.

Phía sau bị cáo

.

Phía trước bị cáo là vành móng ngựa và sự nghiêm minh của pháp luật. Phía sau bị cáo là cha mẹ, vợ/chồng, con cái của bị cáo đang quay quắt những nỗi niềm không thể gọi tên…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người đầu bạc chăm kẻ tóc xanh

Trong một phiên tòa xét xử tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc tại Tòa án Nhân dân quận Sơn Trà năm 2013, đứng trước vành móng ngựa là 4 cô gái ngấp nghé tuổi 30. Trong số đó, H.H.N (quận Sơn Trà) là người trẻ nhất, đẹp nhất. N. sinh ra trong một gia đình “dư ăn dư mặc”. Thế nhưng, từ ngày lấy chồng, N. không chí thú làm ăn mà sa đà vào thú chơi đen đỏ, bỏ ngoài tai lời khuyên của gia đình, chồng con. Có mặt tại phiên xử hôm ấy, khi nghe tòa tuyên mức án 6 tháng tù giam với con gái mình, bà N.T.T đấm thùm thụp vào ngực tự trách: Là tại má, chính má đã đẩy con vào con đường cờ bạc này.
Vãn phiên tòa, chúng tôi tiến đến hỏi chuyện, qua phút xúc động, bà dốc ruột gan tâm sự: Bà có ba người con gái, N. là con đầu. Bà vốn là chủ vựa cá ở cảng cá Thọ Quang. Như một số người gắn cuộc đời nơi cảng cá, bà T. cũng mê cờ bạc. N. từ nhỏ đã chứng kiến cảnh mẹ chơi bài nên “máu cờ bạc” đã nhiễm vào cô từ lúc nào không hay. Đến khi thấy con gái mê muội vì những lá bài, bà T. khuyên can thì đã muộn.

N. đi tù vào giai đoạn cuối năm, ở trại qua Tết. Năm đó, nhà bà T. cũng không có Tết. Không có hoa đào, hoa mai như mọi năm, bếp núc cũng nguội lạnh. Những ngày giáp Tết, bà T. vẫn đi chợ, nhưng là để nấu những món N. thích, đem vào trại thăm cô. Người đàn bà phốp pháp, có giọng nói hào sảng, có chút ngạo nghễ của người làm ra tiền nhưng đứng trước con gái mình, bà lại dịu dàng biết bao nhiêu. “Mỗi lần đi thăm con, nhìn con tiều tụy trong bộ quần áo tù nhân, da dẻ tái xanh là về tôi nằm liệt, bỏ ăn, bỏ uống mấy ngày. Thương con, thương đứa cháu mới 2 tuổi đầu đã thiếu hơi mẹ. Tôi càng trách mình đã bỏ bê con cái, không làm gương, không dạy con đến nơi đến chốn mới ra cớ sự hôm nay”, bà T. nghẹn ngào kể lại chuyện đã qua. Nằm gối đầu lên chân mẹ mình đầy tình cảm, N. bộc bạch: “Hồi xưa tôi không bao giờ nói câu: “Con thương má” đâu, vì má lạnh lùng lắm. Có lúc tôi nghĩ, “với má, đồng tiền là trên hết, con cái, tình cảm chỉ là thứ yếu”. Vậy mà ngày tôi đi tù, má khóc như mưa. Hầu như tuần nào má cũng lên thăm nuôi, tôi thấy mình thật tệ khi đã từng nghĩ về người sinh ra mình như thế. Đi tù là bài học quá đắt với tôi, nhưng cũng nhờ bài học này, mà má con tôi mới gần gũi lại với nhau”. Nghe con nói, vuốt tóc con mà bà T. rưng rưng nước mắt.

