Còi xe đủ chủng loại, âm lượng, có thể được phát ra ở bất kỳ đâu, bất kể thời gian nào, phớt lờ quy định, từ lâu đã là nỗi bức bối của người dân phố thị.
Tham gia giao thông ngày càng phức tạp, căng thẳng, người đi đường còn bị tra tấn, bất an bởi thứ không đáng là những tiếng còi vô tội vạ.Ảnh: T.T |
Khó chịu, bất an
Chị Vũ Minh Huyền (trú đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) kể, không ít lần chị suýt té ngã vì giật mình bởi tiếng còi xe. Con đường đưa đón con đi học từ Trường tiểu học Núi Thành về nhà xe cộ khá đông đúc, có nhiều ngã ba, ngã tư, nên mỗi ngày, chỉ đến khi lên giường nằm ngủ, chị mới thở phào nhẹ nhõm. “Tham gia giao thông bây giờ, sợ đủ thứ, ngay cả tiếng còi xe, tiếng động cơ thôi cũng khiến mình ám ảnh. Không ít người dừng đèn đỏ vẫn bấm còi inh ỏi, thật không hiểu nổi!”, chị Huyền ngao ngán.
Chị Lê Kim Oanh (trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) làm việc tại một văn phòng luật sư ở quận Hải Châu, sáng đi tối về đã 3 năm nay, nhưng cảm giác khó chịu bởi bụi bặm, cùng những âm thanh inh ỏi phát ra từ các “hung thần” xe ben đoạn từ cuối đường 2-9 đến cầu vượt Hòa Cầm về đến nhà vẫn luôn thường trực, dường như đây là chuyện “không thể quen”, mà càng ngày càng khó chịu hơn. Theo chị Oanh, khó chịu nhất là nhiều chiếc xe tải, xe buýt cứ đợi đến sát rạt người đi đường mới bấm còi, bảo sao họ không hoảng!
Còn ông Huỳnh Bửu (trú đường Ngô Quyền) không dấu sự bực dọc: nhà sát đường, gần ngã tư nên ngày nào gia đình ông cũng lãnh đủ thứ âm thanh còi xe từ mô-tô cho đến ô-tô. Ông Bửu cho biết thêm, để “sống chung” với còi xe, nhiều nhà mặt tiền đường đã lắp kính cách âm ngay trước nhà. Nhưng đó cũng chỉ là một giải pháp hạn chế một phần những tác động khó chịu từ còi xe, bởi “nhà không thể lúc nào cũng đóng cửa kín mít, rồi còn phải ra vào…”. Không chỉ những người dân sống ở gần các ngã tư, ngã năm, nhà mặt tiền các tuyến đường lớn, phố trung tâm hay người tham gia giao thông mới phải lãnh những âm thanh loạn xạ, vô duyên từ còi xe. Tại nhiều tuyến đường lâu nay được cho là khá bình yên với mật độ xe cộ còn thưa thớt, nhất là về đêm như Dương Vân Nga, Trần Thánh Tông, Bùi Huy Bích, Hồ Hán Thương… (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà), song, theo phản ánh của một số người dân, đặc biệt là người lớn tuổi thì nhiều đêm, sau 22 giờ, khi các gia đình chuẩn bị chìm vào giấc ngủ thì họ đã phải giật mình thon thót bởi những thứ còi xe quái dị, rú liên hồi. “Nhiều người già cả đêm đó, không tài nào chợp mắt lại được. Bây giờ ở khu vực này, nhiều chuyến xe buýt, xe du lịch đi vào hoạt động, không biết tình hình giao thông sắp tới còn phức tạp cỡ nào”, ông Nguyễn Hiền (trú đường Dương Vân Nga) lo lắng.
Chưa hết, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các điểm cấm còi xe bất di bất dịch lâu nay như trước cổng trường, cơ quan, bệnh viện…, nhưng nhiều tay “chơi còi” vẫn ích kỷ phớt lờ biển cấm.
