Điếc do nghề nghiệp là căn bệnh khá nguy hiểm, ngoài giảm sức nghe, chứng điếc nghề nghiệp có thể khiến người mắc bệnh chóng mặt, nhức đầu, bị stress, tăng huyết áp, nhịp tim bị co thắt, mắt nhìn không rõ, nhận định về màu sắc kém và bị quáng gà. Tiếng ồn trong các xưởng xản xuất dây chuyền sản xuất của nhiều nhà máy xí nghiệp, công trường xây dựng, làng nghề tư nhân, xưởng cơ khí… luôn là nỗi lo của người lao động.
Ông Ngô Văn Dũng đã dừng làm nghề cơ khí 2 năm do bị điếc sau 30 năm làm việc. Nhớ nghề, thi thoảng có khách đặt những sản phẩm bằng sắt đơn giản như xe rùa, ông vẫn nhận làm. Ảnh: Q.Tr |
Sống chung với tiếng ồn
Năm nay mới 52 tuổi nhưng ông Ngô Văn Dũng, (52 tuổi, thợ cơ khí ở đường Chương Dương, quận Ngũ Hành Sơn) đã “về hưu” được 2 năm. Ông cho biết, nghề cơ khí có tuổi thọ khá ngắn, “trụ” được đến đầu “5” như ông là con số hiếm. Sau hơn 30 năm làm nghề, “tài sản” mà nghề cơ khí để lại cho ông là căn bệnh lãng tai cộng với bệnh đau lưng và thoái hóa cột sống. Ông Dũng kể vui, thỉnh thoảng, ông và nhóm bạn cùng nghề rủ nhau vào quán nhậu là các bàn xung quanh chỉ có nước di chuyển đến chỗ khác thật xa vì các ông nói… quá to, ai cũng phải gào lên thì người bên cạnh mới nghe.
Anh V.T.C, 32 tuổi (quê Hiệp Đức, Quảng Nam) từng là nhân công tại xưởng của ông Dũng. Mới vào nghề hơn chục năm, đang ở tuổi thanh niên nhưng gần đây anh có biểu hiện “nặng tai”. Mỗi lần nói chuyện với bạn bè, anh C. nghe rất khó khăn, câu được câu mất, nhiều khi không theo kịp câu chuyện của bạn. Đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng, các bác sĩ chẩn đoán anh C. mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn trong một thời gian dài. “Ban đầu, tôi nghe kém, nhưng không bao giờ nghĩ mình bị điếc. Đúng là đôi lúc tôi nghe không rõ người đối diện nói gì nhưng chỉ chủ quan là do đối phương nói nhỏ quá thôi. Đến thời điểm nghe trong tai có tiếng ù ù cạc cạc, lúc này tôi mới quyết định đi khám thì biết mình bị bệnh. Hiện tại tôi đã ngưng làm nghề chứ đã lãng tai mà tiếp tục phải làm việc trong môi trường tiếng động lớn thì điếc đặc hồi nào không hay”, anh C buồn bã nói.
Có lẽ lãng tai sớm là căn bệnh phổ biến nhất mà những người thợ/công nhân làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn gặp phải. Nếu ai vô tình đến xưởng cơ khí dù chỉ 5 phút thôi sẽ thấy chóng mặt, ù tai chịu không nổi bởi tiếng dập sắt thép, tiếng máy cắt sắt, gò, hàn xì… vang lên. Vậy mà những người thợ, công nhân cơ khí vẫn ngày ngày làm việc từ 8-10 tiếng đồng hồ, phải chịu đựng thứ âm thanh chát chúa, nhức đầu nhức óc như vậy.
Ông Dũng chạnh lòng, chẳng một người dân nào muốn sống gần xưởng cơ khí. Nhiều lúc làm nghề mà bị hàng xóm rồi tổ trưởng dân phố đến phàn nàn, ông cũng rất buồn nhưng không biết phải làm sao vì đó là công việc mưu sinh của mình. Ông cũng hiểu cho láng giềng vì thực tế, 3 đứa con của ông mỗi khi đi đâu thì thôi chứ về đến nhà là lên gác đóng cửa ngay lập tức. Biết xưởng của mình gây khó chịu cho những người xung quanh nên ông cũng rất tế nhị, chỉ cắt sắt (việc làm gây tiếng động lớn nhất) vào những lúc gia đình hàng xóm đi làm hoặc không có nhà, còn những giờ nghỉ trưa, cơm nước, sum họp gia đình của họ thì ông ngưng tất cả máy móc, chuyển qua làm việc khác.
Con đường Huyền Trân Công Chúa dẫn vào quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, dài chưa đầy 800m nhưng có hơn 400 hộ sản xuất và kinh doanh hàng đá mỹ nghệ. Cách đây vài năm, qua lại trên con đường này, cảm hứng ngắm cảnh của du khách luôn bị ngắt quãng bởi tiếng máy cắt đá ồn ã từ các xưởng chế tác đá. Hiện tại, các xưởng này đều bị di chuyển ra phía ngoài danh thắng, chỉ còn một vài hộ chế tác nhỏ, lẻ. Những người thợ đến với nghề đá đều phải chịu đựng tiếng ồn từ máy cắt đá ầm ĩ cả ngày trong các xưởng.
