.

Di sản âm nhạc dân gian Nam Trung Bộ trong đời sống đương đại

.

Nam Trung Bộ là vùng đất có lịch sử hình thành trong tiến trình mở rộng bờ cõi đất nước về phương Nam, có bề dày lịch sử và giàu truyền thống văn hóa, đồng thời là nơi diễn ra quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa trong nhiều thế kỷ giữa nền văn hóa Đại Việt và Champa. Hệ quả tất yếu từ sự giao thoa ấy đã để lại những dấu tích sâu đậm trên vùng văn hóa dân gian Nam Trung Bộ và góp phần tạo nên tính chất đặc thù trong phong cách của con người sống trên vùng đất “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung” này.

Đội Hát bả trạo diễn xướng tại Lễ Cầu ngư phường Mân Thái, quận Sơn Trà.  Ảnh: V.T.B
Đội Hát bả trạo diễn xướng tại Lễ Cầu ngư phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Ảnh: V.T.B

Các lưu dân từ phương Bắc đến lập nghiệp trên vùng đất mới được gọi là Đàng Trong (dưới sự cai quản của chúa Nguyễn), trên con đường đầy gian khổ. Họ đã mang theo hành trang của mình những câu hát, điệu hò để xoa dịu nỗi buồn nhớ xa quê và để quên đi nỗi nhọc nhằn đầy mồ hôi, nước mắt; đồng thời làm tăng thêm niềm hưng phấn trong quá trình lao động khai khẩn đất hoang, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, dần dần những câu hát dân gian biến đổi theo hoàn cảnh mới để trở thành vốn văn nghệ dân gian riêng biệt, đặc trưng của người dân Trung Bộ. Bắt nguồn từ đó, những khúc dân ca ngày càng phong phú thêm với nhiều thể loại dân ca, dân nhạc của người Việt như hò, lý, hát ru, đồng dao, hát bả trạo, hò khoan đối đáp, tuồng (hát bội), bài chòi… kết hợp khá hài hòa với nền âm nhạc dân gian đặc sắc của các tộc người thiểu số sống dọc theo dãi Trường Sơn hùng vĩ, gắn liền với biên giới phía tây Tổ quốc.

Điều kiện địa lý và dân cư của vùng đất nam miền Trung đã tạo nên diện mạo văn hóa đa dân tộc, có những nét chung và nét riêng trong tổng thể văn hóa Việt Nam. Di sản âm nhạc của các dân tộc miền biển và miền núi, cùng cộng cư, xen cư và cận cư trên vùng đất này đã kết thành một bức tranh toàn cảnh về một vùng văn hóa khá đặc trưng dọc theo duyên hải miền Trung, đồng thời góp phần làm phong phú, đa dạng thêm diện mạo âm nhạc dân gian trên mảnh đất này từ bao đời nay.

Kho tàng âm nhạc dân gian vô cùng phong phú ấy đã được khẳng định qua sự tồn tại và phát triển của những làn điệu dân ca, dân nhạc và các nhạc cụ cổ truyền của các tộc người cùng chung sống trên mảnh đất này.

Qua các tư liệu điền dã, khảo sát, kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, có thể nói dân ca, dân nhạc của người Việt ở Nam Trung Bộ khá phong phú với đầy đủ các thể loại: Hát ru, đồng dao, lý, hò, vè, hát bả trạo, hát sắc bùa, hò đưa linh, hô/hát bài chòi, hò khoan đối đáp, tuồng (hát bội).

Hiện nay trên địa bàn Nam Trung Bộ, ngoài người Việt còn có nhiều tộc người thiểu số khác như Cơ tu, Ca dong, Cor, Hrê, T’ring, Chăm, Chăm H’roi, Raglay… Tuy không nhiều và sống cộng cư với người Việt trên khắp dải đất miền Trung, song nghệ thuật âm nhạc dân gian của họ có những nét riêng và khá đa dạng và độc đáo với các thể loại: Hát lý, hát ru, hát đối đáp, hát giao duyên… cho đến nay vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình, đồng thời khá hài hòa với âm nhạc người Việt. Trải qua quá trình lâu dài, ngày nay, loại hình nghệ thuật này vẫn được các cư dân Nam Trung Bộ duy trì, bảo tồn và kế thừa tốt các giá trị. Đáng mừng là một số nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo của miền Trung - Tây Nguyên đã được ghi nhận và đánh giá cao trong giới chuyên môn trong nước và quốc tế. Năm 2005, UNESCO công nhận “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản văn hóa của nhân loại; Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận “Hát bả trạo” tỉnh Quảng Nam và Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian ở thành phố Đà Nẵng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016.

