Khi khởi xướng chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, trong đó cái “có” đầu tiên là “có nhà ở”, người Đà Nẵng muốn thể hiện khát vọng phổ cập không gian riêng tư cho hầu hết cư dân, phấn đấu hạn chế tiến đến xóa bỏ tình trạng một bộ phận cư dân hoặc không có chỗ ở phải lâm cảnh lang thang màn trời chiếu đất, hoặc phải sống chen chúc trong những căn nhà nhỏ hẹp. Thế nhưng con người vừa cần không gian riêng tư lại vừa cần không gian công cộng, đồng thời cần cả không gian sinh hoạt cộng đồng. Người Đà Nẵng - nhất là những người sống ở nội thành - rất cần không gian sinh hoạt cộng đồng để thỏa mãn nhu cầu giao tiếp, cũng là để tránh giam mình suốt ngày trong nỗi cô đơn do kín cổng cao tường then cài cửa đóng… Không gian sinh hoạt cộng đồng cũng là nơi người Đà Nẵng bảo tồn và quảng bá các di sản văn hóa phi vật thể của địa phương mình.
Đoàn phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) tổ chức hoạt động hè cho thiếu nhi. Ảnh: HÀ TRẦN |
Đà Nẵng đang thiếu trầm trọng không gian sinh hoạt cộng đồng - từ cấp thành phố cho tới khu dân cư. Công viên 29-3 ngày càng hấp dẫn bởi ở đây có nhiều cây xanh và quan trọng hơn là có hồ nước - quyết định sáng suốt của lãnh đạo thành phố cho đập tường bao phía đường Nguyễn Tri Phương càng tôn thêm vẻ quyến rũ của công viên này, thế nhưng hầu như đây là công viên duy nhất trong thành phố hiện nay đúng với nghĩa của từ “công viên”. Công viên Nước Đà Nẵng gần đình làng Nại Nam được đưa vào hoạt động từ năm 2002 với hồ tạo sóng, dòng sông lười, máng trượt bốn làn, máng trượt phao thuyền... nhưng do không đủ sức thu hút người dân và du khách nên đã phải đóng cửa vào năm 2009.
Đương nhiên có thể kể thêm Công viên Châu Á (Asia Park) đẳng cấp quốc tế trên đường Phan Đăng Lưu với nhiều trò chơi hấp dẫn tạo cảm giác mạnh nhưng đây là một cơ sở tư nhân, khó có thể gọi là “công viên” hay “không gian sinh hoạt cộng đồng” đúng nghĩa - ngay Công viên Nước Đà Nẵng nêu trên cũng chưa thể gọi là “công viên” đúng nghĩa bởi người dân phải mua vé mới được vào cửa. Còn Công viên Biển Đông nằm ở ngã ba đường Phạm Văn Đồng và đường Võ Nguyên Giáp, nơi có bức tượng nghệ thuật Mẹ Âu Cơ của nhà điêu khắc người Đà Nẵng Lê Công Thành, thực ra chỉ mới là sự tích hợp quảng trường vào bãi biển và đường ven biển, mà cũng chưa có nhiều cây xanh “xòe ô che nắng”.
Như vậy về quảng trường đúng nghĩa thì ngoài quảng trường Công viên Biển Đông vừa đề cập, chỉ có thể kể thêm quảng trường trước Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2 Tháng 9, chứ quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương do diện tích quá nhỏ cũng chưa đúng tầm một không gian sinh hoạt cộng đồng cấp thành phố. Chính vì thế trong nhiều thập niên người Đà Nẵng đã phải tích hợp quảng trường vào Sân vận động Chi Lăng khi tổ chức một số sự kiện chính trị quan trọng của thành phố.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu không gian sinh hoạt cộng đồng ở Đà Nẵng, nổi bật nhất là do thiếu mặt bằng/quỹ đất. Không gian trường học - nhất là với các trường ở khu vực trung tâm thành phố - ngày càng trở nên quá tải do sức ép của nhu cầu học trái tuyến, dẫn đến mặt bằng/quỹ đất trong khuôn viên nhà trường phải dành ưu tiên để xây thêm phòng học, từ đó không gian sinh hoạt công cộng không thể thiếu là sân trường còn không ngừng bị thu hẹp, huống chi những không gian sinh hoạt cộng đồng khác như sân bóng chuyền/bóng rổ/bóng đá... Hay công viên trước Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã phải nhường chỗ cho việc mở mang đường sá phát triển giao thông đô thị. Đà Nẵng được mệnh danh là “Thành phố của những cây cầu” nhưng chỉ hai đầu cầu Rồng là có mặt bằng để hình thành không gian sinh hoạt cộng đồng - trong tương lai nếu cầu Nguyễn Văn Trỗi trở thành cầu đi bộ thì Đà Nẵng mới có thêm không gian sinh hoạt cộng đồng ở trên và ở hai đầu cây cầu lịch sử này.
