Phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội

.

Nếu có một cuộc bầu chọn con phố lãng mạn và đẹp nhất Hà Nội, có lẽ  không con phố nào vượt được phố Phan Đình Phùng. Con phố này đẹp và lãng mạn bởi nhiều lẽ. Thứ nhất đó là con phố có hàng cây xanh thuộc vào loại đẹp nhất của thành phố, phố có ba hàng cây xanh và vỉa hè rộng rãi, thoáng mát. Những cây xanh trên phố đa phần là những cây sấu có tuổi thọ cả trăm năm. Hàng cây khép tán che kín lòng phố từ lâu, mùa hè hay bất cứ mùa nào, người đi đường cũng được che mát bởi màu xanh và nghe thấy tiếng gió rì rào trên các tán lá.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Những cây sấu ở phố Phan Đình Phùng có tuổi đời trăm năm đã trở thành những gốc cây cổ thụ kềnh càng, biến thiên thành nhiều hình dạng, có những gốc cây trông giống những vách thuyền, có những gốc lại giống như một vòm hang đá, lại có những gốc như một con bạch tuộc khổng lồ với rất nhiều tua vòi tỏa ra các hướng. Nói về sự lãng mạn và thanh bình của những cây sấu phố Phan Đình Phùng thì nói mãi không hết, đặc biệt vào mùa sấu thay lá cuối xuân, đầu hè. Lá sấu rụng vàng xanh cả hè phố, mỗi khi gió thổi thì có một cơn mưa lá sấu trút trên đường, vì thế con phố luôn có đông người đến đi dạo và chụp ảnh, đặc biệt là những bạn trẻ và khách du lịch.


Phố Phan Đình Phùng còn đẹp bởi lịch sử của mình. Con phố mang tên nhà trí thức yêu nước nổi tiếng, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê có quy mô lớn và dài nhất trong phong trào Cần vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX. Phan Đình Phùng nổi tiếng là một người cương trực, thẳng thắn, khi Hoàng Cao Khải viết thư dụ hàng, ông đã trả lời dứt khoát rằng: “Tôi đã quyết làm cái công việc của vua (Hàm Nghi) ủy thác, dân trông mong tới cùng, thì dầu cho sấm sét búa rìu, quyết cũng không lay chuyển và thay đổi chí hướng được”. Và cuối cùng, không chịu khuất phục cường quyền, ông đã hy sinh anh dũng vì vết thương quá nặng sau một trận giao tranh ác liệt với quân triều đình.

Trên phố Phan Đình Phùng cũng có rất nhiều biệt thự của Pháp còn lại. Có thể nói những biệt thự đẹp nhất mà người Pháp xây dựng ở Hà Nội hầu hết đều nằm trên con phố này, với những kiến trúc đa dạng, từ phong cách tân cổ điển, Pháp - Hoa, Đông Dương cho đến Địa phương Pháp… Con phố cũng được người Pháp quy hoạch gần như mẫu mực với những biệt thự ở khoảng cách hợp lý, vỉa hè rộng và cây xanh được trồng từ rất sớm. Trước Cách mạng tháng Tám, phố Phan Đình Phùng được gọi là đại lộ Các-nô (boulevard Carnot), là một phố lớn của Hà Nội từ thời Pháp.

Trên phố Phan Đình Phùng ngày nay là rất nhiều cơ quan Trung ương quan trọng đóng ở những biệt thự được bảo tồn và xanh mát bóng cây. Và thêm vào sự giàu có về cây xanh của mình, Phan Đình Phùng có lẽ là con phố duy nhất của Hà Nội có hai vườn hoa ở đầu và cuối phố. Phía đầu phố là vườn hoa Vạn Xuân (trước đây gọi là vườn hoa Hàng Đậu) và cuối phố là vườn hoa Mai Xuân Thưởng, mé gần hồ Tây. Ngoài sấu là loài cây tiêu biểu nhất thì phố còn có xà cừ, sưa trắng, sưa đỏ, đặc biệt những cây sưa trắng mỗi mùa xuân về lại nở bung những vòm hoa trắng li ti, tinh khiết đến nao lòng ...

Tôi đã nhiều lần đi dạo trên phố và thấy cái thanh bình, cổ kính của phố xá Hà Nội. Vào những ngày đầu tuần là những bóng áo dài thấp thoáng của nữ sinh Trường THPT Phan Đình Phùng. Ngôi trường có lịch sử gần trăm năm và sánh vai với các trường nổi tiếng của thủ đô về bề dày truyền thống như Chu Văn An, Trần Phú - Hoàn Kiếm, Việt Đức… Trường Phan Đình Phùng thành lập năm 1923 với tên ban đầu là École Normale Supérieun Đỗ Hữu Vị, người phi công đầu tiên của Đông Dương phục vụ trong quân đội Pháp trong thế chiến thứ nhất, người được đích danh Toàn quyền Pháp Albert Sarraut nhờ giúp đỡ để xây dựng những cơ sở cho cơ quan hàng không thuộc địa và Đỗ Hữu Vị nổi tiếng đến mức được in hình trên con tem phát hành khắp Đông Dương…

Phố Phan Đình Phùng cũng là phố với những hàng hoa yên bình, giản dị; không khó để nhìn thấy những chị hàng hoa với chiếc xe đạp với một thúng hoa buộc ở poóc-ba-ga đủ màu sắc: loa kèn tháng tư, hoa sen đầu hạ, cúc vàng sang thu, cúc họa mi đầu đông…  Khi nhìn thấy những hàng hoa này ai cũng muốn dừng lại để chụp ảnh hay mua một bó để thỏa lòng yêu cái đẹp.

Trên phố Phan Đình Phùng cũng có những hàng ăn bình dân rất dễ thương. Một người đàn bà trung niên quê Nam Định bán hàng miến trộn, bún riêu ở một góc phố đã chục năm trời. Sự cần mẫn bất kể nắng mưa của chị và những bát miến có đủ màu sắc của rau muống xanh, vàng của lạc nhân xát vỏ kết hợp với những miếng thịt bò thái mỏng xoăn tít đã làm ấm lòng những anh xe ôm, bác bảo vệ, chị công chức mỗi buổi trưa không kịp về nhà. Không xa hàng bún riêu là một người đàn bà quê Thái Bình chuyên bán đậu phụ mắm tôm trên những cái mẹt nhỏ. Những miếng đậu vàng óng, nóng hổi, bát mắm tôm ngầu bọt màu hồng bởi vị chanh được điểm tô thêm những lát ớt đỏ và một ít mỡ sôi, tạo ra một mùi thơm đặc trưng khiến thực khách phải hít hà, xuýt xoa. Một món ăn tuy giản dị, dân dã nhưng ngon miệng và lúc nào cũng đông khách. Hai người đàn bà, hai quê quán, hai số phận và sự cần cù, khéo tay của họ đã mang đến cho thực khách những món ăn ngon mỗi buổi xa nhà.

Phố Phan Đình Phùng yên ả trong sự ồn ào, đông đúc của một đô thị lớn và bất cứ khi nào đi trong con phố đó, dưới bóng mát của những cây sấu, cây xà cừ cổ thụ, thấy thấp thoáng những biệt thự Pháp màu vàng ẩn mình trong những tán cây, dù đường phố có tấp nập thế nào cũng thấy yên bình, nhẹ nhõm và thêm trân quý những góc yên bình, xanh mát và cổ kính của Hà Nội.

UÔNG TRIỀU

;
.
.
.
.
.