Khó xử lý vi phạm
Có một nghịch lý vẫn tồn tại là, trong nhiều trường hợp không cần thiết, thậm chí làm phiền người đi đường, còi xe các loại vẫn rú lên inh ỏi. Ngược lại, có những trường hợp rất cần tiếng còi báo hiệu như xin vượt trước, hay trên những tuyến đường hẹp, ô tô đậu hàng dãy dài, bất chợt có một chiếc lù lù rẽ ngang ra đường, thì tuyệt nhiên lại không tiếng còi nào được cất lên, không đèn xi-nhan báo hiệu. Với người đi đường, gặp phải những trường hợp như vậy rất nguy hiểm, ông Nguyễn Nhan (trú đường Phan Châu Trinh) phản ánh.
Trao đổi về vấn đề này, Thiếu tá Thái Anh Tuấn – Đội trưởng Đội xử lý (Phòng Cảng sát giao thông (CSGT) thành phố) cho rằng, còi xe khi được sử dụng không đúng lúc, đúng nơi không chỉ gây cảm giác khó chịu cho người đi đường, mà còn ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường. Thực tế, trên cả nước đã ghi nhận nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm mà tiếng còi chính là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp. Song, lâu nay, các trường hợp xử lý vi phạm của phòng CSGT thành phố chủ yếu đối với những trường hợp xe không còi, không đèn, không gương chiếu hậu… Còn về các vi phạm về âm thanh, âm lượng còi xe, đều đã có quy định nhưng rất khó xử lý, xử phạt, bởi đây không phải là lỗi trực quan: tiếng còi thoáng cái rồi vụt mất, CSGT không thể lúc nào cũng mang theo máy ghi âm, ghi hình bên mình để ghi lại. Một cái khó cơ bản nữa là, hiện tại lực lượng CSGT chưa được trang bị thiết bị đo độ ồn, cường độ âm thanh, nên không có “căn cứ” để xử phạt. “Nhiều trường hợp biết đối tượng vi phạm sử dụng kèn hơi rành rành đó nhưng đành chịu”, Thiếu tá Thái Tuấn cho biết. Vì vậy, biện pháp chủ yếu được Đội sử dụng vẫn là tuyên truyền, nhắc nhở người tham gia giao thông. Vấn đề thuộc về nhận thức, ý thức của nhiều bộ phận, lứa tuổi người dân, nên không thể giải quyết ngày một, ngày hai. “Có điều, trước mắt, nếu được đề xuất giải pháp, thì chúng tôi rất mong lực lượng tuần tra, kiểm soát của CSGT sớm được trang bị các thiết bị cần thiết để thực thi nhiệm vụ, xử lý các vi phạm, trong đó, có vi phạm về còi xe”, Thiếu tá Tuấn đề xuất.
Tại các nước tiên tiến, tiếng còi xe chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp. Không nói đâu xa, mới đây, ngay tại địa phương lân cận là thành phố Huế - cũng là một thành phố đông khách du lịch, các cấp ngành liên quan đã cùng ngồi lại để đi đến một quyết định “không quá tốn kém” nhưng sẽ “tạo nên sự khác biệt” cho thành phố này. Đó là, bắt đầu từ tháng 5 này, thành phố Huế sẽ quyết tâm thực hiện cuộc vận động “Thành phố không tiếng còi xe”! Việc chỉ chọn một nội dung trong rất nhiều nội dung liên quan văn hóa giao thông, Huế quyết tâm đưa cuộc vận động này đi vào thực tế, hiệu quả. Và cũng để thấy rằng, đây chính là nội dung nổi cộm, là mối quan tâm chung.
Sử dụng còi xe trong tham gia giao thông chính là một trong những thước đo trình độ văn hóa, văn minh của một đất nước, thành phố. Vấn đề tưởng không có gì to tát, không quá khó để thực hiện, vậy tại sao chúng ta không thể?
Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ (ban hành tháng 5- 2016) về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có quy định: Xử phạt từ 100 – 800 nghìn đồng đối với ô-tô và 80 – 100 nghìn đồng (đối với mô-tô) khi mắc các lỗi: Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau; bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi trong đô thị, khu đông dân cư (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định). |
THANH TÂN