Ngày 4-8-2017, theo đánh giá của Đoàn công tác Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, Đà Nẵng là một trong 4 tỉnh có số mắc sốt xuất huyết (SXH) cao. Còn nhớ một kinh nghiệm hay của Hội Y học dân tộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ), trong đợt dịch SXH có gần 5.000 ca trong tỉnh vào năm 1983, Tỉnh hội đã huy động toàn thể hội viên sát cánh cùng ngành y tế tham gia chống dịch.
Cỏ mực - cây thuốc hay trị sốt xuất huyết. Ảnh: P.C.T |
Theo Y học cổ truyền, bệnh sốt xuất huyết (SXH) thuộc nhóm ôn bệnh và ôn dịch (ôn dịch vì có tính lây lan thành dịch). Qua thực tiễn đúc kết từ nhiều năm, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1537/QĐ-BYT, ngày 29-4-2014 kèm theo tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue bằng y học cổ truyền”.
Theo hướng dẫn trong phác đồ điều trị kèm theo quyết định (vẫn còn hiệu lực) này, điều trị SXH bằng thuốc y học cổ truyền có khả năng điều trị tốt bệnh SXH độ I (người bệnh chỉ sốt, chưa có triệu chứng xuất huyết) và độ II (người bệnh sốt có triệu chứng xuất huyết: xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, khạc ra máu, thậm chí nôn ra máu, tiểu ra máu hoặc kinh nguyệt kéo dài).
Phương pháp điều trị theo YHCT: thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, giải độc, nâng cao thể trạng.
Nguyên tắc điều trị chung: Uống thuốc cổ truyền kết hợp nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu.
Dưới đây xin trích giới thiệu các bài thuốc nam được Bộ Y tế công nhận có tác dụng điều trị SXH ở độ I và độ II .
* Bài thuốc 1: Lá cúc tần 12g (tác dụng hạ sốt); Cỏ mực 16g (cầm máu); Mã đề 16g (lợi tiểu); Trắc bá diệp (sao đen) 16g (cầm máu); Sắn dây 20g (thanh nhiệt); Rau má 16g (nhuận gan, thanh nhiệt); Lá tre 16g (hạ sốt, thanh nhiệt); Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị).
Nếu không có Sắn dây thì thay bằng Lá dâu 16g; Nếu không có Trắc bá diệp thì bằng Lá sen sao đen 12g hoặc Kinh giới sao đen 12g.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
* Bài thuốc 2: Cỏ mực (sao vàng) 20g (chỉ huyết, nhuận huyết); Cối xay (sao vàng) 12g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc); Rễ cỏ tranh 20g (lợi tiểu, hạ sốt, giải độc); Sài đất 20g (thanh nhiệt, giải độc); Kim ngân 12g (thanh nhiệt, giải độc); Hạ khô thảo (sao qua) 12g (lợi tiểu, hoạt huyết, thanh can hỏa); Hoa hòe 10g (bền thành mạch); Gừng tươi 3 lát (kích thích tiêu hóa, chống nôn, ôn vị).
Nếu không có Hạ khô thảo thì thay bằng Bồ công anh 12g.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần.
* Bài thuốc 3: Cỏ mực 20g; Cam thảo 6g; Hoạt thạch 12g (lợi tiểu, hạ sốt); Mã đề 16g (lợi tiểu, hạ sốt); Gừng tươi 3 lát.
Nếu không có Hoạt thạch thì thay bằng Cối xay 12g. Nếu không có Mã đề thì thay bằng Lá tre 16g.
Cách dùng: Cho 600ml nước sạch, đun sôi 30 phút, để ấm, uống ngày 3 lần. Nếu hết sốt thì ngừng thuốc ngay.
Các bài thuốc trên có thể điều trị cho trẻ em với liều dùng như sau:
- Trẻ em từ 1 – 5 tuổi: liều bằng 1/3 người lớn.
- Trẻ em từ 6 – 13 tuổi: liều bằng 1/2 người lớn.
- Trẻ em từ 14 tuổi trở lên: liều bằng liều người lớn.
- Trẻ còn bú mẹ: cho mẹ uống thuốc, qua sữa điều trị cho con.
Dùng bài thuốc số 2 sắc uống trong suốt vụ dịch, uống thay nước uống hằng ngày để phòng chống dịch trong vùng có dịch SXH lưu hành.
Lưu ý: Sốt xuất huyết độ III, độ IV (bệnh nhân có biểu hiện trụy mạch, sốc và sốc nặng) thì không được điều trị bằng YHCT. Những trường hợp này nhất thiết phải điều trị bằng Y học hiện đại. Có thể sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền để điều trị phối hợp. Ngoài ra bệnh nhân SXH đang có sốt cao không được dùng Nhân sâm và các chế phẩm có Nhân sâm.
PHAN LANG