Mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, lần đầu tiên các trường cao đẳng (CĐ - không đào tạo sư phạm) và các trường trung cấp (TC) được chuyển hẳn về một đầu mối quản lý là Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH). Việc chậm trễ trong các khâu liên quan đến tuyển sinh khiến các trường CĐ, TC gần như bị động và gặp rất nhiều khó khăn.
Việc tuyển sinh cao đẳng, trung cấp năm nay có thay đổi gây khó khăn bước đầu cho cả nhà trường lẫn học sinh. TRONG ẢNH: Cựu học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám nhận học bạ, chứng nhận điểm để xét tuyển đại học, cao đẳng. Ảnh: THIÊN LAM |
Khi nói về công tác tuyển sinh năm 2017, TS Đinh Văn Tuyên, Hiệu trưởng Trường CĐ Thương mại Đà Nẵng cho biết: “Những năm trước, thời điểm học sinh (HS) làm hồ sơ xét tuyển ĐH thì thông tin về các trường CĐ, TC đã đến được với HS. Năm nay, Bộ GD&ĐT chỉ còn quản lý các trường ĐH và hệ sư phạm của các trường CĐ. Chính vì vậy mà trong quyển “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ” của Bộ GD&ĐT đã không còn những thông tin của các trường CĐ không đào tạo giáo viên nên thông tin của các trường CĐ đến HS THPT rất hạn chế, gần như là không có nếu các trường CĐ chúng tôi không chủ động trong công tác tiếp cận thí sinh”.
Bên cạnh đó, theo như TS Đinh Văn Tuyên, việc các trường CĐ tiếp cận thí sinh để giới thiệu về trường và làm công tác tư vấn tuyển sinh cũng không thuận lợi như những năm trước: Xác định công tác tuyển sinh năm nay sẽ rất khó khăn do đang ở giai đoạn chuyển giao, chính vì vậy, từ tháng 3, chúng tôi đã triển khai đến các địa phương trong khu vực miền Trung để chủ động tiếp cận thí sinh. Thế nhưng, do không có văn bản phối hợp của cơ quan chủ quản các cấp, từ cấp Bộ đến cấp Sở LĐ-TB&XH nên gần như là các trường CĐ phải “tự bơi”. “Thậm chí, có những trường phổ thông, khi chúng tôi đặt vấn đề, đã hỏi thẳng nhà trường có giấy đăng ký nghề nghiệp hay không, trong khi quyết định thành lập trường được Bộ cấp phép hẳn hoi”, TS Tuyên chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Ngọc Việt, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Phương Đông cho biết: “Việc Bộ GD&ĐT không hạn chế nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH khiến cho thí sinh “rộng cửa” vào ĐH, cộng với tâm lý HS và phụ huynh và cả xã hội vẫn còn “sính” bằng ĐH càng khiến cho các trường CĐ khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh”. Ông Lê Ngọc Việt cũng rất thẳng thắn:
“Dù Tổng cục Dạy nghề có ban hành cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh CĐ, TC năm 2017” nhưng cuốn sách này đến với HS phổ thông là không dễ. Trong khi đó, Bộ GD&ĐT có hẳn cổng thông tin tuyển sinh, thí sinh có thể dễ dàng tìm hiểu các thông tin liên quan đến tuyển sinh của các trường ĐH và CĐ nhóm ngành đào tạo GV. Những HS nào thực sự quan tâm đến trường CĐ thì gần như phải tự tìm hiểu thông tin”.
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo như TS Đinh Văn Tuyên, là do không có sự chuẩn bị chu đáo, thậm chí là chậm trễ trong hướng dẫn công tác tuyển sinh ở giai đoạn chuyển giao cơ quan chủ quản khiến các trường CĐ chới với như bị “thả ra ngoài biển, ai bơi được thì bơi”.
Không chỉ nhà trường mà ngay cả thí sinh cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường CĐ. Ông Nguyễn Trí, giáo vụ Trường THPT Trần Phú cho biết, có không ít thí sinh băn khoăn về cách thức, thủ tục đăng ký vào các trường CĐ hoặc thắc mắc nếu muốn theo học CĐ thì có được sử dụng phiếu đăng ký xét tuyển ĐH luôn hay không, mua hồ sơ đăng ký ở đâu. “Với những trường hợp này, chúng tôi đành phải hướng dẫn các em liên hệ trực tiếp với các trường CĐ để có thông tin chính xác”, ông Trí cho hay.
Vì vậy, để giải bài toán khó khăn trên, ngoài công tác quảng bá, tuyên truyền, các trường CĐ cũng có nhiều giải pháp mới. “Việc làm sau khi ra trường gần như là ưu tiên số một của cả phụ huynh và thí sinh. Do vậy, các trường CĐ phải có gì khác với ĐH thì mới mong thu hút được thí sinh. Và chúng tôi quan tâm đến việc kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết bài toán đầu ra cho SV.
Nhà trường đã xây dựng bộ phận tìm hiểu nhu cầu việc làm tại các tỉnh, chủ yếu là khu vực miền Trung-Tây Nguyên, ngoài việc đào tạo kỹ năng mềm và tăng cường thực hành để nâng cao tay nghề cho SV, chúng tôi còn liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình đào tạo, bổ sung, cập nhật kịp thời các môn học bổ trợ…”, TS Đinh Văn Tuyên cho biết.
Theo nhận xét của ông Lê Ngọc Việt, mặc dù lượng hồ sơ đăng ký vào trường có giảm so với năm 2016, nhưng những ngành mà xã hội có nhu cầu như kỹ thuật ô-tô, du lịch – dịch vụ và chăm sóc sức khỏe đều có lượng hồ sơ ổn định. Đến thời điểm 14-8, Trường CĐ Thương mại nhận được 1.800 hồ sơ đăng ký nhập học, “trường cũng chuẩn bị sẵn phương án, đối với những ngành học có ít thí sinh theo học, nhà trường sẽ chủ động liên hệ với những thí sinh chưa đến nhập học để các em chủ động, có thể điều chỉnh ngành học hoặc chọn trường khác” - thầy Tuyên cho biết.
HÀ TRẦN