Sông Hàn vốn là điểm nhấn đầy duyên dáng, thơ mộng của thành phố Đà Nẵng. Từ khi những cây cầu nhiều dáng vẻ lần lượt ra đời nối đôi bờ đông - tây, Đà Nẵng đã tạo ra sự thay đổi rõ nét về đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở khu vực bờ đông sông Hàn. Mỗi cuối tuần, khu vực này trở thành điểm nhấn của những hoạt động giải trí về đêm.
Tối chủ nhật 9-4, Câu lạc bộ Kèn hơi biểu diễn tại phía tây cầu Rồng. |
Những năm gần đây, triển khai chủ trương của UBND thành phố, ngành Văn hóa và Thể thao đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - nghệ thuật dọc hai bờ sông Hàn với tần suất ngày càng nhiều, đa dạng về thể loại và phong phú về nội dung. Nhiều chương trình nghệ thuật được tổ chức định kỳ hằng tuần đã tạo nên một không gian văn hóa - lễ hội và đã trở thành điểm hẹn quen thuộc, ấn tượng cho người dân và du khách khi đến với Đà Nẵng.
Từ sân khấu “bước” ra ngoài đời
Nghệ thuật Tuồng mấy năm gần đây đã “bước” từ sân khấu Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ra ngoài đời và “trụ” lại ở hai bên bờ sông Hàn. Mỗi tháng, tối chủ nhật tuần thứ nhất và tuần thứ ba diễn ở bờ tây cầu Rồng; tối Chủ nhật tuần thứ hai và thứ tư diễn ở phía đông cầu Sông Hàn.
NSƯT Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cho biết: “Trước chủ yếu diễn cho khách du lịch nên lui tới chỉ một chương trình; nay còn có phần lớn là khán giả là dân bản địa, bà con có ý kiến cho rằng chương trình quá cũ. Vì thế, năm nay chúng tôi dàn dựng hàng chục trích đoạn với định hướng chủ đạo là đưa những trích đoạn Tuồng truyền thống đặc sắc ra giới thiệu với công chúng. Đó là những trích đoạn có các nhân vật truyền thống được dàn dựng công phu với hình thức vũ đạo đẹp, có nhiều mặt nạ mang trính đặc trưng của nghệ thuật Tuồng được thay đổi qua các lớp lang của vở diễn - điều mà Tuồng dân gian không có”.
Nhìn chung, mỗi trích đoạn Tuồng có một nét độc đáo riêng, nhưng qua thăm dò, khán giả thích nhất 3 trích đoạn từ vở tuồng cổ Sơn Hậu là Kim Lân biệt mẹ, Ôn Đình chém Tá và Kim Lân qua đèo. Nếu khán giả đông thì diễn một mạch cả 3 trích đoạn này, nếu ít thì “cắt” ra làm 3 lớp để buộc khán giả quay lại lần sau xem cho trọn câu chuyện.
Sơn Hậu là tên một vở tuồng cổ khuyết danh của Việt Nam, được coi là vở tuồng cung đình kinh điển. Trong ba trích đoạn được chọn nói trên, xen kẽ các lớp diễn nặng nề, căng thẳng là những pha chọc cười của các nhân vật hề. Cái Hùng, cái Bi và cái Hài đan cài vào nhau rất khéo, làm cho mỗi vở diễn đều đem tới cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ thú vị. Ba trích đoạn nói lên đạo lý làm người ở đời, quyết tâm chống lại sự phản nghịch, tinh thần đồng đội,...
Ông Tuấn kể, một chuyên gia người Nhật xem xong, nói bên Nhật cũng có một vở kịch Noh (bộ môn kịch nghệ với những cử chỉ mang tính ước lệ như Tuồng của Việt Nam) có nội dung tương tự, nhưng phải cần tới một nghìn diễn viên mới diễn hết ý nghĩa, còn ở đây thì chỉ có mấy nhân vật thôi mà đã nói trọn được tinh thần của vở.
