Máy đèn chiếu

.

* Thời còn trẻ con, tôi thường được bố mẹ đưa đi xem các phim đèn chiếu được chiếu bằng máy đèn chiếu rất thô sơ ở ngoại thành Hà Nội. Giờ đây, con trai tôi gọi cái thiết bị chiếu hình từ máy vi tính lên màn hình cũng là máy đèn chiếu. Theo tôi biết thì gọi như thế rất dễ gây nhầm lẫn, làm thế nào để phân biệt hai loại máy một xưa một nay có cùng tên này? (Hoàng Mỹ, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Chiếc máy đèn chiếu đầu tiên của thế giới (ảnh trên) và máy chiếu hiện đại (projector). Nguồn: Internet
Chiếc máy đèn chiếu đầu tiên của thế giới (ảnh trên) và máy chiếu hiện đại (projector). Nguồn: Internet

- Nhiều tài liệu, sách báo đã gọi cả loại máy này bằng cùng một tên là “máy đèn chiếu”. Tạp chí Việt (tapchiviet.info) đã định nghĩa máy đèn chiếu như sau:

“Máy đèn chiếu (còn gọi là máy chiếu phim tĩnh) là loại máy để chiếu phim dương bản, hình ảnh không chuyển động. Có loại đơn giản điều khiển bằng tay, có loại điều khiển tự động hoặc điều khiển từ xa. Máy đèn chiếu gồm các bộ phận: ống kính, hệ thống lấy nét, nguồn sáng, thiết bị làm nguội (quạt và kính chống nhiệt), ngăn lắp phim. Phần lớn các máy chiếu hiện nay dùng hộp ngăn đựng phim đã vào khung (36 - 50 kiểu), ngăn phim hộp tròn chứa tới 100 - 140 kiểu, chiếu liên tục theo chế độ liên hoàn tự động”.

Loại máy đèn chiếu này được nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến mô tả trong bài viết “Kể chuyện đi xem phim rạp ở Hà Nội thời đầu giải phóng” đăng trên Báo An ninh Thủ đô ngày 31-5-2017: “Để có phim chiếu cho thiếu nhi xem, năm 1960, Sở Văn hóa Hà Nội thành lập Xưởng phim Đèn chiếu. Các họa sĩ của xưởng vẽ trên giấy sau đó chụp lại bằng máy ảnh. Khi chiếu, một người cho từng tấm phim âm bản qua máy phóng lên màn ảnh, người khác thì thuyết minh nội dung. Phim đèn chiếu được các đội lưu động mang chiếu ở các huyện ngoại thành, thu hút rất đông trẻ em”.

Ngày nay, nhờ các ứng dụng của công nghệ thông tin, người ta sản xuất loại máy chiếu vi tính. Các thông tin về hình cần chiếu (văn bản, bảng, biểu, hình vẽ, ảnh,...) được số hóa ghi vào đĩa nhớ rồi đưa vào máy vi tính điều khiển chiếu hình. Hình đang chiếu bằng thiết bị này có thể được xử lý các kỹ thuật mà máy đèn chiếu thuộc “thế hệ cũ” không làm được như: cắt, dán, cẩn chữ, đổi màu,...

Trang vugiajsc.com.vn (Công ty Cổ phần TM & DV Vũ Gia) gọi thiết bị chiếu hình hiện đại này là Máy chiếu (Projector) và giải thích: “Máy chiếu là một thiết bị có bộ phận phát ra ánh sáng và có công suất lớn, cho đi qua một số hệ thống xử lý trung gian (để từ một số nguồn tín hiệu đầu vào) để tạo ra hình ảnh trên màn chắn sáng mà có thể quan sát được bằng mắt”.

Từ điển Lạc Việt (tra trực tuyến tại tratu.coviet.vn) phần Anh – Việt phân biệt rõ ràng hai loại máy này. Projector: (thuật ngữ tin học) máy chiếu. Overhead projector (OHP – thuật ngữ Toán và Tin): máy chiếu qua đầu (dịch sát nghĩa từ overhead – ĐNCT); máy đèn chiếu.

Từ điển Oxford Advanced Learner 8th còn phân biệt, so sánh hai loại máy. Cũng là projector (máy chiếu) nhưng nếu chiếu phim slide từng tấm rời (phim đèn chiếu) thì gọi là slide projector; nếu chiếu phim từ dữ liệu và hình ảnh của máy tính thì gọi là data projector.

Máy chiếu (projector) thường dùng để thuyết trình bài giảng, chiếu phim tư liệu,... Máy được kết nối với dữ liệu có sẵn trong máy vi tính, không cần sử dụng đến phim như những loại máy phim đèn chiếu truyền thống. Phim được sử dụng trong máy chiếu phim đèn chiếu thế hệ mới này được tạo thành bởi phần mềm Powerpoint, một phần mềm chuyên dùng để tạo ra phim đèn chiếu và điều khiển máy phim đèn chiếu.

Để phân biệt hai loại máy chiếu này tránh sự nhẫm lẫn đáng tiếc, theo chúng tôi, nên thống nhất gọi máy chiếu truyền thống là “máy đèn chiếu”, máy chiếu hiện đại (projector) là “máy chiếu”.

ĐNCT

;
.
.
.
.
.