.

Từ "kho báu" của người Cơ tu

.

Xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, là nơi tập trung nhiều khu du lịch nhất ở Đà Nẵng hiện nay. Ngoài Suối Hoa, Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành, Núi Thần Tài… mỗi nơi một vẻ làm đa dạng hóa các loại hình du lịch phía tây nam thành phố, đây còn có mô hình du lịch cộng đồng ở thôn Phú Túc được triển khai từ đầu năm nay.

 Bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu là một “kho báu” để phát triển du lịch cộng đồng tại Phú Túc. Ảnh: V.T.L
Bản sắc văn hóa dân tộc Cơ tu là một “kho báu” để phát triển du lịch cộng đồng tại Phú Túc. Ảnh: V.T.L

Khôi phục lễ hội văn hóa truyền thống

Trung tuần tháng Năm vừa rồi, huyện Hòa Vang tổ chức Liên hoan Văn hóa - Thể thao và phục dựng lễ hội truyền thống người Cơ tu năm 2017 tại nhà gươl thôn Phú Túc. Ngoài thôn Phú Túc “chủ nhà”, còn có hai thôn bạn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc) và đặc biệt là có sự tham gia trên 30 đồng bào Cơ tu đến từ thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Không phân biệt địa bàn cư trú, tất cả mọi người chia sẻ nhau từ điệu múa, điệu hát lý cho đến những món ăn truyền thống, những trò chơi dân gian.

Tiếng cồng, tiếng chiêng vang dậy một góc trời, giữ nhịp cho đàn ông chắc điệu Tung tung, cho phụ nữ dịu dàng Da dá, nhún nhảy mấy vòng quanh cây nêu dựng trước sân. Chủ nhà Phú Túc mang đến liên hoan, ngoài các điệu múa truyền thống, còn có các tiết mục hát múa nhi đồng do cô giáo Lê Thị Quý  ở Trường mầm non Hòa Phú khu vực Phú Túc dàn dựng. Có bài được hát bằng cả tiếng Kinh lẫn tiếng Cơ tu.

Từ khi tỉnh lộ ĐT 604 được nâng cấp thành quốc lộ 14G, đường sá trở nên thông thoáng hơn, khách du lịch lên đây đông hơn. Hôm đó, các hoạt động đình đám mang bản sắc dân tộc Cơ tu trong khuôn viên nhà gươl đã níu chân du khách qua lại trên đường, trong đó có cả những người nước ngoài. Họ dừng chân vào xem, dùng các thiết bị ghi hình lưu lại những gì mình gặp trên chặng đường du lịch.
Đến trưa, chương trình biểu diễn văn nghệ khép lại và mở ra hoạt động được mọi người nóng lòng chờ đợi: giới thiệu những món ăn Cơ tu độc đáo. Cá niên nướng, ốc đá um, bánh sừng trâu, cơm lam,… tất cả được trưng bày theo cách riêng của từng đơn vị. Thôn Phú Túc có thêm món lá sắn xào, thịt heo nấu ống tre, rau dớn xào tỏi, bày quanh bàn tròn, ở giữa nghễu nghện một ché rượu cần – sản phẩm vừa được ông Lê Văn Nghĩa, nguyên trưởng thôn Phú Túc, tái sản xuất. Hồi cuối tháng Ba, ông cũng mang rượu cần xuống giới thiệu tại “Ngày Văn hóa Cơ tu” lần thứ hai tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Sau gần 5 năm khôi phục sản xuất, loại rượu đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên mang nhãn hiệu “Rượu cần Phú Túc” đã bắt đầu lọt vào “mắt xanh” của các nhà kinh doanh du lịch. Ông Nghĩa kể, đại diện Công ty TNHH MTV Nguyễn Eco (quận Cẩm Lệ) đã liên hệ với ông để liên kết mở tour đưa du khách lên đây trải nghiệm văn hóa dân tộc Cơ tu, trong đó có rượu cần. Khách đến với liên hoan, không quên ghé lại tham quan gian hàng của gia đình ông, nhiều người mua vài ché rượu, mang chút quà núi rừng về với phố thị.

