Cuối năm 2016, nhiều người được thưởng lãm hai bức tranh với tên gọi “Biển gọi” và “Tài nguyên vô giá” trên hai bức tường tại hầm đi bộ phía tây cầu Rồng. Những màu sắc rực rỡ thể hiện phong cảnh thiên nhiên vô cùng tươi đẹp với núi non hùng vĩ, bờ biển trải dài… thu hút không ít du khách khi đến với Đà Nẵng.
Không gian mỹ thuật đường phố tại khu vực hầm đi bộ phía tây cầu Rồng không chỉ giúp tuyên truyền về giữ gìn môi trường biển mà còn góp phần làm đẹp cho không gian công cộng. Ảnh: H.K |
Hai bức tranh được họa sĩ Trần Hữu Dương, Phó khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng và các đồng nghiệp vẽ trên vải toan bằng sơn acrylic trong suốt 15 ngày. Mỗi bức tranh có kích thước 35,6x21m. Họa sĩ Trần Hữu Dương chia sẻ, trước khi có ý tưởng vẽ hai bức tranh này, anh đã dành thời gian nghiên cứu, tìm hiểu những không gian đường phố phù hợp có thể đặt được bức tranh. Cả hai bức tranh đều lấy màu xanh của biển làm màu chủ đạo để miêu tả sự sinh động trong lòng đại dương, sự bao dung của thiên nhiên đối với các sinh vật đang sống trong lòng biển… Thông qua đó, các họa sĩ gửi đến người dân thông điệp về việc giữ gìn, bảo vệ môi trường biển, tình yêu với biển, với thiên nhiên, yêu cái đẹp, đặc biệt hướng các bạn trẻ đến với những hoạt động có ý nghĩa thông qua các nghệ thuật đường phố. Từ ngày có tranh, hai bức tường bê-tông đơn thuần của đường hầm phía tây cầu Rồng sinh động hơn rất nhiều, trở thành điểm dừng chân của nhiều người dân và khách du lịch khi đi bộ qua đây. Và người dân cũng ý thức hơn, không còn lấy đường hầm làm nơi xả túi ni-lông, ly đựng nước nữa.
Khánh thành và đưa vào sử dụng giữa năm 2016, đường hầm băng qua đường Võ Nguyên Giáp ra biển trước khách sạn Holiday (mang tên Holiday Beach Subway) là một không gian công cộng có rất nhiều tiện ích. Không chỉ giúp người dân và du khách đi qua đường an toàn, Holiday Beach Subway còn là không gian giải trí dành cho trẻ em vui chơi như nhà banh, xích đu, không gian đọc sách, thưởng thức phim tại rạp chiếu phim 4D… Anh Trần Linh, quản lý bộ phận bán hàng trực tuyến và Marketing của Holyday Beach cho biết, Holiday Beach Subway là công trình được xây dựng phục vụ cho du khách của khách sạn và người dân khi muốn ra biển. Những ngày cuối tuần đường hầm này đã trở thành điểm đến của nhiều phụ huynh và các em nhỏ. Ngoài vui chơi, các em có thể tham gia lớp học nghệ thuật làm gốm và đất sét. Đây là những trải nghiệm khó quên không chỉ cho các em nhỏ mà cả những người lớn.
Những không gian công cộng như đường hầm phía tây cầu Rồng, Holiday Beach Subway… đã tạo nên diện mạo mới lạ, đẹp mắt cho thành phố biển Đà Nẵng, góp phần nâng đời sống tinh thần và tạo thêm điểm nhấn cho thành phố. Họa sĩ Trần Hữu Dương cho hay, trong năm 2017, các giảng viên khoa Mỹ thuật của Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng dự định tiếp tục tìm kiếm địa điểm để làm thêm không gian mới của nghệ thuật đường phố, đưa mỹ thuật đến gần hơn với người dân và du khách; góp phần khoác thêm những chiếc áo mới cho những không gian công cộng để có thể thu hút thêm nhiều du khách đến với Đà Nẵng.
Chắc hẳn nhiều độc giả vẫn chưa quên bức tranh gốm sứ đã làm thay đổi diện mạo của con đường đê dài gần 4km ở Hà Nội. Hay các họa sĩ Hàn Quốc đã “biến” làng chài Tam Thanh (tỉnh Quảng Nam) trở thành ngôi làng bích họa nổi tiếng với những hình ảnh miêu tả cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân địa phương, và nay làng chài trở thành điểm đến du lịch lý tưởng. Đà Nẵng là thành phố du lịch, việc đầu tư xây dựng các không gian công cộng như điểm dừng chân kết hợp với nơi giữ xe, công viên du lịch văn hóa, khu vui chơi trẻ em, các công trình mỹ thuật… chính là cách hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống, kết nối và gửi những thông điệp ý nghĩa tới người dân và du khách.
HÀ KHUÊ