Qua 7 lần tổ chức, Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) đã trở thành sự kiện văn hóa du lịch lớn của Đà Nẵng, thu hút đông đảo người dân, du khách trong nước và quốc tế tham dự. Năm nay, DIFC chính thức được đổi thành Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) và kéo dài từ 30-4 đến 24-6, trở thành một trong những lễ hội kéo dài nhất từ trước đến nay của Đà Nẵng, hứa hẹn mang đến những bữa tiệc hoành tráng nhất về âm thanh và màu sắc như danh hiệu mà thành phố đã được tổ chức Du lịch thế giới World Travel Award vinh danh năm 2016 “Đà Nẵng, điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á”.
Ngay từ sớm, cả thành phố rộn ràng chuẩn bị cho sự kiện lớn này. Công tác lắp đặt khán đài, điểm bắn, sân khấu... khẩn trương được thi công, hoàn thiện. Các đơn vị lữ hành ráo riết chào bán tour du lịch xem pháo hoa, các nhà hàng, khách sạn chuẩn bị phòng, đội ngũ nhân viên để sẵn sàng phục vụ khách mùa cao điểm. Những dãy ghế ngồi dành cho khán giả dọc bên bờ sông Hàn phía đường Trần Hưng Đạo đang từng ngày được hoàn thiện khiến không ít người nôn nao, chờ đợi đến đêm khai mạc.
Thế nhưng, không ít người dân và du khách lại thấy lo lắng, ngần ngại về giá một số dịch vụ. Bình thường, những năm thành phố không tổ chức bắn pháo hoa, lượng du khách đến Đà Nẵng vui chơi, nghỉ ngơi mùa hè đã rất đông, các dịch vụ ăn uống khách sạn hầu như đều kín chỗ. Những năm có pháo hoa, để có được một “xuất” lưu trú qua đêm tại Đà Nẵng du khách thường phải đặt dịch vụ từ rất sớm. Tâm lý chung của người dân và du khách đến Đà Nẵng xem pháo hoa không chỉ cần có một chỗ để ngủ qua đêm mà còn kỳ vọng nhiều hơn thế. Đó là mong muốn có một kỳ nghỉ ngơi, vui chơi thật thoải mái. Người dân và du khách sẽ không thể thoải mái nếu đi đến các điểm vui chơi, xem pháo hoa, giá vé giữ xe không thu đúng như giá thành phố niêm yết. Du khách cũng chẳng thể vui nếu các dịch vụ ăn uống, giá phòng, giá vận tải đều “leo thang” theo sự kiện pháo hoa với những lý do như: “pháo hoa mà”; “mỗi năm mới có một lần”... rồi tình trạng chèo kéo, đeo bám bán hàng rong mọi lúc mọi nơi khiến du khách cảm thấy bị làm phiền... Dẫu biết rằng qua các mùa pháo hoa, các ngành chức năng của thành phố đã có các giải pháp để hạn chế những điều chưa tốt dưới các hình thức như yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; thường xuyên có các chuyến thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh lưu trú... Thế nhưng tình trạng “găm phòng”, nâng giá dịch vụ vẫn xảy ra, các cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát hết để xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm.
Ban tổ chức DIFF dự kiến mùa pháo hoa năm nay sẽ thu hút khoảng 2 triệu lượt khách đến với Đà Nẵng. Trước khi vào mùa DIFF, Sở Du lịch đã có tờ trình gửi UBND thành phố đề xuất ban hành quy định bình ổn thị trường với việc tăng không quá 50% giá dịch vụ lưu trú trong suốt thời gian diễn ra DIFF, nhưng theo Sở Công thương và Sở Tài chính, việc này gặp một số khó khăn nên về cơ bản, các ngành mới chỉ yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Và, trước khi có quy định và thực hiện quy định này thì các đơn vị lưu trú đều đã đẩy giá lên so với ngày thường.
Trong khi một số điểm đến khác trong cả nước đang ngày càng phát triển và thu hút khách thì việc chia sẻ thị trường là không tránh khỏi. Đà Nẵng đã xây dựng được thương hiệu pháo hoa và thu hút khách du lịch từ thương hiệu này thì việc giữ gìn thương hiệu cũng là giữ gìn hình ảnh của thành phố du lịch. Kinh doanh có văn hóa cũng là một trong những cách giữ chân du khách rất hiệu quả và phát triển du lịch bền vững. Mùa pháo hoa năm nay sẽ kéo dài trong 2 tháng, sẽ có 5 đêm để các đội trình diễn, du khách đến thưởng lãm pháo hoa có thể chia đều cho các đêm, việc lưu trú cũng được trải đều trong 2 tháng. Hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ban ngành, điệp khúc “chặt chém”, tăng giá sẽ không còn để DIFF thực sự là lễ hội của người dân và người dân sẽ được hưởng lợi từ sự kiện này.
HÀ KHUÊ