Liên hoan diễn ra gần hai ngày, không chỉ nhằm bảo tồn văn hóa mà còn quảng bá hình ảnh du lịch Phú Túc nói riêng và du lịch cộng đồng người Cơ tu huyện Hòa Vang nói chung.

Một điểm đến, 5 sản phẩm du lịch

Nói về tiềm năng du lịch của Hòa Phú, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) huyện Hòa Vang cho biết, đơn vị đang kết hợp với Công ty TNHH MTV Nguyễn Eco và UBND xã Hòa Phú xúc tiến xây dựng tour lửa trại – cồng chiêng vào ban đêm, dự kiến sẽ “trình làng” vào giữa tháng 6 này. Sau liên hoan nói trên, ông Tân cho “tung” cái trailer (các đoạn phim quảng cáo cho một bộ phim hoặc một chương trình nghe nhìn) lửa trại và cồng chiêng đồng bào Cơ tu lên mạng, khách nước ngoài, đặc biệt là Hàn Quốc cứ nằng nặc đòi lên cho bằng được. Vì thế, đây hứa hẹn sẽ là một hoạt động đình đám giữa sự hoang dã của đại ngàn với lửa rực lòng người, chiêng vang dậy núi.

Sau đó, đơn vị sẽ mở thêm loại hình mát-xa và ngâm chân bằng thảo mộc người Cơ tu, nâng tổng số sản phẩm trọn gói tour Phú Túc lên con số 5. Trong đó, 3 sản phẩm đang khai thác thử nghiệm gồm: Thăm cơ sở sản xuất rượu cần của ông Lê Văn Nghĩa và thực hành sản xuất rượu cần; xem biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng và học đánh cồng chiêng; thưởng thức ẩm thực của người Cơ tu.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, phần lớn khách đến Phú Túc là khách quốc tế, thuộc thị trường Hàn Quốc, châu Âu, Nhật và Úc. Tất cả đều phản hồi tốt về các sản phẩm du lịch Phú Túc và góp ý phát triển thêm sản phẩm cho chương trình tour thêm đa dạng.

So với Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), điểm đến Phú Túc tuy chỉ mới ở vạch xuất phát nhưng đầy tiềm năng. Phú Túc thuộc “tuyến đầu” của cụm các khu du lịch sinh thái phía tây nam Đà Nẵng, bên quốc lộ 14G nối lên Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang – một địa thế trời cho để phát triển du lịch.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó phòng VH-TT huyện Đông Giang, quê gốc ở Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), cha chị nguyên họ Alăng, tập kết ra Bắc đổi thành họ Nguyễn. Gặp những người đồng hương tại liên hoan nói trên, chị hát bài Người quê em do nhạc sĩ Trần Quế Sơn sáng tác phỏng theo dân ca Cơ tu, có đoạn: “Người Cơ tu em, thương ai thương như thể một nhà. Người Cơ tu em, yêu ai cho hết cả đời mình…”. Và chị không quên gửi gắm một lời khuyên về phát triển du lịch ở Phú Túc từ kinh nghiệm Bhờ Hôồng: Nếu đã yêu hết mình cái kho báu văn hóa của người Cơ tu thì phát triển du lịch ở các địa chỉ cư trú của người Cơ tu không khó!

“Mô hình du lịch cộng đồng tại Phú Túc được Phòng VH-TT huyện Hòa Vang và UBND xã Hòa Phú học hỏi từ Làng du lịch cộng đồng Bhờ Hôồng (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) và tham khảo tài liệu hướng dẫn của Quỹ châu Á (The Asia Foundation – TAF). Trong thời gian qua, Phòng VH-TT và UBND xã Hòa Phú liên kết với doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào việc phát triển năng lực cộng đồng, phát triển kỹ năng làm du lịch cho đồng bào Cơ tu và thử nghiệm một số sản phẩm. Khi mọi việc ổn định thì sẽ chuyển giao cho cộng đồng tự vận hành, quản lý”.

Trưởng phòng VH&TT huyện Hòa Vang Đỗ Thanh Tân.

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.