“Gần dân, nghe dân, hiểu dân” nhiều năm qua trở thành phương châm phục vụ của chính quyền, Mặt trận các cấp ở Đà Nẵng, nhờ đó mà công tác cải cách hành chính của thành phố đạt được hiệu quả rõ rệt. Bên cạnh đó, chính quyền và người dân tìm được tiếng nói chung trong nhiều quyết sách, tạo nên sự đồng thuận để cùng xây dựng và phát triển thành phố.
Cán bộ tổ giải tỏa đền bù đến tận nhà giải đáp thắc mắc của dân trong những dự án giải tỏa đền bù của quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: H.N |
Cách đây vừa tròn một tháng, anh Mai Đình, Phó Chánh văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn, một trong hai thành viên một tổ giải tỏa đền bù của quận được Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong dự án thi công đường dây 110kV phục vụ APEC. Dự án này động thổ từ sau Tết Nguyên đán, hồ sơ giải tỏa chưa đến 10 bộ nhưng có 2 hộ trong số đó không đồng ý với phương án giải tỏa, đền bù.
Các thành viên trong tổ giải tỏa này đã đến nhà vận động, thuyết phục không dưới 5 lần, sau đó các hộ cũng “xuôi” và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. “Ở dự án nào cũng có một vài hộ chưa đồng ý với phương án mà chính quyền và ban quản lý các dự án đưa ra. Bà con kiến nghị về vấn đề tái định cư, tiền đền bù.
Nên những người làm công tác giải tỏa, đền bù này phải có đạo đức, có tâm, am hiểu Luật và các quy định hiện hành để giải thích cho bà con hiểu tường tận. Nhiều năm làm công tác này, theo tôi, chính quyền nhờ vào bà con rất nhiều. Bởi nếu không có sự đồng thuận, chia sẻ của dân thì rất khó hoàn thành công việc. Nhất là khi những dự án có thể làm thay đổi môi trường sống, thói quen, các mối quan hệ và cả vấn đề tâm linh của người dân”, anh Mai Đình chia sẻ.
Ngoài các quy định hiện hành, những người làm công tác giải tỏa đền bù ở nhiều địa bàn đều có sự vận dụng đặc biệt, uyển chuyển, như hỗ trợ thêm với những gia đình khó khăn, đông nhân khẩu, già yếu hay có bệnh hiểm nghèo.
Ông Lê Văn Lượng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang cho rằng, trong việc vận động quần chúng nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối, mình phải biết cách tận dụng từng con người. Địa bàn xã Hòa Sơn có đến 80% người dân theo đạo Công giáo, ông phải nhờ các cha xứ giúp sức. Rồi phải vận dụng kinh nghiệm, năng khiếu của mỗi người. Ông Lượng cho biết việc gì khó mấy ông cũng có cách “gỡ” được.
Như hồi xã Hòa Sơn lần đầu tiên giải tỏa để làm đường ĐT 602, nhiều hộ dân cương quyết không chịu di dời. Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh lên họp dân, đề nghị bà con trong 60 ngày bàn giao mặt bằng. Ông Lượng cũng hứa với đoàn công tác trong 60 ngày sẽ có mặt bằng.
Vậy mà chỉ 52 ngày sau ông có mặt bằng cho đơn vị thi công, nhờ những ngày đến từng nhà, đêm hôm vào từng thôn xóm phân tích, giải thích cho dân thấy cái lợi của việc mở đường thì sẽ có từ nhà nhỏ lên nhà to, đất có giá trị hơn…
Từ sau thành công của việc mở đường ĐT 602, năm 2008, việc mở đường Hoàng Văn Thái được thuận lợi, nhanh chóng. “Làm công tác Mặt trận là không thiếu cái chi, từ phòng chống tội phạm, triển khai “Thành phố 4 an”, vận động dân không sinh con thứ 3… Làm thế nào để “gần dân, nghe dân, hiểu dân” một cách tường tận, đó là cán bộ làm cái gì là làm “ra trò”, đừng làm bơi bơi”. Nghe ông chia sẻ mới hiểu vì sao nhiều địa phương bà con còn khó khăn nhưng sẵn sàng hiến đất mở đường, tất cả đều vì cái chung.
Ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, 7 công chức làm việc ở tổ “1 cửa” phải đáp ứng các yêu cầu như thân thiện, niềm nở. Bà con đến hỏi hay làm bất cứ điều gì đều phải giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, không được phép nói câu: “không phải việc của tôi!”, hay không được để xảy ra tình trạng dân đến mà không gặp người phụ trách. Phường cũng có quy định ngày tiếp dân, nhưng trên thực tế thì cán bộ lãnh đạo tiếp dân mọi lúc, họ có thể vào phòng Chủ tịch UBND phường nói chuyện.
“Ngoài giờ đi họp thì khi nào tui cũng có mặt, ngày nào cũng được, giờ nào cũng được. Ngoài giờ hành chính thì có thể đến nhà. Nếu yêu cầu của bà con quá quy định thì mình giải thích ngay”, ông Huỳnh Kim khẳng định.
Phường Hòa Quý có khoảng 2.000 hộ ảnh hưởng bởi giải tỏa đền bù, chỉnh trang đô thị, có khoảng 150 chị đơn thân nuôi con. Có 7 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang triển khai/30 dự án ở địa phương. “Người dân không quen sống kiểu nhà ống đô thị, họ quen sống kiểu nhà vườn. Mình nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng hộ để khi chuyển hồ sơ lên quận, với quan điểm không để dân chịu thiệt”, ông Kim chia sẻ.
Ông Kim có 20 năm trải qua nhiều công việc ở phường, ông bảo lớp nhỏ mình chưa biết, chứ 80% người dân Hòa Quý ông nắm rõ điều kiện, hoàn cảnh, cuộc sống của họ: “Làm gì thì làm khi ra đường dân họ chào, họ quý, đó là động lực để tui và những cán bộ của phường làm tốt công việc được giao”.
Gần dân và hiểu dân, như anh Mai Đình cho rằng, nhà của nhiều cán bộ cũng nằm trong diện giải tỏa, chỉnh trang, mới hiểu sâu xa những ước muốn của dân, nếu hợp lý, đúng luật, hội đồng đền bù đều họp, xét cụ thể, không cứng nhắc. Được thế nên 45 dự án trên địa bàn quận đang triển khai, cả quận Ngũ Hành Sơn như một “đại công trường”, nhưng hai năm qua chưa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế nào.
Ông Nguyễn Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho rằng, đền bù, giải tỏa là vấn đề sống còn của quận. Dự án nào, ngoài họp dân chung, cán bộ còn đi thực tế đến từng nhà, có nhà phải đến gặp 2-3 lần. Dự án nào cũng phải đến. Anh em cũng ở địa phương giúp nghe ngóng thông tin, giúp lãnh đạo quận xử lý kịp thời, từng bước, giải quyết những vướng mắc của dân.
Giải tỏa xảy ra ở hầu khắp các phường Hòa Quý, Hòa Hải và một phần Khuê Mỹ, chính quyền giúp dân chuyển đổi nghề sang trồng nấm, may gia công, vào làm việc ở các khu nghỉ mát. Còn về cải cách hành chính thì năm 2016 Ngũ Hành Sơn là địa phương được xếp đứng đầu thành phố về lĩnh vực này.
Riêng trong lĩnh vực xây dựng, với hộ nghèo thì cán bộ Phòng Quản lý đô thị sẽ đến tận nhà đo đạc, giao bản vẽ và cấp giấy phép xây dựng tận nhà. 6 tháng đầu năm nay đã có 92 nhà chính sách được cán bộ cấp giấy phép tại nhà.
Quy định vào ngày thứ 5 tiếp dân, chứ thực chất lãnh đạo quận dành 1/3 thời gian để tiếp dân, không kể ngày nào, giờ nào trong tuần. “Ngũ Hành Sơn là một điểm đến du lịch, chúng tôi đang cố gắng hết sức để môi trường đô thị của quận xứng tầm với tiềm năng du lịch đang có. Bên cạnh đó cũng vận động người dân tạo một lối sống thân thiện, hòa nhã. Khi người dân đồng thuận với mọi quyết sách của mình thì chuyện vận động dân thế nào, thực hiện làm sao đều trở nên dễ dàng hơn”, ông Nguyễn Hòa cho hay.
Gần dân, nghe dân, hiểu dân, tưởng đơn giản, cán bộ nào cũng làm được. Nhưng nếu không làm vì cái tâm thì cũng khó nhận được sự đồng thuận từ mỗi người dân. Đời sống xã hội ổn định, cải cách hành chính của Đà Nẵng từng ngày có nhiều đổi mới, một phần nhờ vào quan điểm “chính quyền phục vụ” giúp cho thành phố ngày càng phát triển.
HOÀNG NHUNG