Với chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975, dân tộc ta đã hoàn thành xuất sắc ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh được gửi gắm trong Di chúc của Người: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là : toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” trong mong mỏi của Bác cũng đồng thời là mục tiêu thiêng liêng của cả dân tộc ta trong suốt thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ và giai đoạn đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Bình minh tại Công viên Biển Đông, Đà Nẵng. Ảnh: ĐÀO QUANG TUYÊN |
16 năm sau ngày 30-4-1975 lịch sử, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH với 6 đặc trưng cơ bản, sau đó được Đại hội X (2006) bổ sung thêm 2 đặc trưng, đồng thời cũng là mục tiêu hướng tới của dân tộc ta, trong đó có nội dung “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đại hội XI của Đảng (2011) tiếp tục nhấn mạnh đặc trưng nói trên: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Như vậy, mục tiêu “văn minh” đã được Đảng ta chú trọng nhấn mạnh, vừa tiếp nối truyền thống, vừa tiếp cận với thế giới văn minh hiện đại.
“Văn minh” là khái niệm mang nội hàm rất chung, rất rộng; có khi nó gắn với những phạm trù khá trừu tượng, nhưng cũng có khi nó đi liền với những hành vi cụ thể của con người. Chúng ta nói xã hội “công bằng, dân chủ, văn minh” cũng với nghĩa ấy, vừa chung rộng vừa cụ thể, chi tiết. Đã một thời, hình như chúng ta thiên về việc chú ý đến khái niệm văn minh theo nghĩa rộng, đề cập nhiều đến những “thời đại văn minh” , những “nền văn minh”. Trong chiến tranh, chúng ta đầy tự hào - một niềm tự hào chính đáng – khi nói đến cuộc chiến đấu của một dân tộc “mang cả 4.000 năm vào trận đánh” nhân danh cho một nền văn minh truyền thống “bốn mươi thế kỷ” chống lại những thế lực xâm lược dã man của thế kỷ XX, những tên “hung nô” của thời đại.
Nay đất nước hòa bình thống nhất, đang từng bước tiến lên văn minh hiện đại. Bên cạnh những tiêu chí lớn của một xã hội văn minh có liên quan đến văn minh vật chất lẫn văn minh tinh thần, văn minh trong quan hệ con người - môi trường, quan hệ giữa con người với nhau, văn minh trong tổ chức quản lý xã hội, văn minh trong chất lượng cuộc sống và lối sống, v.v... nhiều chủ trương cụ thể hơn, chi tiết hơn về lối sống, nếp sống văn minh đã được đề ra, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quan tâm chỉ đạo, tập trung theo dõi, đôn đốc.
Cộng đồng xã hội cũng dần dần quan tâm nhiều hơn đến những hành vi văn minh nhỏ bé, cụ thể hằng ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, mục tiêu xây dựng con người văn minh, xây dựng một dân tộc văn hóa hiện nay vẫn còn đặt ra nhiều thách thức lớn. Các nghị quyết gần đây đã thẳng thắn chỉ ra những vấn nạn và thách thức này.
Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998): “Nổi lên trước hết ở nhận thức tư tưởng, trong đạo đức và lối sống. Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ; không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Buôn lậu và tham nhũng phát triển.
Ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác gia tăng. Nạn mê tín dị đoan khá phổ biến. Nhiều hủ tục cũ và mới lan tràn... Nạn tham nhũng, dùng tiền của Nhà nước tiêu xài phung phí, ăn chơi sa đọa không được ngăn chặn có hiệu quả. Hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân, kèn cựa địa vị, cục bộ, địa phương, bè phái, mất đoàn kết khá phổ biến...”.
Riêng với thế hệ trẻ, nghị quyết cũng chỉ ra nhiều biểu hiện tiêu cực trong môi trường giáo dục đào tạo như “sự suy thoái đạo lý trong quan hệ thầy trò, bè bạn, môi trường sư phạm xuống cấp; lối sống thiếu lý tưởng, hoài bão, ăn chơi, nghiện ma túy... ở một bộ phận học sinh, sinh viên; việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ và các bộ môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn”.
Gần 20 năm sau, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) năm 2016 tiếp tục nhận định những khuyết điểm, hạn chế nêu trên không những “chưa bị đẩy lùi” mà “có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước.
