Chung cư của thành phố được ví như một ngôi làng thu nhỏ. Thay vì đứng từ nhà bên này nhìn sang ngõ nhà bên kia, thấy nhau qua những hàng rào cây xanh mướt thì ở chung cư, chung nhau dãy hành lang, chiếc thang máy, những bậc cầu thang bộ, mở cửa ra là chạm mặt nhau, nghe thấy tiếng nói của nhau, cũng gần gũi, thân thương như những người nhà. Thế nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, ở chung cư là những người xa lạ từ nhiều nơi đến, nên việc kết nối, đoàn kết trong cộng đồng dân cư khá lỏng lẻo, mạnh ai nấy sống, không cần quan tâm nhiều đến hàng xóm. Vì vậy những việc như xả rác bừa bãi, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định… xảy ra khá thường xuyên. Thậm chí cứ khu vực nào dán thông báo “cấm đổ rác” là ở đó rác chất thành đống.
Nhiều người có thói quen ra khỏi nhà xách theo bịch rác, nhưng lại không bỏ rác đúng nơi quy định mà thường “tiện” đâu để đó. Một người bạn có “thâm niên” ở chung cư than phiền rằng, nhà anh ở cạnh cầu thang bộ, buổi sáng đi làm ngang qua thế nào cũng thấy xuất hiện một vài bịch rác nằm ở cầu thang, tàn thuốc lá xả khắp các bậc của cầu thang bộ. Có hôm đi xuống tiện tay anh xách luôn, nhưng xách đi hôm trước, hôm sau lại thấy xuất hiện bịch khác xếp chồng thành đống, bốc mùi hôi hám. Có lần anh phải đeo khẩu trang, mang găng tay kín mít, bới mấy bịch rác đó để tìm ra “dấu vết” nhà nào đã bỏ rác không đúng nơi quy định để mà nhắc nhở.
Thấy khu vực tập kết rác của chung cư thường xuyên quá tải, bốc mùi hôi, một số người dân trong khu chung cư đã góp tiền làm mới, quy hoạch lại khu vực bỏ rác bằng cách dựng một bức tường và để hở một cửa sổ để cho người dân thả rác qua cửa sổ đó, vừa gọn gàng, vừa ngăn lũ chuột hoành hành. Để lưu ý và nhắc nhở người dân trong chung cư, những người này còn cẩn thận dán các bảng thông báo, hướng dẫn cách bỏ rác đúng nơi quy định, kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh chung, nhưng mỗi ngày vẫn có vài bịch rác nằm ngay dưới cửa sổ của khu vực tập kết rác, hoặc nằm ngay ở hàng rào thay vì được đẩy qua hố rác.
Không chỉ bỏ rác ở cầu thang bộ, góc hành lang, thỉnh thoảng người đi bộ, thể dục trong khuôn viên chung cư lại bắt gặp những bịch rác “bay” từ những căn hộ trên các tầng cao xuống dưới đất mà người ném rác không cần quan tâm có vô tình trúng ai đó đang đi ngang qua hay không. Nhiều người còn “hồn nhiên” đổ nước thải của thức ăn thừa qua cửa sổ, bất kể các hộ dân ở tầng dưới, tầng trệt hứng chịu thế nào.
Để thay đổi ý thức của người dân trong khu chung cư, nhiều tổ dân phố, khu dân cư đã tổ chức các “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, kêu gọi mọi người cùng nhau dọn dẹp khu vực mình sống, vừa nhắc nhở nhau giữ gìn vệ sinh chung. Nhưng những cá nhân vô ý thức vẫn luôn tiện tay để những bịch rác bên góc tường, chân nhà để xe, hay lối cổng ra vào.
Chung cư cũng là một xã hội thu nhỏ. Sống trong cộng đồng dân cư chung, ý thức của mỗi người dân rất quan trọng, sự thiếu ý thức trong sinh hoạt chung sẽ gây ra những hệ lụy xấu. Người lớn chính là tấm gương phản chiếu của trẻ nhỏ, mỗi hành động, ứng xử của người lớn sẽ tác động đến ý thức của trẻ, thấy người lớn làm được, trẻ cũng vô tư làm theo, hình thành những thói quen xấu về một thế hệ tiếp tục xả rác bừa bãi. Bộ mặt chung cư có trở nên khang trang sạch đẹp hay không, tất cả phải cần sự chung tay góp sức của cả cộng đồng.
HÀ KHUÊ