Trải dài theo đường thiên lý, theo chiều từ Bắc vào, trên địa bàn huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa, tỉnh Quảng Nam xưa có nhiều tên đất, tên di tích, tên vùng thổ nhưỡng bắt đầu bằng từ Bà gắn liền với một số chi tiết địa lý, lịch sử.
Tháp Chiên Đàn xưa còn gọi là tháp Bà Rầu. Ảnh: V.T.L |
Qua khỏi địa phận huyện Thăng Bình, di tích đầu tiên nằm ven Quốc lộ 1A là cụm tháp Chăm Chiên Đàn. Xưa, dân địa phương gọi kiến trúc cổ này là “tháp Bà Rầu”. Vùng này xưa thuộc địa bàn xã Tú Tràng (Chàng), tổng Vinh Quý, huyện Hà Đông. Các tên Bà Rầu và Tú Tràng chẳng rõ có liên quan gì đến từ Chăm là Kalan Yang Pakran có nghĩa là “ba ngọn tháp”? Vùng đất này được nhiều người địa phương cho là “đất phát văn” vì có nhiều người đỗ đạt. Điều truyền tụng này xuất phát từ căn cứ có ba người ở đây từng đỗ đại khoa thời Nguyễn: cụ Nguyễn Dục đỗ Phó bảng, con trai cụ là Nguyễn Thích đỗ tiến sĩ và con rể cụ là Trần Văn Dư, về ngụ cư ở đây, cũng đỗ tiến sĩ.
Từ Bà Rầu vào phía nam khoảng 300m có “cầu Bà Dụ” bắc qua con suối Xã Lào. Suối này từ hướng tây nam chảy xuống đông bắc giáp với một nhánh sông từ vùng trung tâm Tam Kỳ đổ ra. Chỗ tiếp giáp ấy là nơi từng phát hiện một tác phẩm điêu khắc Chăm có dạng tròn như cái nia được dân địa phương gọi là “hòn đá nia”. Nhiều nhà chuyên môn nhận định đây là một dạng Yoni có liên quan đến tục thờ sinh thực khí của người Chiêm Thành xưa. Hiện nay, tác phẩm đá này được đưa về tại nhà trưng bày trong khuôn viên tháp Chiên Đàn cùng với một tượng nghê đá vốn từng nằm sát bên ụ đất gần đấy từ xưa. Tháp, cầu và tượng nghê đá đã là đối tượng mô tả trong một câu thành ngữ của dân gian vùng này: “tháp Bà Rầu, cầu Bà Dụ, ụ ông Nghê”.
Lại theo đường quốc lộ 1A, vào phía nam khoảng 2,5km, đến bùng binh An Hà, xế về phía tây là địa bàn phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ. Vùng phường này có tên rất xưa là “xứ Bà Môn”. Theo một văn bản còn lưu của tộc Bùi tiền hiền làng thì vào năm Thiệu Thành thứ 2 (tức năm 1402 đời Hồ Hán Thương) ông tổ của tộc này là Bùi Viết Nhân, từ đất Bắc đã đưa vợ con băng rừng vượt suối (băng sơn thiệp thủy) suốt hai tháng ròng vào đến vùng đất “vốn có tên là Bà Môn” quy dân lập ấp. Hiện nay, trong các lễ cúng tại địa phương này, Bà Môn xứ là địa danh thường xuyên được nhắc đến.
Qua sông Tam Kỳ khoảng 1km, gần Trạm thu phí Tam Xuân hiện nay, có một địa danh tên “ao Bà Triêu”. Theo lời kể của các vị cao niên, ao đó có hình vuông; giữa ao có một trụ đá cao khoảng 3m chạm hình thân rắn quấn quanh. Chỗ đầu trụ vươn lên hình con rắn bốn đầu. Từ trung tâm ao này, nối với phế tích tháp Lạn mà dân địa phương thường gọi là tháp Một cùng với ba ngọn tháp Khương Mỹ gần đấy sẽ thành hình một tam giác cân mà cạnh đáy gần như song song với dòng chảy của sông Tam Kỳ. Sách Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn, sau khi mô tả tháp Khương Mỹ, đã ghi nhận: “Tương truyền đây là chỗ táng vợ vua Chiêm Thành”. Hiện nay, vùng phía nam sông Tam Kỳ còn lưu hành khá nhiều câu chuyện kể có liên quan đến các di tích Chăm ở vùng có “ao Bà Triêu” này.
Xế về phía đông nam thêm khoảng 4km là nơi dòng sông Bà Bầu chảy ngang qua quốc lộ 1A với hai cây cầu xi-măng và cầu sắt bắc qua cùng mang tên Bà Bầu như dòng sông. Tên con sông này được sách Đại Nam nhất thống chí (đã nêu trên) ghi âm Nôm là Bầu Bầu giang 瓢瓢江. Sát bến sông, về mạn bắc cũng có một ngôi chợ xưa mang tên Bà Bầu. Chẳng rõ cách gọi tên sông theo sách địa chí triều Nguyễn là chính xác hay theo cách gọi dân gian là đúng? Đến nay, chưa ai rõ từ nguyên của tên gọi này. Theo sử triều Nguyễn: sông Bà Bầu, cùng với sông Tam Kỳ phía bắc và sông Bản Tân (Bến Ván) phía nam là nơi quân của Nguyễn Ánh đặt nhiều trạm binh để chặn đường vận lương của quân vua Cảnh Thịnh vào thời gian cuối của vương triều Tây Sơn.
Về phía nam, tại Núi Miếu, chỗ giáp giới của hai xã Tam Anh Bắc và Tam Anh Nam thuộc huyện Núi Thành có một địa danh mang tên “Bà Miết”. Đây là gò đất đỏ có đường thiên lý – sau gọi là quốc lộ – băng qua. Từ xưa, dân địa phương gọi nơi đây là “quán Bà Miết”. Nơi đây có một ngôi miếu cổ – được truyền tụng là nơi thờ một võ tướng thời xưa – hiện nay dấu tích vẫn còn. Thời kháng chiến chống Pháp, gần nơi này có trường Tam Anh 1, nơi quy tụ nhiều nhà giáo nổi tiếng; nhiều học sinh xuất thân từ trường về sau này đã đạt được nhiều thành quả trong nhiều lĩnh vực khoa học, xã hội học, kinh tế…
“Trảng Bà Mù” là tên gọi một trảng cát kéo dài từ gần cầu Ông Bộ đến gần giáp tỉnh Quảng Ngãi. Xưa, bộ hành đi qua vùng này rất khó nên phải di chuyển bằng thuyền qua ngả Bến Ván (cầu An Tân hiện nay), xuôi sông Bản Tân, rẽ trái ở chỗ giáp sông Trường Giang rồi theo thuyền dọc sông này về Hội An hoặc Đà Nẵng. Trong tập nhật ký “Vãng sứ Thiên Tân” kể việc hồi hương sau khi đi sứ Trung Quốc, ông Hà Đình Nguyễn Thuật – một ông quan hay chữ thời Nguyễn, người Hà Lam – đã nhắc đến cung đường qua “trảng Bà Mù”; đại ý: đến Bến Ván, đường bộ khó đi, ông phải quá giang bằng thuyền về Hội An, sau đó về kinh đô Huế; còn binh lính tùy tùng thì phải nhọc nhằn băng bộ qua những trảng cát rồi theo đường bộ về sau.
PHÚ BÌNH