.

Bối rối trước đám tang

.

Vẫn biết “nghĩa tử là nghĩa tận”, nhưng tiếng ồn ào bởi kèn trống to quá cỡ, hay lễ viếng kéo dài nhiều ngày của các đám tang khiến xóm giềng không khỏi bối rối: Góp ý cũng không được mà đóng cửa nhà đi “tị nạn” cũng không xong, đành “chịu trận” với nhau trong một khoảng thời gian, khi chưa hề có quy ước hay văn bản nào quy định cụ thể về tổ chức tang ma.

Đến nay vẫn chưa có quy định nào về những đám tang với tiếng ồn do nhạc lễ được khuếch đại qua loa. Đây là vấn đề tế nhị mà ít người nói đến. Ảnh: H.L
Đến nay vẫn chưa có quy định nào về những đám tang với tiếng ồn do nhạc lễ được khuếch đại qua loa. Đây là vấn đề tế nhị mà ít người nói đến. Ảnh: H.L

Cách đây chừng hai tuần, người dân quanh khu vực chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông, quận Sơn Trà được dịp “sống chung” với âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng được khuếch đại qua chiếc loa. Buổi sáng, mới hơn 6 giờ đã nghe tiếng chiêng, tiếng đàn nhị nỉ non, buổi tối thì cũng phải tầm 9 giờ tiếng trống mới ngưng. Nhưng trống, chiêng tạm ngưng thì tiếng tụng kinh được thu âm sẵn trong đĩa được mở, dù không qua chiếc loa nhưng cách một tòa nhà vẫn nghe rõ.

Bà Cao Thị Ngọc Anh, ở một căn hộ chung cư trên đường Dương Vân Nga nói nhỏ: “Tuổi già vốn đã rất khó ngủ, mấy đêm có đám tang, đến gần sáng mới chợp mắt được một lúc. Chỉ tội thằng cháu ngoại chưa đầy tuổi, mẹ nó gửi cô trông để đi làm, giữa buổi sáng và buổi chiều là giấc ngủ của thằng bé đang ngủ lại bị giật thót vì tiếng trống, tiếng chiêng. Khi xóm có đám tang, có tiếng ồn thì bà con luôn cùng nhau thông cảm, nhưng như đám tang này, âm thanh quá to. Nhiều bà, nhiều cô đi chợ Nại Hiên Đông, cách nơi có đám tang chừng 300 mét còn nghe tiếng chiêng, trống.

Ở những khu vực không có đường kiệt như phường Nại Hiên Đông còn thấy dễ chịu khi xóm giềng có đám tang, chứ những địa bàn có nhiều đường kiệt ngang dọc, chập hẹp thì mỗi lần nhà ai có chuyện buồn là cả xóm phải “đi nhẹ, nói khẽ” và chịu khó chịu sự ồn ào trong vài ngày, có khi cả tuần. Chị Hà, nhà ở kiệt 45 trên đường Lê Độ, quận Thanh Khê cho biết, chị dọn về xóm này ở chừng 10 năm, đến nhà chia buồn vài người, và nhận thấy một điểm chung, là thường nhà nào con cháu đông, nhà có điều kiện kinh tế khá giả thì để tang khá lâu, chừng 5 ngày đến một tuần. Đi kèm là người đến viếng khá đông, liên tục trong nhiều ngày nên độ ồn ào kèm với tiếng chiêng trống càng gia tăng âm lượng. Đường hẻm nhà chị Hà chỉ rộng chừng 2 mét. Nhưng được cái là những nhà trong hẻm sâu thường ít khi dùng thêm loa để tiếng chiêng, trống ít ảnh hưởng tới bà con lối xóm. Tuy vậy, những nhà có con nhỏ cũng không thể tránh được cảnh ồn ào.

Anh Lê Đăng Quang, ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà kể chuyện một đám tang ở xóm nhà anh cách đây hai năm: cách nhà anh mấy căn là đám tang của một bà cụ hơn 90 tuổi. Từ ngày bà cụ mất đến ngày đưa ra nghĩa trang là hơn 6 ngày. Trong những ngày đó, hết tiếng trống, kèn não ruột, thì nhà chủ mở những bản nhạc không lời với đủ các thể loại từ belero đến vọng cổ. Ban ngày thì vậy, còn ban đêm thì con cháu tụ tập về “vui hơn đám cưới”. Lớp con cháu là thanh niên gặp nhau nói chuyện rôm rả, đánh bài sát phạt và đêm thứ 5 của chuỗi ngày tang lễ nhóm thanh niên này còn nâng ly, ca hát, đánh đàn. Anh Quang còn nhớ mãi là có cậu thanh niên nào đó còn hát bài hát có câu: và con tim đã vui trở lại!

