Mạng lưới các nhà đầu tư tài chính quốc tế (FAIRR) và Công ty Tư vấn và Nghiên cứu Châu Á vừa đưa ra báo cáo về tình trạng của ngành chăn nuôi ở châu Á. Điểm đáng nói nhất là tình trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi quá mức, đặc biệt là ở Trung Quốc.
Sản xuất thịt ở châu Á bị cho là lạm dụng kháng sinh. |
Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi bởi xuất hiện những loại siêu vi khuẩn kháng kháng sinh là mối đe dọa rất lớn cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm ở châu Á dự kiến tăng sử dụng kháng sinh cho gà lên 129% và 124% cho heo vào năm 2030.
Cúm gia cầm với dòng virus mới H7N9 ở Trung Quốc nguy hiểm hơn những dòng virus trước, tức là có khả năng gây chết người lên tới 84% so với dòng H5N1 hồi năm 2006. Nó ảnh hưởng mạnh tới việc cung cấp thịt cho McDonald và WalMart ở Trung Quốc. Trong đợt dịch cúm gia cầm năm 2016 và 2017 này, Hàn Quốc đã phải tiêu hủy 1/5 đàn gia súc của cả nước.
Dự báo nhu cầu tiêu thụ thịt ở châu Á sẽ tăng 19% vào năm 2025 càng khiến mối lo sử dụng kháng sinh còn tăng cao hơn nữa. Các công ty lương thực châu Á đã nhanh chóng mở rộng sản xuất thịt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân, nhất là tầng lớp trung lưu, nhưng việc mở rộng này đã gây tổn hại đến an toàn thực phẩm, dịch bệnh, phát thải, lạm dụng thuốc kháng sinh và cả lạm dụng lao động.
Lạm dụng kháng sinh không phải là thứ duy nhất các nhà đầu tư lo ngại. Sản xuất thịt ở châu Á cũng làm tăng lượng khí phát thải nhà kính lên tới hơn 360 triệu tấn, tương đương với việc chạy 100 nhà máy nhiệt điện trong vòng một năm. Thịt bò và cừu tạo ra lượng khí phát thải gấp 280 lần so với đậu.
Nhu cầu thịt tăng nghĩa là chăn nuôi phải tăng lên. Một khi cần tăng chăn nuôi thì dễ dẫn tới tình trạng phá rừng. Chẳng hạn như nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Trung Quốc chiếm tới 35% sản lượng đậu nành của Brazil. Được biết một nửa lượng kháng sinh chăn nuôi sử dụng ở Trung Quốc. Tập đoàn New Hope và Tập đoàn Wen nằm trong top 10 nhà sản xuất thịt và thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới.
Scandal thịt hết hạn ở Thượng Hải (Trung Quốc) cách đây 3 năm khiến cho các thương hiệu đa quốc gia như McDonalds hay KFC sử dụng nguồn thịt cung cấp này thiệt hại hàng tỷ USD. Sau đó là scandal trứng nhiễm dioxin ở Đài Loan. Mới đây nhất là vụ trứng nhiễm thuốc trừ sâu từ châu Âu vào châu Á. Chính vì thế, các nhà đầu tư được khuyến cáo cần theo dõi chặt chẽ rủi ro lâu dài của ngành chế biến thịt và thức ăn chăn nuôi ở châu Á. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ, chẳng hạn như mã vạch để người tiêu dùng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm.
ANH THƯ (Theo Business Wire)