ anh C. rất ổn. Nhưng theo chia sẻ của những người thân cận, có dịp tiếp xúc nhiều với anh C. thì người đàn ông này có nhiều điểm khá “khác biệt”, thậm chí có những biểu hiện lệch lạc trong giao tiếp, ứng xử so với mọi người.
Hỏi ra mới biết, anh đã có một tuổi thơ mà bản thân anh luôn muốn “quên đi”: Ba mẹ anh chia tay từ ngày anh còn rất nhỏ, mẹ đi lấy chồng, công tác xa bỏ anh sống tự lập một mình trong căn nhà trống trải. Cuộc hôn nhân mới của mẹ không thực sự hạnh phúc nên mỗi lần về thăm con, chỉ cần gặp chút chuyện không vừa ý, mẹ liền trút giận lên anh bằng những trận đòn roi “thừa sống thiếu chết”. Sau đó, anh đi ngủ lang, không dám về nhà, ai cho gì ăn đó, vòng tuần hoàn ấy cứ lặp đi lặp lại, anh lớn lên như cây cỏ. Nghị lực, ý chí mạnh mẽ đã giúp anh tạo dựng được cuộc sống như ngày hôm nay, nhưng những “kỷ niệm” buồn, vết thương lòng thời thơ ấu thì vẫn len lỏi, chi phối cuộc sống, tâm hồn anh…
Chúng tôi chưa tiếp cận được nghiên cứu khoa học hay thống kê chính xác nào về tác động của kỷ niệm đẹp đối với tuổi thơ, đối với việc hình thành nhân cách con người, song, nếu nói kỷ niệm như những trang sách, thì việc được đọc đi đọc lại những trang sách hay, chắc chắn sẽ đầy bổ ích và thi vị. Biết đâu đó, trong khúc quanh buồn bã của cuộc đời, chúng ta sẽ thấy lòng mình dịu lại, lắng nghe được dư âm hạnh phúc, khi gọi tên những kỷ niệm đã qua.
THANH TÂN