Đó là thực tế đang diễn ra ở nhiều nơi, ở nhiều đám tang trên địa bàn thành phố. Trong khi những chuẩn mực về phần lễ của một lễ tang theo truyền thống vẫn được giữ gìn qua bao năm tháng; thì những phần như nhạc, như cư xử làm sao cho đúng mực vẫn chưa trở thành nền nếp, phong tục. Thì những chuyện biến tướng, lạm dụng xung quanh một tang lễ vẫn đang là chuyện cần bàn tới. Trong khi ý kiến của đa số người dân (những nhà chứng kiến tang lễ của hàng xóm, láng giềng) luôn tỏ ra thông cảm với nhà có tang; nhưng họ vẫn bày tỏ ý kiến với một thái độ chuẩn mực, tôn trọng mà không làm ảnh hưởng đến phần tâm linh, đó là việc không nên để tang quá lâu, không nên mở nhạc quá to vì dẫn đến ồn ào, khó chịu. Bởi khi con người phải chịu tiếng ồn quá âm lượng cho phép, trong thời gian nhiều ngày, sẽ nảy sinh sự khó chịu, mất dần tính cảm thông cần có.

Ông Nguyễn Trùng Dương, tổ trưởng tổ dân phố 63, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, nơi chung cư E2 chỗ ông (nơi có đám tang được nhắc đến đầu bài) cho biết, hầu như đám tang nào (trừ những gia đình có đạo Thiên chúa) cũng có chiêng trống. Ngoài ra những người chết trẻ (dưới 25 tuổi) gia đình không thuê ban nhạc; còn những người 25 tuổi trở lên đều có chiêng cộ. Và giờ tổ chức lễ viếng cũng không hề được quy định cụ thể, nhưng ban nhạc lễ thường chỉ chơi không quá 9 giờ tối. “Thường gia đình nào cũng tổ chức lễ tang ít nhất là 4 ngày. Cách đây hơn một tháng ngay phía trước Ủy ban phường có gia đình còn để tang người quá cố hơn một tuần. Tất cả giờ giấc này đều do gia đình coi thầy và tự quyết, họ không phải xin phép tổ dân phố hay cấp chính quyền nào hết”, ông Dương cho hay.

Ông Huỳnh Vĩnh Truyền, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Nam Dương, quận Hải Châu cho biết, Hội cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các gia đình ở địa phương khi có người chết thì không nên để quá 48 giờ hay hỏa táng để bảo vệ môi trường và tiết kiệm quỹ đất. Nhưng việc vận động này chỉ có tính tương đối, và chỉ có vài hộ quyết định hỏa táng. “Trong những cuộc họp chúng tôi thường nói lướt qua vấn đề này, như không tổ chức đám ma quá dài ngày, âm thanh loa của ban nhạc hiếu để ở chế độ vừa phải và phải tôn trọng giờ giấc những người xung quanh… Vấn đề này cũng khó có thể vận động. Vì tâm lý mỗi người đều nghĩ nghĩa tử là nghĩa tận, thôi mình chịu thiệt có vài ngày cũng chẳng sao. Cứ thế, tâm lý tế nhị, thông cảm quyết định tất cả”. Ông Chủ tịch Hội Người cao tuổi, một người xấp xỉ tuổi 80, hiền từ nói nhỏ, giọng đôn hậu: Cái này chúng tôi tuyên truyền trong người cao tuổi thì được, nhưng con cháu họ thì tuyên truyền không tới, đến khi họ mất rồi mà con cháu họ không thực hiện theo cũng khó!

Phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, một trong những phường đi đầu của thành phố về vận động người dân tổ chức đám tang không quá 48 giờ, không rải vàng mã, bãi bỏ nhiều tập tục mê tín dị đoan. Nhưng bà Phạm Thị Liên, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường cho biết, tuyên truyền cho dân về việc để tang quá lâu sẽ ảnh hưởng đến môi trường được dân hưởng ứng, nhưng chưa đạt 100%, do còn theo phong tục coi ngày chôn cất. Còn chuyện quy định tiếng ồn của ban nhạc lễ tang thì chúng tôi chưa làm được, khi người dân dù có phản đối (một cách âm thầm) thì cũng nghĩ chuyện tình làng nghĩa xóm, chuyện tang lễ chỉ một lần trong đời người.

HIỀN LƯƠNG

;
.
.
.
.
.