Tuy nhiên cái thiếu đáng lo ngại nhất là thiếu những hình thức sinh hoạt cộng đồng phù hợp và thường xuyên khiến cho không gian sinh hoạt cộng đồng hiện có chưa phát huy hết tính năng. Nhiều người từng tham quan Quảng trường Thời Đại/Times Square ở New York đều cảm nhận rằng hầu như quảng trường này không bao giờ ngủ - nếu đạt được tiêu chí này thì khát vọng quảng trường Chợ Hàn trong tương lai sẽ sánh kịp Quảng trường Thời Đại, mới có khả năng trở thành hiện thực. Trong khi đó xét về quy mô không gian - chạy dài từ mép nước sông Hàn đến đường Núi Thành và về tính thiêng liêng - với Đài Tưởng niệm những người có công với nước, thì quảng trường trên giao lộ đường 2 Tháng 9 và đường 30 Tháng 4 có ưu thế vượt trội, nhưng hiện nay quảng trường này chủ yếu chỉ sôi động vào dịp Tết cổ truyền khi nơi đây trở thành tụ điểm mua bán hoa và cây cảnh. Nếu có thêm nhiều hình thức sinh hoạt cộng đồng khác thì sức hấp dẫn của quảng trường này sẽ còn lớn hơn. Chẳng hạn với quy mô không gian và tính thiêng liêng vốn có ấy, hoàn toàn có thể làm cho nơi đây trở thành một địa điểm đón chào năm mới thường niên của người Đà Nẵng thay vì là tụ điểm mua bán hoa và cây cảnh vào những ngày cuối tháng chạp.
Nhu cầu về không gian sinh hoạt cộng đồng ở tầm vĩ mô toàn thành phố tuy rất lớn nhưng không phải duy nhất. Người Đà Nẵng ở trong các chung cư cao tầng còn cần những không gian sinh hoạt cộng đồng tại chỗ đúng nghĩa - chứ không phải là các hành lang chật hẹp ở từng tầng. Người Đà Nẵng còn cần những bãi biển công cộng và thời gian qua rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố đã có chủ trương thu hồi quỹ đất từ một số dự án đầu tư bất động sản ven biển để mở thêm bãi tắm công cộng cho người dân. Người Đà Nẵng còn cần những bờ sông đủ rộng để dạo chơi sớm sớm chiều chiều và không bị che khuất tầm nhìn để ngắm cảnh trời mây non nước…
Những ngày gần đây, mỗi khi đi dọc đường 2 Tháng 9 về phía đường Bạch Đằng, nhìn ra bờ sông Hàn đoạn từ chân cầu Nguyễn Văn Trỗi đến chân cầu Rồng, nhiều người Đà Nẵng thầm ao ước phải chi cả khu vực này trở thành một công viên - một rừng cây trong phố ven sông - thì quá đỗi tuyệt vời. Những người thực tế hơn thì nghĩ rằng ao ước như vậy chỉ là ảo tưởng, chỉ có trong cổ tích, bởi hầu hết quỹ đất đã được chia lô bán nền, giữ lại được một vài lô để có chỗ đặt vài ghế đá công viên làm không gian sinh hoạt cộng đồng là… ngoài mong đợi rồi. Thế nhưng những người lãng mạn vẫn hy vọng vào sự… đổi thay kỳ diệu ở phút 89, nhất là trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý cho điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
BÙI VĂN TIẾNG