Bên cạnh những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cơ chế “xin – cho”, “duyệt - cấp”; tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) còn nêu cụ thể những biểu hiện hàng ngày có liên quan đến nhân cách con người như các tệ nạn “đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”. Ngay trong những biểu hiện hằng ngày, cũng đã có biết bao hành vi thiếu văn minh được phô bày trước mắt nhưng cũng chưa được dư luận xã hội lên án và chưa được pháp luật xử lý.
Ở góc nhìn văn hóa, những biểu hiện như trên chính là hiện tượng “phi văn hóa”, “phản văn minh” đang tồn tại trong xã hội.
Về giải pháp giải quyết thực trạng này, các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch triển khai ở các cấp, các ngành, các lĩnh vực đã thể hiện rất đầy đủ. Dù có góp bàn thêm thì cũng là sự nhắc lại. Nhưng có lẽ điều nhấn mạnh cuối cùng vẫn là nhận thức, vấn đề tự giác của mỗi thành viên cộng đồng, bất kể ở hoàn cảnh sống hoặc cương vị xã hội nào, cả trong xã hội nói chung cũng như trong nội bộ những đảng viên cộng sản.
Nhưng nói đến tự giác bản thân và tác động của xã hội đến việc chuyển biến nhận thức cá nhân, làm cho những giá trị văn hóa văn minh “thấm sâu vào cuộc sống toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh” thì ai cũng hiểu rằng đây “là một quá trình cách mạng đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi nhiều thời gian” (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII).
Đây là quá trình kết hợp giữa rèn luyện của mỗi cá nhân với vai trò của giáo dục (giáo dục của nhà trường - từ tuổi mầm non; giáo dục trong gia đình và giáo dục ngoài xã hội - tạo tâm lý “biết xấu hổ” khi có hành vi thiếu văn minh trước đám đông).
Đồng thời một nhân tố quan trọng là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, kết hợp tự giác cá nhân với thực thi pháp luật. Bản chất con người Việt Nam có lẽ không phải là những người không biết đến những quy định tối thiểu của nếp sống văn minh, kể cả những nếp sống hiện đại nhất. Bằng chứng là khi đến những nước văn minh, ngoại trừ một số ít người thiếu ý thức, còn thì hầu hết người Việt đều tôn trọng pháp luật và những quy tắc ứng xử văn minh của nước sở tại. Như vậy, vấn đề còn ở tính nghiêm minh, răn đe của pháp luật.
Đã 42 năm xây dựng cuộc sống mới. Thật sự thì chưa phải đã giàu có sung túc đến mức ở đâu và lúc nào cũng chỉ toàn bàn chuyện văn hóa, văn minh, chuyện hưởng thụ văn hóa văn chương nghệ thuật. Nhưng chúng ta đang hội nhập với một nhân loại đang ngày một văn minh hơn, trí tuệ hơn với những đòi hỏi cao về tác phong văn minh ngay cả trong công việc, trong lối sống hằng ngày.
Vì vậy, đã đến lúc phải đề cập một cách “riết róng” chủ đề này. Xưa là chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Sau đó là chiến thắng nghèo nàn lạc hậu. Phải chăng xây dựng một xã hội văn minh, một dân tộc văn hóa cũng phải được xem là một sứ mạng hết sức vẻ vang mà cả dân tộc ta phải chung tay góp sức thực hiện trong bối cảnh tình hình hiện nay.
Mặc dù thực hiện sứ mạng này là cả quá trình lâu dài, phức tạp, tế nhị, “đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng” nhưng với tinh thần “đại thắng” như chiến thắng mùa xuân 1975 của dân tộc, nhất định chúng ta sẽ xây dựng một xã hội văn minh với đầy đủ những nội dung và ý nghĩa cao quý của nó, như lời kêu gọi của Đảng ta được thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII: “Toàn Đảng, toàn dân ta ra sức phấn đấu để Tổ quốc ta mãi mãi là quốc gia văn hiến, dân tộc ta là một dân tộc văn hóa, nền văn hóa nước ta không ngừng phát triển, xứng đáng với tầm vóc dân tộc ta trong lịch sử và trong thế giới hiện đại”.
NẠI HIÊN