Đã 42 năm trôi qua nhưng trong ký ức Đại tá Nguyễn Thanh Hiền (67 tuổi, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ), nguyên Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 vẫn còn nguyên vẹn hình ảnh những ngày tiến vào Sài Gòn trong Mùa xuân đại thắng.
Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hiền. Ảnh: LÊ VĂN THƠM |
...Sau khi giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975), Quân đoàn 2 thần tốc tiến vào Nam, tập kết ở rừng cao su Đồng Nai, phía đông khu vực Nước Trong-Long Thành. Tại đây, Bộ Tư lệnh Quân đoàn giao Sư đoàn 325 tấn công quận lỵ Long Thành, Sư đoàn 304 đánh căn cứ Nước Trong, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông Hiền kể: Trung đoàn 101 đảm nhiệm hướng tấn công chủ yếu của Sư đoàn 325, đánh vào trung tâm quận lỵ Long Thành. Đây là một chi khu quân sự rộng, có nhiều nhà xây kiên cố; địch lợi dụng các nhà cao tầng, bố trí phòng thủ nhiều tầng, rất hiểm hóc. Đúng 17 giờ ngày 26-4-1975, pháo binh ta từ nhiều trận địa đồng loạt dội bão lửa vào các căn cứ địch. Trung đoàn 101 có xe tăng, thiết giáp tăng cường, đột kích vào giữa chi khu Long Thành, đồng thời đánh cắt đường 51, nhằm chặn địch từ Tuy Hạ lên phản kích. Trong đêm 26-4, nhiều đợt tiến công bị ngăn chặn. Quân ngụy nấp trong các nhà cao tầng bắn xối xả vào các mũi tiến quân của trung đoàn, máy bay địch lồng lộn ném bom, gây cho ta nhiều tổn thất.
Theo lời kể của Đại tá Hiền, sáng 27-4, sau nhiều lần xung phong, một bộ phận của trung đoàn đột thẳng vào trung tâm mục tiêu. Từ các hướng, quân ta ào ạt tiến vào chi khu Long Thành. Không ngờ, bọn địch khôi phục, lợi dụng khu vực Tháp Nước và các nhà cao tầng, ném lựu đạn và xả súng vào đội hình trung đoàn. Đơn vị phải lùi lại, dùng pháo khống chế các mục tiêu, rồi tiếp tục tổ chức tấn công. Cấp trên yêu cầu lần này đánh kỹ và chú ý đánh tảo trừ, chiếm giữ các vị trí hiểm yếu. Pháo phòng không của ta khống chế hiệu quả vùng trời, máy bay địch không còn dám bổ xuống thấp để cắt bom… Với sức mạnh áp đảo, quân ta liên tiếp đập tan các ổ đề kháng. Sức chống cự của địch yếu dần. Khoảng 10 giờ ngày 27-4, Trung đoàn 101 đánh chiếm hoàn toàn căn cứ Long Thành, tiếp tục phát triển theo đường 51, lần lượt giải phóng Tuy Hạ và Cát Lái. Suốt đêm 28 và ngày 29-4, Sư đoàn 325 vượt sông Đồng Nai, đánh chiếm quận lỵ Thủ Đức và nhanh chóng tiến vào trung tâm Sài Gòn. 6 giờ ngày 30-4, đơn vị phải tạm dừng trước đầu cầu Sài Gòn vì phát hiện trên cầu địch chất nhiều thuốc nổ. Bọn ngụy mưu toan đánh sập cầu để chặn bước tiến quân của ta, nhưng khi tháo chạy, chúng không kịp gây nổ. Sau chốc lát, công binh đã khắc phục xong, Quân đoàn 2 ào ạt vượt qua cầu, tiến vào dinh Độc Lập. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, cắm cờ lên nóc dinh vào lúc 11 giờ 30 ngày 30-4-1975.
Đối với Đại tá Nguyễn Thanh Hiền, những thời khắc lịch sử như thước phim quay chậm sống động trong tâm trí ông. Kỷ niệm sâu sắc nhất trong Ngày Chiến thắng là khi Chỉ huy tiểu đoàn triển khai đội hình trong khuôn viên dinh Độc Lập (chiều 30-4), ông đã gặp lại đồng chí Nguyễn Văn Tứ, người chính trị viên đại đội cùng đơn vị với ông trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, nay ở một cánh quân khác tiến vào dinh. Hai người đồng chí, tưởng như đã mất nhau lại tìm thấy nhau liền ôm chầm, xúc động đến trào nước mắt. Cũng tại dinh Độc Lập trong ngày 30-4, ông Hiền chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa đồng chí Hoàng Đan, Phó Tư lệnh Quân đoàn 2 và đồng chí Nam Phong, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4). Đồng chí Hoàng Đan tươi cười hóm hỉnh nói với đồng chí Nam Phong: “Bộ giao đơn vị anh cắm cờ dinh Độc Lập, nhưng “xin lỗi” vì đơn vị tôi đã nhanh hơn”. Hai vị chỉ huy ôm chầm lấy nhau trong niềm vui chiến thắng hòa trong niềm vui lớn của toàn dân tộc.
Bây giờ, mặc dù đã nghỉ hưu, Đại tá Nguyễn Thanh Hiền vẫn hăng hái tham gia công tác địa phương, nhiều năm làm Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng người cao tuổi khu vực 7A (phường Hòa Thọ Tây), dẫn dắt khu phố đạt nhiều thành tích tiêu biểu. Đặc biệt, những chuyện kể luôn được ông truyền lại cho các bạn trẻ, để giúp họ hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc.
LÊ VĂN THƠM