.

Tranh khảm trên phố Paris bị mất cắp

.

Giới hữu trách ở Paris nghi ngờ những tên trộm đã tháo gỡ các tác phẩm khảm trước đây đã bán đấu giá hàng trăm ngàn bảng Anh của nghệ sĩ đường phố Invader. Trong những ngày gần đây, các nhân chứng đã nhìn thấy và nghi ngờ những người mặc đồng phục công nhân đang tháo gỡ các tác phẩm trên bờ tường cao. Họ nói với người qua đường rằng họ đang làm việc cho Tòa thị chính, nhưng các quan chức Paris đã phủ nhận điều này.  

Tranh Mona Lisa của Invader ở Paris (2014).
Tranh Mona Lisa của Invader ở Paris (2014).

Một cư dân Paris, ông  Robert Pierre đã đưa lên Twitter để chia sẻ những hình ảnh của ông về những người đàn ông đang làm công việc tháo gỡ tranh khảm, ông nói với Telegraph: “Tôi tức giận, và tôi nghĩ rằng nếu có nhiều người chụp hình thì chúng tôi có thể sử dụng nó làm bằng chứng để bắt họ”. Ông còn nói thêm rằng nghệ sĩ Invader đã liên lạc với ông và cho biết một số tác phẩm khác của ông ấy cũng đã bị mất tích.

Tranh khảm của Invader ở phố cảng công nghiệp Bilbao, Tây Ban Nha  (2007).
Tranh khảm của Invader ở phố cảng công nghiệp Bilbao, Tây Ban Nha (2007).

Sở cảnh sát Paris vẫn chưa công bố bất cứ cuộc điều tra nào. Các phương tiện truyền thông Pháp phỏng đoán rằng bọn trộm có kế hoạch bán tháo, bán đổ những bức tranh khảm đó với giá rất bèo để hưởng lợi nhanh gọn, trong khi bản thân nghệ sĩ, tác giả của những bức tranh đó có thể bán “bản tranh sao chép lại” với giá 283.000 đô-la một bức.

Invader tạo ra các tác phẩm bằng cách sử dụng gạch phòng tắm theo phong cách của những trò chơi video năm 1978.
Invader tạo ra các tác phẩm bằng cách sử dụng gạch phòng tắm theo phong cách của những trò chơi video năm 1978.

Nghệ sĩ Invader đã bận rộn từ năm 1998 để trang trí các bức tường của Paris và hơn thế nữa, ông thực hiện công phu bằng tranh khảm gốm theo phong cách Space Invaders (xâm chiếm không gian). Invader đã xuất bản cuốn sách Invader’s mosaic works (Những bức tranh khảm của Invader), và tấm bản đồ vị trí của mỗi bức tranh khảm của mình hiện diện trên mỗi đường phố.

Kẻ trộm giả làm công nhân đường phố đánh cắp tranh khảm.
Kẻ trộm giả làm công nhân đường phố đánh cắp tranh khảm.

Invader tốt nghiệp trường nghệ thuật Paris École des Beaux-Arts.  Invader ban đầu bắt nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của mình từ các trò chơi điện tử từ cuối những năm 1970 đến đầu những năm 1980 khi ông lớn lên. Invader bắt đầu vẽ tranh khảm tại Paris vào những năm 1990 và sau đó, tranh khảm của ông hiện diện ở 31 thành phố khác ở Pháp. Invader đã thực hiện khảm ở thành phố New York, Tây Ban Nha, Hồng Kông. Từ năm 2000, ông đã lắp đặt hơn 70 tác phẩm ở Hồng Kông. Các chi tiết trong tranh khảm của Invader gồm các nhân vật trong Star Wars (ở London), cùng với Pink Panther và Mega Man (ở Paris). Tác phẩm của ông ở Hồng Kông gần chủ đề phương Đông hơn: với một số nhân vật võ thuật; Màu vàng và đỏ đã được sử dụng thường xuyên hơn để phản ánh màu sắc truyền thống Trung Quốc: lửa và đất.

Invader hoạt động ẩn danh, thường xuyên che giấu và phần lớn thực hiện tác phẩm vào ban đêm.  Để bảo vệ danh tính của mình, trước máy ảnh hay trong các cuộc phỏng vấn, ông làm nhòa hình ảnh chân dung của mình hoặc đeo mặt nạ như ngụy trang. Ông tuyên bố rằng chỉ có một vài người biết tên thật và khuôn mặt của ông.

Một bức tranh khảm của  Invader trên tường ở  Manchester, Anh (2004).
Một bức tranh khảm của Invader trên tường ở Manchester, Anh (2004).

Invader coi mình như một kẻ “hacker” không gian công cộng, lây lan bởi một loại virut: khảm.  Ông tin rằng các viện bảo tàng và phòng triển lãm không thể tiếp cận được với mọi người, vì vậy, ông cố tình làm cho công trình của mình trở nên công khai bằng cách cài đặt chúng ở đường phố để mọi người bình thường thưởng thức hằng ngày.

Lần này, khi nghe tranh khảm trên đường phố bị tháo gỡ đánh cắp, trên trang web chính thức của mình, Invader nói rằng: Không những bây giờ mà trước kia, một số lượng lớn tác phẩm của ông đã bị tháo gỡ, đánh cắp, và ông cho đây là “hành động vô ý thức, ngu dại, một sự phá hủy hết sức đau đớn”.

HOÀNG ĐẶNG

(Theo Telegraph)

;
.
.
.
.
.