Những trường hợp cha mẹ sấp ngửa chạy theo con qua những phiên tòa, trại giam không phải là chuyện hiếm. Người thân của bị cáo thường là người đau khổ nhất tại phiên tòa. Như trường hợp N.T.A (20 tuổi, quận Sơn Trà), phạm tội chống người thi hành công vụ, tòa tuyên 6 tháng tù giam. Ngày tòa xử, cha mẹ hai bên, vợ con anh đều có mặt nhưng mọi người trong khán phòng đều chú ý đến người đàn ông phúc hậu ngồi ở góc phòng, gương mặt ông hằn nỗi đau cố giấu qua ánh mắt đỏ ngầu-đó là cha vợ anh. Bởi, ông cũng là một chiến sĩ công an nhưng nay lại chứng kiến con rể mình bị tòa tuyên án vì đã đánh công an, còn gì đau xót hơn! Lúc bị cáo được đưa ra khỏi phòng xử, ánh mắt A. hướng về phía cha vợ, môi mấp máy lời xin lỗi. “Đi đi con, cố gắng cải tạo tốt. Vợ con con ở nhà, cha mẹ hai bên sẽ lo. Ba không trách giận gì con hết”, ông nhắn gửi vài lời trước khi cánh cửa xe chở phạm nhân đóng lại.

Vì vụ con rể, ông cũng bị liên đới trách nhiệm. Cơ quan, Đảng ủy kiểm điểm, kỷ luật. Thế nhưng, vượt lên dư luận, những ngày con rể ở tù, người ta vẫn thấy ông vượt đường xa đi thăm nuôi. Ông trải lòng: “Con rể tôi là đứa hiền lành. Chỉ vì chút men rượu nên mới không kiểm soát được hành vi. Con dại thì cái mang. Những thứ như danh dự, sĩ diện, tiền bạc… cũng cần nhưng không thể hơn được tình cảm của cha mẹ dành cho con cái”.

Điểm tựa chênh vênh

Thời điểm chồng mình là N.T.A đi tù, chị H.T. P. mới 20 tuổi, con nhỏ 1 tuổi, công việc bấp bênh nhưng tuần nào chị cũng chở con lên thăm chồng. Làng xóm thấy chị thăm nuôi nhiều, có người còn mỉa mai: Chồng đi tù chớ có phải đi công tác đâu mà thăm với nom miết! Đối diện với bao ánh mắt soi mói, dị nghị của xóm giềng, chị chỉ biết cười buồn, nuốt nước mắt vào trong. “Chồng mình mình thương, ai nói ra nói vô thì kệ. Nói thật, chính những ngày khó khăn ấy lại là lúc vợ chồng thương nhau nhiều nhất”, chị P. trải lòng.

Những lần lên thăm chồng, chị P. đều chở con gái theo. Hễ nhìn thấy con là anh lại khóc, anh bảo vợ đừng đưa con lên đây, anh sợ con thấy mình trong bộ quần áo tù tội sẽ bị ám ảnh. Chị phải trấn an chồng. Chị hiểu, anh ngoài miệng thì nói vậy nhưng tuần nào chị lên một mình mà không có con đi cùng, đôi mắt anh chứa đầy nước đang cố giữ chặt. Ngày anh về, chị đi đón anh trong bộ quần áo mới, có cả đứa con gái bé bỏng và bố mẹ chồng theo cùng. Chị bảo, mình không xấu hổ khi có chồng bị tù, chuyện của anh là chuyện ngoài ý muốn. Làm người ai không phạm sai lầm. Miễn là, sau sự việc đó, anh đã nhận ra giá trị của tự do, ý nghĩa của tình cảm vợ chồng. Điều mà khi còn là cậu thanh niên 20 tuổi phóng túng ở ngoài, anh vốn xem nhẹ. Anh chị còn cả cuộc đời dài ở phía trước. Chị tin, chỉ cần có niềm tin ở nhau, anh chị sẽ nắm tay nhau vượt qua tất cả.

Một ngày tháng 6 năm 2012, khi đang vui đùa cùng đứa con trai 2 tuổi thì chị H.T.H.L (quận Hải Châu) nhận được điện thoại báo, anh Đ.V.T chồng chị vừa chém người ở khu dân cư cầu Phú Lộc. Ôm con trong tay, chị L. ngã khụyu.