Lãnh đạo Nhà hát Tuồng cho biết thêm, đối diện bờ tây cầu Rồng là Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, một địa điểm quá tuyệt để đơn vị tổ chức các chương trình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa Chăm như: hòa tấu, độc tấu nhạc cụ, múa truyền thống, múa dân gian… Trong đó có kết hợp với dịch vụ chụp hình lưu niệm với trang phục Chăm, giới thiệu và bán hàng lưu niệm mang nét văn hóa Chăm…
Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng góp phần làm sinh động bức tranh đêm Đà Nẵng tại phía bắc bờ đông cầu Sông Hàn với tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc.Ảnh: V.T.L |
Bài Chòi nơi đầu cầu Rồng
Nếu Tuồng mang nghệ thuật truyền thống xuống phố thì bài Chòi góp mặt sắc màu văn hóa dân gian làm khuấy động không gian đêm Đà Nẵng được một năm nay. Theo ông Ngô Văn Bảy, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng, CLB Dân ca bài Chòi (trực thuộc Trung tâm) đã tạo được điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động, có sức hấp dẫn độc đáo giữa lòng thành phố hiện đại, thu hút khách đến đông, nhất là du khách. Đây là một hoạt động xã hội hóa, kinh phí tự thu và chi phí cho diễn viên trực tiếp tham gia biểu diễn.
Bài Chòi mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục tập quán của dải đất miền Trung nghèo khó vốn không được thiên nhiên ưu đãi. Có một thời gian dài, bài Chòi cùng với một số trò chơi dân gian khác đã bị rơi vào quên lãng bởi sự nghiệt ngã của chiến tranh, sự tất bật của con người trước nỗi lo cơm áo. Giờ thì nghệ thuật dân gian này đã đường hoàng quay lại ngay giữa phố thị Đà Nẵng. Hằng tuần, từ 19 giờ đến 21 giờ 30 các ngày thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật, nơi vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, phía đầu cầu Rồng, lại âm vang những giai điệu dân gian của bài Chòi.
Ngoài những lời cổ mà ai từng chơi vài hội bài Chòi đều biết đến cái dung dị mà hóm hỉnh của chúng, còn có một số lời mới ca ngợi vẻ đẹp của thành phố Đà Nẵng. Ông Trịnh Công Sơn, chủ nhiệm vừa là tác giả, đạo diễn CLB Dân ca bài Chòi, đơn cử như lời ca nói về con bài 6 Suốt: “Ta về tắm biển Mỹ Khê/ Một thời ghi dấu cận kề bên nhau/ Trời xe duyên trước cũng như sau/ Gian nan khó nhọc có nhau suốt đời”.
Cái hay của thể loại dân ca này là khiến cho khán giả/người chơi phải để tâm nghe đến câu cuối cùng mới biết đó là con bài gì như trò chơi thai đố. Chẳng hạn như lời hát này: “Sông Hàn cầu cuốn trăng suông/ Xuống lên đúng hẹn thông luồng ngược xuôi/ Hòa Xuân, Thuận Phước tới lui/ Ngày đêm Cẩm Lệ cầu vui ra vào/ Nước soi cầu Đỏ đường tàu/ Cầu Trần Thị Lý tình sâu nghĩa nồng/ Vén sương gió lọt cầu Rồng/ Cuối Đoài giọng hố, đầu Đông tiếng hò/ Cầu Nguyễn Văn Trỗi con đò/ Ngày lưu luyến bến, đêm to tỏ bờ…”.
Nghe một loạt cầu lần lượt xuất hiện, mọi người đoán già đoán non vẫn không sao nghĩ được con bài gì sẽ ra đây. Đến khi anh Hiệu hô tiếp hai câu “Đã yêu nhau chín đợi mười chờ/ Sao em nỡ vội sang bờ bồng con”, tất cả mới ồ lên, rằng đó là con Bát Bồng!
