.

Chớp thời cơ giải phóng Trường Sa

.

Nếu chậm một, hai ngày có lẽ ta đã mất Trường Sa. Nghĩ lại mới thấy lúc đó Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương rất sáng suốt nắm bắt thời cơ, dự báo chính xác tình hình để chỉ đạo đưa lực lượng ta kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa trong lúc các lực lượng nước ngoài theo dõi sát tình hình chiến sự Việt Nam với mưu toan đổ bộ chiếm đảo từ tay quân ngụy Sài Gòn. Cựu chiến binh, Đại tá Phan Xuân Ạp, Phó Ban Liên lạc đặc công Hải quân thành phố Đà Nẵng nhớ lại thời điểm giải phóng Trường Sa - tháng 4-1975.

Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam.  Ảnh: M.C.M
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam. Ảnh: M.C.M

Thời điểm lịch sử đó, Đại tá Phan Xuân Ạp là trợ lý tham mưu Tiểu đoàn đặc công 471 của Quân khu 5. Sau chiến thắng Buôn Mê Thuột, chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ. Cùng thời cơ thống nhất đất nước, Bộ Tổng tham mưu nhìn nhận cần gấp rút giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa. Lúc này ở Trường Sa, quân đội Việt Nam Cộng hòa đang đóng giữ tại 6 đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn.

Nhiệm vụ được giao cho Đoàn 126 đặc công Quân chủng Hải quân làm lực lượng chủ công, phối hợp với hai đội đặc công nước của Tiểu đoàn 471 và Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 của Quân khu 5 dưới sự chỉ huy của Thượng tá Mai Năng, Đoàn trưởng 126 (sau này là thiếu tướng, Tư lệnh Binh chủng Đặc công). Ngày 9-4-1975, khi những cánh quân trên bộ của Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu tiến công mãnh liệt vào phòng tuyến của ngụy ở cửa ngõ phía Đông và phía Nam của Sài Gòn (Xuân Lộc-Đồng Nai và Tân An-Long An), Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được lệnh tiến đánh đảo Song Tử Tây. Đêm 10-4, lực lượng giải phóng Trường Sa xuống 3 tàu vận tải của Trung đoàn 125 được ngụy trang giả dạng làm tàu cá nước ngoài từ quân cảng Đà Nẵng tiến ra Song Tử Tây. Lực lượng ta trên tàu chỉ mặc thường phục cải trang thành ngư dân.

Kéo cờ giải phóng ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa năm 1975.  (Nguồn: baoninhthuan.com)
Kéo cờ giải phóng ở đảo Sơn Ca thuộc quần đảo Trường Sa năm 1975. (Nguồn: baoninhthuan.com)

Thời điểm này trên Biển Đông vẫn còn nhiều tàu chiến của Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Mỹ hoạt động nên các tàu của ta khi hành quân phải vòng tránh, giữ bí mật. Trên đường hành quân, ta cũng phát hiện nhiều tàu nước ngoài cũng cải dạng tàu cá hoạt động thám thính quanh quần đảo Trường Sa. Rạng sáng 14-4-1975, tàu ta áp sát Song Tử Tây. 3 mũi đặc công dùng xuồng bí mật đổ bộ, tiến công lên đảo. Bị đánh bất ngờ, địch hoang mang chống trả yếu ớt. Sau 30 phút vừa chiến đấu vừa gọi hàng, quân ta đã làm chủ toàn bộ hòn đảo, tiêu diệt 6 tên, bắt sống 33 tên. Khi trời sáng cũng là lúc lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên đỉnh cột trước bia chủ quyền của Tổ quốc ở Song Tử Tây. Sau thắng lợi đầu tiên, lực lượng ta tiếp tục tập kích giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn. Hầu hết khi bị tấn công, lực lượng địch bị tan rã nhanh chóng do nhụt chí chiến đấu khi biết tin các thất bại liên tiếp của chúng trong đất liền. Giải phóng đến đâu ta cắm cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền và tổ chức ngay lực lượng phòng thủ trước các tàu bán vũ trang của nước ngoài lảng vảng gần đảo.

Ông Ạp kể: Những ngày đầu đóng giữ đảo Nam Yết, lực lượng ta quan sát thấy một số tàu bán vũ trang của nước ngoài thả rất nhiều phao con lợn từ ngoài biển trôi vào chạm bờ đảo là tự hủy. Đây là loại phao khi trôi dễ gây nhầm tưởng cho người trên bờ là có người ngoài biển đổ bộ vào bờ. Tuy nhiên, lực lượng đóng giữ của ta rất bình tĩnh không nổ súng và tăng cường phòng thủ đảo chặt chẽ hơn. Tàu bán vũ trang nước ngoài sau nhiều ngày dòm ngó biết ta tăng thêm lực lượng trong bờ ra trấn giữ đảo đành lặng lẽ rút đi.

Đại tá Phan Xuân Ạp. Ảnh: SƠN TRUNG
Đại tá Phan Xuân Ạp. Ảnh: SƠN TRUNG

Sau 30-4-1975, ông Ạp tiếp tục công tác tại Quân khu 5 rồi nghỉ hưu, làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu thêm 11 năm rồi lại tiếp tục làm Phó Ban liên lạc đặc công Hải quân thành phố Đà Nẵng cho đến nay.

Trong những cuộc nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ đặc công nước ở các đơn vị đóng trên địa bàn thành phố, Đại tá Phan Xuân Ạp luôn động viên cán bộ, chiến sĩ đặc công trẻ hiện nay được tuyển chọn với yêu cầu cao, được đào tạo bài bản, trang bị các phương tiện, vũ khí tác chiến hiện đại phải tiếp nối truyền thống cha anh thực hiện lời huấn thị của Bác Hồ: “Đặc công tức là công tác đặc biệt, là vinh dự đặc biệt, cần phải cố gắng đặc biệt, các chiến sĩ đặc công được tin tưởng đặc biệt, bất kỳ nhiệm vụ gì, bất kỳ nhiệm vụ đặc biệt nào cũng phải hoàn thành và hoàn thành cho tốt. Bất kỳ khó khăn đặc điệt nào cũng phải vượt qua, cũng phải khắc phục cho kỳ được…” để xứng đáng đặc công hải quân là lực lượng quan trọng, là quả đấm thép trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo hiện nay.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
  • Định vị điểm đến
    Ẩm thực không chỉ là món ăn mà còn là câu chuyện của văn hóa và con người, nhằm từng bước nâng cao sản phẩm du lịch, thời gian qua thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như từng bước định vị các phân khúc ẩm thực cao cấp, ẩm thực vùng miền và đường phố.
    .
  • 'Hộ chiếu ẩm thực'
  • Dư vị của ký ức
.
.
  • Sơ học Yếu lược thời Pháp thuộc
    * Tham quan Phòng truyền thống Trường Tiểu học An Phước (huyện Hòa Vang), tôi thấy có tấm ảnh chụp một văn bằng có tên là "Bằng cấp Sơ học Yếu lược", cấp cho học sinh Lâm Quang Thạnh vào năm 1937. Tấm bằng này có ý nghĩa như thế nào trong hệ thống giáo dục thời đó? Học sinh Lâm Quang Thạnh về sau có đóng góp gì cho xã hội? (Trương Văn Tài, Hòa Vang, Đà Nẵng).
    .
  • Tháp Bánh Ít
  • Giếng "mắt rồng" trong nhà ba anh em Tây Sơn
.
.

Đọc nhiều

.
.