.

Vẫn là binh nhất, cột mốc mới viết về chiến tranh

.

Sau tiểu thuyết Thông tin đa chiều (NXB Trẻ 2016) viết về hoạt động báo chí của TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, mới đây nhà văn Trần Văn Tuấn tiếp tục trình làng tiểu thuyết Vẫn là binh nhất (NXB Văn hóa dân tộc 2017) viết về chiến tranh, gây ngạc nhiên người đọc ở một cây bút kề tuổi “xưa nay hiếm” và hiện là Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.

Nhà văn Trần Văn Tuấn và tiểu thuyết Vẫn là binh nhất.
Nhà văn Trần Văn Tuấn và tiểu thuyết Vẫn là binh nhất.

Ngạc nhiên bởi phần lớn những người viết văn xuôi thế hệ chống Mỹ như nhà văn Trần Văn Tuấn những năm gần đây ít xuất bản tác phẩm mới, hoặc chuyển hẳn sang đề tài mới mang tính thời sự hiện đại. Với họ có lẽ nhiệm vụ của nhà văn - chiến sĩ đã hoàn thành, chiến tranh không còn là nỗi ám ảnh. Nhưng với Trần Văn Tuấn thì khác, dù thực sự chỉ trực tiếp tham chiến trong vòng 7 năm, nhưng đề tài chiến tranh vẫn là nguồn cảm hứng chủ đạo trong số 35 tiểu thuyết của ông, mà đỉnh cao là Rừng thiêng nước trong và mới nhất: Vẫn là binh nhất.

Nhà văn Trần Văn Tuấn đã được nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2007 và Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật 2012 cùng với tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong. Tiểu thuyết này xuất bản lần đầu năm 2004 và cũng đã được trao Giải A Cuộc thi Tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải B Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 5 năm vào thời điểm ấy. Thật hiếm có tác phẩm văn học nào nhận được nhiều giải thưởng như Rừng thiêng nước trong. Đây là tiểu thuyết đầu tiên ở nước ta viết về một đơn vị hậu cần trong chiến tranh chống Mỹ, lấy bối cảnh vùng ven đô Sài Gòn vào thời điểm ác liệt nhất, sau đợt 2 cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968.

Vẫn nguồn mạch của Rừng thiêng nước trong với bối cảnh sau cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, nhà văn Trần Văn Tuấn lại dựng nên tiểu thuyết Vẫn là binh nhất. Độ lùi thời gian sau hơn 40 năm kể từ ngày đất nước hòa bình thống nhất đã giúp nhà văn có cái nhìn sâu sắc hơn, khách quan hơn, nhân bản hơn về một giai đoạn ác liệt của cuộc chiến tranh cứu nước mà ông trực tiếp tham dự. Ở đó, nhân vật chính là Hải, một thanh niên từ ngoài Bắc vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, được xây dựng với nguyên mẫu gần giống với tác giả tiểu thuyết, từ hoàn cảnh xuất thân đến dáng vẻ, tính cách và sự trải nghiệm với những nhiệm vụ cụ thể được giao phó. Và từ Hải đã nảy sinh với hàng loạt nhân vật đầy cá tính khác.

Đó là Cỏn cối xay, người cùng đoàn tân binh với Hải vào chiến trường, luôn tin và giải mã những giấc mơ, bị bệnh tưởng, hay lo sợ nên cơ thể ốm yếu. Đó là Phong, một sĩ quan đặc công đẹp trai, phóng khoáng, bản lĩnh tình cờ gặp và cứu mạng Hải khi cả hai cùng lạc rừng. Đó là Cường, một chỉ huy trinh sát gan góc, dũng cảm, đã bị trọng thương nát mất bộ phận sinh dục khi sát cánh với Hải trong một trận chiến. Đó là bác sĩ Mạnh, hộ lý Đào, Ba Hoa, Xuân và cả con người kỳ lạ Hai Sắt trong đội ngũ quân y cứu thương. Đó là Sơn Nam Trấn trong lực lượng hậu cần, giữ kho bí mật giữa rừng…

Không còn kiểu truyện một chiều ta tốt địch xấu, ta thắng địch thua, Vẫn là binh nhất thực sự là một tiểu thuyết được xây dựng công phu bằng trải nghiệm thực tế, cộng với tài năng, tri thức và trí tưởng tượng phong phú của nhà văn dưới góc nhìn nhân bản. Ở đó có tình đồng đội giữa chỉ huy với chiến sĩ, giữa lính cũ với lính mới, giữa lính tác chiến với lính quân y, hậu cần. Tình đồng đội giữa Hải với Phong, Cường, Cỏn cối xay, Sơn Nam Trấn thật cảm động.

Tình yêu giữa tân binh xấu trai Hải với cô hộ lý xinh đẹp Đào vốn là sinh viên văn khoa Sài Gòn thật nghịch lý và lãng mạn. Trong khi đó, tình yêu giữa chàng lính trinh sát Cường với cô y tá Ba Hoa vừa lãng mạn, khát khao vừa đớn đau, bi kịch, cả khi đứa con của họ ra đời cũng không cứu vãn được nỗi bi thương do bom đạn gây ra. Rồi cả mối tình sét đánh giữa “chú” đặc công lãng tử Phong với cô em bán hàng Xuân sau trận đánh Bình Long, để rồi chỉ trong một ngày từ “chú” chuyển thành “anh” mật thiết và gấp gáp như chính thời gian quay cuồng trên chiến trường mịt mù lửa đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh!

Có thể nói tiểu thuyết Vẫn là binh nhất đã đặt một cột mốc mới trên hành trình văn chương viết về chiến tranh của nhà văn Trần Văn Tuấn. Và tôi tin Vẫn là binh nhất cùng với Rừng thiêng nước trong của ông sẽ đứng được với thời gian.

Tất nhiên, sự nghiệp văn chương của Trần Văn Tuấn không chỉ có vậy. Riêng mảng tiểu thuyết ông còn có những cuốn tiểu thuyết từng được dư luận chú ý: Từ một chuyến tàu, Ngõ hẻm bên cầu, Người đàn bà bị săn đuổi, Kẻ lang thang, Ngày thứ bảy u ám, Đường đời vất vả, Đại gia tỉnh lẻ, Thông tin đa chiều,… Trong số đó, tiểu thuyết đầu tay của ông là Từ một chuyến tàu xuất bản năm 1984, ngay lập tức được Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể dựng thành phim và trình chiếu năm 1986. Nội dung tiểu thuyết là câu chuyện về một người lính sau ngày giải phóng miền Nam đã vượt qua nhiều khó khăn để nuôi dưỡng một đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi trên tàu, thật nhân ái và cảm động.

Bàn luận với chúng tôi về thể loại tiểu thuyết, nhà văn Trần Văn Tuấn nói: “Ai cũng biết, tiểu thuyết là một thể loại chủ lực của văn học. Diện mạo của văn học được thể hiện khá rõ từ diện mạo của tiểu thuyết. Đặc trưng của tiểu thuyết là sức hấp dẫn và tầm khái quát của đời sống con người, đời sống xã hội trong một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử nào đó. Cái khó nhất của tiểu thuyết chính là sự gắn kết hữu cơ giữa tính hấp dẫn và tầm khái quát, không có tư tưởng không phải là tiểu thuyết. Do vậy, khi viết đòi hỏi phải có năng lực tập trung cao, kiến thức xã hội sâu rộng, bộ nhớ tốt và vốn từ phong phú”.

PHAN PHÚ YÊN

;
.
.
.
.
.