Mỗi nơi một vẻ...
Ai yêu thích nét đẹp văn hóa truyền thống thì đi xem Tuồng, chơi bài Chòi. Ai muốn hòa mình vào không khí sôi động, hiện đại thì vẫn có chỗ dành cho mình.
Tối chủ nhật hằng tuần, những nhạc công của CLB Kèn hơi đã để lại ấn tượng tốt trong công chúng và khách du lịch bằng những âm thanh vang vọng phố phường. Nhiều người bị lôi cuốn bởi các giai điệu tân kỳ, bèn hòa mình vào các điệu nhảy hiện đại. Rồi tối thứ bảy cuối mỗi tháng là Vũ hội Đường phố, một hoạt động mới, lạ đầy hấp dẫn, cuốn hút cả người dân và du khách tham gia. Cả trăm cặp nhảy lả lướt trên theo điệu diễn tấu của hội viên CLB Kèn hơi. Tất cả diễu hành qua phố, trong ánh mắt ngưỡng mộ của hàng ngàn người dân và du khách.
Định kỳ vào tối thứ bảy của tuần thứ hai và thứ tư mỗi tháng (năm nay bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 10), một chương trình âm nhạc đặc biệt là Âm nhạc đường phố được Trung tâm Tổ chức Sự kiện Lễ hội Đà Nẵng tổ chức trên tuyến đường du lịch Bạch Đằng.
Ông Trần Xuân Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm, kỳ vọng: “Với mục đích xây dựng một sản phẩm giải trí cho người dân và du khách tại tuyến phố du lịch Bạch Đằng, Âm nhạc đường phố không đặt nặng tính chỉn chu bài vở mà thiên về sự ngẫu hứng của các nghệ sĩ, ưu tiên các tiết mục hòa tấu nhẹ nhàng, trữ tình và những hoạt động giao lưu cùng khán giả. Địa điểm tổ chức và sân khấu cũng được thiết kế cũng tạo ra tính tương tác cao và gần gũi hơn khán giả. Tất cả đã làm nên một sân chơi âm nhạc hấp dẫn, thú vị và không kém phần riêng biệt”.
Âm nhạc đường phố là một trong những hoạt động thuộc trục lễ hội sông Hàn 2017, Trung tâm tiếp tục đầu tư, thay đổi nhằm nâng cao chất lượng chương trình và gây ấn tượng hơn đối với người dân và du khách, đặc biệt là du khách quốc tế. Trung tâm cũng đang nỗ lực tìm kiếm những gương mặt tài năng mới cũng như đầu tư hơn cho các loại hình biểu diễn: nghệ thuật đường phố, âm nhạc dân tộc…
Từ khi những cây cầu nhiều dáng vẻ lần lượt ra đời nối đôi bờ đông - tây, hai bên bờ sông Hàn mỗi cuối tuần trở thành điểm nhấn của những hoạt động giải trí về đêm. Truyền thống hòa quyện với hiện đại, khách có thể chọn riêng cho mình một loại hình rồi hòa vào với dòng người “trẩy hội”. Mỗi loại hình một vẻ, tất cả đã phác họa nên bức tranh văn hóa - văn nghệ trên trục lễ hội hai bên bờ sông Hàn, nhất là bờ Đông, nơi đã tạo ra sự thay đổi rõ nét về đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở khu vực này.
“Thuận lợi của chúng tôi hiện nay là có nguồn kinh phí, bộ khung nhân lực của đơn vị, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo ngành, sự phối hợp hỗ trợ của các đơn vị có liên quan... Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, khó khăn chung vẫn là nguồn kinh phí đầu tư ít nhưng chúng tôi luôn quan niệm phải đặt mục tiêu cao hơn, mọi chương trình phải bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức khi đưa ra biểu diễn phục vụ công chúng”. Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng Ngô Văn Bảy |
VĂN THÀNH LÊ