Nhìn một cách tổng quát thì âm nhạc cổ truyền của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở Nam Trung Bộ, vẫn còn bảo tồn tương đối đầy đủ, nhất là các tộc người Cơ tu, Ca dong ở Quảng Nam; Cor, Hré ở Quảng Ngãi; tộc người Chăm h’roi, Ba na, Ê đê ở Phú Yên; tộc người Raglai, Ê đê, T’ring ở Khánh Hòa; tộc người Chăm, Raglai, K’ho, Chu ru ở Ninh Thuận, Bình Thuận…

Phần lớn các nghi lễ, lễ hội của các tộc người thiểu số khu vực này vẫn lưu giữ được và qua đó các sinh hoạt âm nhạc truyền thống vẫn tồn tại song hành, trong đó các bộ cồng chiêng vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong hệ thống nhạc cụ truyền thống của các tộc người này. Nhiều gia đình vẫn lưu giữ cồng chiêng như vật báu gia tộc, đồng thời có nhiều tộc người đã tìm đến làng Phước Kiều, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để nhờ người dân địa phương làm cồng chiêng cho làng mình. Đây là điều đáng mừng vì hiện nay, tình trạng chảy máu cồng chiêng rất đáng báo động tại một số tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên miền Trung và cao nguyên phía bắc Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu có dịp đi sâu vào các buôn làng của đồng bào thiểu số, chúng ta sẽ thấy một thực trạng đáng lo ngại khi hầu hết giới trẻ thờ ơ với âm nhạc dân gian của dân tộc mình. Tại các làng Chăm, thầy cúng - hát lễ và diễn tấu nhạc cụ trong các nghi lễ, lễ hội chỉ toàn người cao tuổi, hiếm khi có người trẻ tuổi tham gia, thậm chí có ngườì còn cho rằng những hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc mình không thiết thực và quá xa lạ với đời sống hiện đại. Đáng buồn là trước đây có nhiều học sinh ở một số trường dân tộc nội trú đã không muốn nhận mình là người dân tộc và quên khá nhiều vốn từ của dân tộc mình. Tiếng nói mẹ đẻ mà quên mất thì nói chi đến âm nhạc! Đến nay cồng chiêng vẫn còn được lưu giữ trân trọng trong các buôn làng, nhưng chỉ còn người già diễn tấu trong các dịp lễ hội, mà lễ hội tại các buôn làng trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay thì chỉ thi thoảng mới có, còn lễ hội cấp tỉnh cấp huyện thì xuân thu nhị kỳ. Đồng bào các dân tộc còn quá ít cơ hội để nghe và hát dân ca, dân nhạc, còn ít điều kiện để diễn tấu cồng chiêng trong cộng đồng của mình.

Trên toàn địa bàn Nam Trung Bộ, đã có một số công trình về âm nhạc cổ truyền được Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ tài trợ để thực hiện, song còn quá ít ỏi so với vốn quý di sản âm nhạc còn lặng lẽ ngân vang trong đời sống tinh thần các tộc người hoặc vẫn còn yên ngủ trong tiềm thức của cư dân thiểu số vùng cao Nam Trung Bộ.

Trước đây, có một số nhà nghiên cứu đã đề cập di sản âm nhạc cổ truyền Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, các công trình chỉ mới dừng lại ở dạng thức sưu tầm, phân loại mà chưa thực hiện phương thức bảo tồn bằng việc tổ chức phục dựng lại các thể loại âm nhạc dân gian, nhất là các loại hình nghệ thuật diễn xướng âm nhạc, nếu có, thì chỉ một vài thể loại âm nhạc rải rác ở một số địa phương. Chính vì thế, việc nghiên cứu, sưu tầm và phát huy toàn bộ vốn quý âm nhạc dân gian Nam Trung Bộ là một việc làm thiết thực và có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Trong nhiều năm qua Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã giao cho Viện Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật phối hợp với các tỉnh thành thực hiện các chương trình mục tiêu nhằm nghiên cứu sưu tầm các loại hình nghệ thuật dân gian nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của miền đất này trước khi nó bị mai một, thất truyền và biến mất theo những nghệ nhân cao niên đang dần dần từ giã cõi đời. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng tài trợ nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc dân gian hiện được lưu giữ cẩn trọng trong kho tàng di sản văn hóa của Hội. Hy vọng các nhà hoạt động văn hóa sẽ tiếp tục tìm ra những giải pháp mang tính chiến lược và những giải pháp mang tính tình huống về việc bảo tồn - phát huy di sản âm nhạc cổ truyền vùng Nam Trung Bộ trong thời kỳ hội nhập và phát triển, qua đó sẽ đề cao hai giải pháp cơ bản là bảo tồn trong trạng thái động (lưu giữ và phát triển trong cộng đồng) và bảo tồn trong trạng thái tĩnh (lưu giữ bằng các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu). Bởi vì, vấn đề quan trọng của việc bảo tồn là phải làm cho di sản âm nhạc cổ truyền vùng đất Nam Trung Bộ nói riêng và di sản âm nhạc Việt Nam nói chung sống được trong đời sống cộng đồng chứ không chỉ là tồn tại lặng lẽ trong các bảo tàng.

VĂN THU BÍCH

;
.
.
.
.
.