Phải mấy ngày sau mới được gặp chồng tại phòng tạm giam của Công an thành phố, T. khóc như mưa: “Anh có lỗi với em, có lỗi với con, với ba mẹ, anh gây tội lớn rồi em ơi”. Nhìn chồng chỉ mới vài ngày không gặp mà râu ria tua tủa, thân hình vốn đã gầy nay càng thêm tiều tụy, chị L. vừa giận anh cạn nghĩ nhưng cũng vừa thương. Chị biết, với việc gây thương tích cho nạn nhân đến 68%, dù gia đình có hết sức bù đắp thì con đường chốn lao tù của anh sắp tới sẽ không hề ngắn. “Với tội cố ý gây thương tích, anh bị kết án 3,5 năm tù nhưng nhờ cải tạo tốt, án giảm còn 2 năm 3 tháng. Quãng thời gian anh đi là thời gian khó khăn nhất của gia đình tôi, con nhỏ, công việc bấp bênh… Đã 3 năm trôi qua kể từ ngày ấy nhưng tôi không bao giờ quên được những ngày dậy từ tờ mờ sáng kho thịt ruốc, gói ghém chút đồ khô, xếp cho anh cái áo lạnh mang theo. Vừa làm mà nước mắt không ngừng rơi. Bữa cơm ngày ấy vắng anh cũng vắng hẳn thịt cá, nếu có mua về đến bữa dọn lên, gắp lát thịt đưa lên miệng tôi lại bỏ xuống. Nghĩ cảnh anh ăn cơm tù biết có nuốt được không…”, chị L. trầm giọng kể.

Ban đầu, anh T. bị giam ở  trại tạm giam Hòa Sơn trong nửa năm, sau đó chuyển ra trại giam Bình Điền (Huế). Con đường đi thăm chồng của chị càng gập ghềnh. Có những hôm, chị ra Huế đã 10 giờ đêm, phải thuê khách sạn ngủ lại rồi 4, 5 giờ sáng lục đục dậy vào thăm anh cho kịp được gặp trong buổi sáng, chiều còn về đón con. Mỗi lần đi thăm chồng là mỗi lần tốn kém. Bịch đồ chị mang theo không chỉ dành phần anh mà luôn chuẩn bị dư ra để anh còn chia sẻ với bạn tù. Anh T. sinh ra trong một gia đình êm ấm, lại là quý tử nên từ nhỏ đã thích gì làm nấy, kể cả khi đã vợ con, anh cũng không thay đổi tâm tính. T. bảo nếu không có lần đi tù nhớ đời ấy, có lẽ anh vẫn là con ngựa bất kham, không ai kiềm cương nổi. “Những ngày đầu ở tù, tôi rất hoảng loạn. Dẫu biết việc đi thăm nuôi tốn kém, vất vả đủ đường nhưng tôi không sao ngăn được việc năn nỉ mẹ rồi vợ hãy vào thăm thường xuyên. May mắn là vợ tôi còn thăm nhiều đến nỗi cán bộ trại giam phải nhắc nhở. Thật sự tôi biết ơn cô ấy nhiều lắm. Chỉ duy có một điều tôi day dứt đến tận hôm nay là ngày tôi còn ngồi tù, cha tôi mất vì bệnh tật. Những ngày cuối đời của ông, đứa con trai duy nhất không kề bên. Tôi được về chịu tang cha 1 ngày. Nhìn cảnh gia đình mẹ già, vợ và con thơ chênh vênh bấu víu vào nhau, tôi đứt ruột mà bất lực”, T. xúc động nhớ lại. Hiện tại, anh T. đang làm việc cho một công ty nội thất ô-tô. Công việc của hai vợ chồng đều ổn định, gia đình thuận hòa, êm ấm, sóng gió dường như đã rời xa gia đình chị rồi.

Mỗi khi có sự việc đau lòng xảy ra, bị cáo là người đền tội trước pháp luật nhưng gia đình, người thân bị cáo cũng sẽ chịu chung nỗi dằn vặt lương tâm, chỉ đến khi nào, bị cáo được trả tự do thì nỗi quay quắt của người thân mới được cởi bỏ. Chỉ mong những ai còn cha mẹ, chồng/vợ, con thì khi hành động hãy nghĩ đến người thân của mình.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.