Nghệ nhân Hoàng Lê Nam (sinh năm 1979, công ty TNHH Hoàng Lê Nam) làm nghề từ năm 16 tuổi, bộc bạch, xác định theo nghề thợ đá là phải chấp nhận làm việc trong môi trường nhiều tiếng ồn. Rất nhiều thanh niên háo hức đến với đá rồi ra đi vì chịu không nổi. Như tôi đây giờ mới xấp xỉ 40 tuổi, nhiều khi đang làm việc, có việc phải đi ra ngoài là tai ù đi, người đối diện nói gì cũng không nghe được. Hiện, xưởng chế tác của nghệ nhân Hoàng Lê Nam đang có 30 thợ làm việc. Trong đó, đa phần là thanh niên trẻ, người lớn tuổi nhất chỉ mới 40. Cách đây 15 năm, khi người thợ đá chỉ chế tác thủ công, chưa sử dụng máy móc thì số lượng thợ của ông luôn ổn định. Những năm gần đây, ngoài bụi bặm, bưng bê nặng nhọc, người thợ đá phải đối mặt với áp lực tiếng ồn lớn nên nhiều người chỉ làm nghề vài tháng rồi bỏ vì sợ ảnh hưởng sức khỏe.
Bệnh điếc nghề nghiệp đã đến mức báo động
Khảo sát của Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng năm 2016 về phòng chống các bệnh nghề nghiệp cho thấy: Tổng số người lao động tại thành phố Đà Nẵng đến khám bệnh nghề nghiệp là: 3.802 người. Tổng số người đến khám bệnh điếc nghề nghiệp là 519 người (chiếm tỷ lệ 13,7% trong các trường hợp đến khám bệnh nghề nghiệp), trong đó có 37 người nghi mắc bệnh điếc nghiệp. Có 28 người được chỉ định giám định bệnh thì có 25 người giám định bệnh điếc nghề nghiệp, chiếm tỷ lệ 89,3%.
Như vậy, dù chỉ có 13,7% tỷ lệ giám định bệnh điếc nghề nghiệp so với các bệnh nghề nghiệp khác, nhưng tỷ lệ mắc bệnh điếc nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong các bệnh nghề nghiệp được phát hiện: 89,3%. Thực tế, một số trường hợp điếc nghề nghiệp không bị ảnh hưởng khi trò chuyện bình thường khiến họ không nhận ra tình trạng của mình. Tuy nhiên, những người thợ/công nhân này có thể tăng nguy cơ bị tai nạn do không nghe tiếng còi báo động nguy hiểm khi làm việc hoặc còi xe khi đi lại trên đường phố.
Thực tế, điếc nghề nghiệp là căn bệnh khá nguy hiểm, ngoài giảm sức nghe, chứng điếc nghề nghiệp có thể khiến người mắc bệnh chóng mặt, nhức đầu, bị stress, tăng huyết áp, nhịp tim bị co thắt, mắt nhìn không rõ, nhận định về màu sắc kém và bị quáng gà. Thêm vào đó, người đã mắc chứng điếc thì dù sau này có ngừng tiếp xúc với tiếng ồn thì mức độ điếc vẫn không giảm do tiếng ồn đã tác động và làm hỏng tế bào nghe của ốc tai.
Bác sĩ Hoàng Thị Minh Thảo, Phó Trưởng Khoa sức khỏe Nghề Nghiệp, Trung Tâm Y tế Dự phòng TP. Đà Nẵng cho biết, người lao động mắc bệnh điếc nghề nghiệp có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Hầu như rất hiếm ca nghi điếc đến khám bệnh cho ra kết quả ngược lại. Trước đây, bệnh bụi phổi Silic thường chiếm tỷ lệ cao nhất (60-85%) nhưng hiện nay, tỷ lệ bệnh điếc nghề nghiệp mặc dù có dao động, qua các năm vẫn chiếm tỷ lệ trên 80% trở lên trong các bệnh nghề nghiệp được giám định. Đó cũng là hồi chuông cảnh báo đến người lao động, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh, cần phải quan tâm đến sức khỏe người lao động hơn nữa.
Các chuyên gia y tế cho rằng, con người có thể nghe được âm thanh từ 16 đến 20.000 Hz và nghe tốt nhất là từ 500 đến 4.000 Hz. Tuy nhiên, trên thực tế, những tiếng ồn trong các dây chuyền sản xuất của nhiều nhà máy xí nghiệp, công trường xây dựng, làng nghề tư nhân, xưởng cơ khí là rất lớn. Vì thế, để phòng căn bệnh nghề nghiệp nguy hiểm này, người lao động cần dùng dụng cụ chống tiếng ồn như nút tai, chụp tai hoặc mũ chụp tai. Bố trí giờ làm việc xen kẽ, chuyển đổi, tránh thời gian tiếp xúc với tiếng ồn kéo dài. Khi phát hiện điếc (tai ù, sức nghe giảm…), người lao động cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và điều trị càng sớm càng tốt. |
QUỲNH TRANG